Mùa đông đến là lúc thời tiết trở lạnh, trẻ dễ mắc các bệnh lý về đường hô hấp. Làm sao để tắm cho trẻ an toàn là điều mà nhiều bà mẹ quan tâm, lo lắng.

Dưới đây là những điểm các cha mẹ cần lưu ý khi tắm cho bé trong mùa đông:

Không nên tắm cho con ngay sau khi tiêm phòng

Sau khi tiêm phòng, mẹ không nên tắm cho con ít nhất 1 ngày. Trên thực tế, sau khi tiêm phòng, các bậc phụ huynh điều được khuyên nên ở lại theo dõi 30 phút ở bệnh viện hoặc các cơ sở y tế bởi vì sau khi tiêm vắc xin vào cơ thể, cơ thể sẽ bắt đầu sản xuất kháng thể để chống lại vi rút trong vắc xin.

Sau khi tiêm vắc xin, hệ miễn dịch của trẻ sẽ giảm, mẹ tắm ngay cho trẻ có thể khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập qua vết tiêm, khiến trẻ bị sốt, cảm lạnh và nhiều vấn đề khác.

Khi nhiệt độ xuống thấp

Mẹ hãy tắm cho trẻ khi đảm bảo được rằng nhiệt độ phòng luôn ấm áp. Nếu mẹ tắm cho trẻ ở nhiệt độ phòng dưới 26 độ C, bé rất dễ bị cảm lạnh. Mẹ nên chú ý giữ nhiệt độ nước tắm cho trẻ từ 40-42 độ C.

Cơ thể trẻ bị thương

Nếu trẻ có một vết thương, chẳng hạn như vết mụn, vết đứt tay, vết bỏng, mẹ không nên tắm cho trẻ. Vì bồn tắm của trẻ có thể chứa nhiều vi khuẩn, dễ xâm nhập vào cơ thể trẻ qua những vết thương đó.

Khi trẻ vừa ăn xong

Mẹ không nên tắm bé khi bé vừa ăn no. Bởi vì tắm gây giãn mạch máu, khiến lượng máu tích tụ nhiều hơn dưới lớp biểu bì dẫn đến giảm lượng máu trong dạ dày. Mẹ tắm cho trẻ sẽ khiến trẻ dễ bị khó tiêu, nôn mửa. Mẹ nên đợi 1-2 giờ sau khi trẻ ăn no rồi mới tắm cho trẻ.

Khi trẻ khóc

Khi bé khóc, mẹ không nên tắm cho trẻ. Mẹ cố tình tắm cho trẻ khi tâm trạng của bé không tốt sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý của trẻ, khiến trẻ có cảm giác sợ hãi, ám ảnh khi tắm sau này. Hơn nữa, tắm cho bé khi bé khóc rất dễ khiến bé bị cảm lạnh.

Khi trẻ nôn, trớ

Sau khi trẻ bú sữa, nếu bé bị nôn, trớ, mẹ không nên tắm cho bé. Tắm cho bé lúc này sẽ khiến bé dễ nôn, trớ nhiều hơn. Khi bé mới nôn, trớ sữa, mẹ không nên vội vã tắm ngay mà nên vỗ lưng, xoa lưng giúp trẻ ổn định, nghỉ ngơi rồi mới tắm rửa.

Những điều cha mẹ cần lưu ý:

Thời tiết giá rét khiến việc vệ sinh cơ thể của người lớn, đặc biệt trẻ con khó khăn. Song cũng có nhiều bố mẹ cho rằng đã có các thiết bị hỗ trợ như đèn sưởi, bình nóng lạnh nên vẫn tắm hàng ngày cho trẻ. Thời gian tắm kéo dài cộng thêm quá trình cởi và mặc lại quần áo dễ khiến trẻ bị cảm lạnh, gây ho và sổ mũi.

Về điều này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai cho hay do trẻ đang trong giai đoạn trưởng thành và hoàn thiện cơ thể nên quá trình bài tiết mồ hôi, tế bào chết đi diễn ra rất nhanh. Hơn nữa bé thường xuyên nghịch ngợm, chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh nên cần phải được người lớn giúp trong việc tắm rửa.

Tuy nhiên, PGS Dũng khuyến cáo không nên tắm hàng ngày cho trẻ. "Các nghiên cứu và thực tế cho thấy tại các nước, phụ huynh chỉ cần tắm cho trẻ 2 lần/tuần. Ở Việt Nam, do khí hậu nhiệt đới ẩm, có thể tắm 3 lần/tuần. Quan niệm mỗi ngày đều tắm cho trẻ và không cần thiết, thậm chí là sai lầm".

Việc tắm cho trẻ cần đảm bảo vừa đủ làm sạch cơ thể vừa không làm khô da. Thời gian tắm mỗi lần không kéo dài quá 10 phút, nếu lâu hơn, lớp da ngoài trở nên mềm do tiếp xúc nước nhiều, từ đó làm giảm sức đề kháng của da. Đặc biệt, không dùng nước quá nóng để tắm cho trẻ, chỉ nên lưu ý giữ ấm nhiệt độ trong phòng tắm, từ 37- 40 độ C. Nếu quá nóng sẽ làm tổn thương da, ngược lại nhiệt độ thấp, bé dễ cảm lạnh.

Khi tắm cho trẻ, có thể sử dụng xà phòng tắm để làm sạch bụi bẩn và mồ hôi trên da. Nên dùng loại xà phòng trung tính đối với trẻ có làn da khô.