Trình tự mọc răng ở trẻ nhỏ có thể cha mẹ chưa biết
Nội dung bài viết:
Trình tự mọc răng theo tuổi của em bé
Trẻ mọc răng sớm nhất là mấy tháng? Theo tiêu chuẩn bình thường, trẻ từ 6 – 8 tháng tuổi sẽ bắt đầu mọc răng, răng mọc đầu tiên là hai chiếc răng cửa hàm dưới. Sau đó những chiếc răng khác sẽ mọc tiếp cho đến 30 tháng tuổi sẽ hoàn thiện 20 cái.
Tuy nhiên có những trẻ 3 tháng mọc răng sớm hoặc sinh ra bé đã có răng, bố mẹ đừng quá lo lắng khi con mọc răng quá sớm hay quá muộn, đây là việc hoàn toàn bình thường vì thời gian mọc răng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như di truyền, dinh dưỡng, sự bổ sung vitamin A, vitamin D.
Thay vì lo lắng về việc trẻ mọc răng sớm bố mẹ nên quan tâm đến chế độ dinh dưỡng để con mọc răng không bị dị dạng, chắc khoẻ.
Bố mẹ có thắc mắc bé mọc răng nào trước? Câu trả lời có thể là từ bên trái, bên phải hoặc ở giữa trước nhưng hầu hết sẽ theo thứ tự sau:
Răng cửa giữa: Thông thường khi trẻ được 6 tháng tuổi, hai răng cửa giữa hàm dưới sẽ nhú lên trước tiên. Tiếp đó khi được 8 tháng tuổi trẻ mọc răng cửa trên. Răng cửa giữa của bé luôn mọc thành từng cặp.
Răng cửa bên: Nằm sát răng cửa giữa là răng cửa bên sẽ tiếp tục mọc lên khi bé được cỡ 9 tháng tuổi. Thường thì răng cửa bên hàm trên sẽ mọc trước rồi mới đến răng cửa bên hàm dưới. Đôi khi, bốn chiếc răng cửa hàm trên sẽ nhú ra cùng một lúc.
Răng nhai thứ nhất: Theo thứ tự mọc răng ở trẻ sơ sinh thì sau khi bé mọc răng cửa, tiếp theo sẽ đến răng nhai (hay còn gọi là răng hàm). Có thể bạn sẽ nghĩ rằng răng nanh sẽ mọc tiếp theo răng cửa vì nó nằm kế răng cửa nhưng thật ra không phải như vậy. Răng nhai sẽ mọc trước, chừa một khoảng trống để răng nanh mọc sau. Răng nhai mọc vào khoảng độ 13 tháng tuổi.
Theo thứ tự mọc răng của trẻ sơ sinh thì 2 răng cửa hàm dưới sẽ nhú lên đầu tiên, sau đó 2 răng cửa hàm trên mới mọc ra. Phụ huynh không chỉ đặt câu hỏi trẻ mọc răng nào trước mà còn lo lắng bé mọc răng hàm trên trước có sao không? Ba mẹ yên tâm vì nguyên nhân khiến răng hàm trên mọc trước là do cơ địa của từng bé, và không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ của trẻ.
Răng nanh: răng nanh nằm kế răng cửa bên, dùng để xé thức ăn và sẽ giúp bé ăn được nhiều dạng thức ăn khác nhau. Khi được 16 tháng tuổi, bé mới bắt đầu mọc răng nanh.
Răng nhai thứ hai: khi bé tròn hai tuổi, răng nhai thứ hai sẽ mọc ra.
Răng cối vĩnh viễn thứ nhất: đây không phải răng sữa vì nó sẽ không rụng. Răng cối vĩnh viễn của trẻ sẽ mọc khi bé khoảng 6 tuổi.
Như vậy, Bộ răng sữa của trẻ gồm có tất cả 20 răng, 10 ở hàm trên và 10 ở hàm dưới. Ghi nhớ thời gian con mọc răng có thể giúp mẹ dự đoán được thời gian con thay răng sữa thành răng vĩnh viễn.
Dấu hiệu giúp mẹ phát hiện trẻ mọc răng sớm
Sau khi đã có câu trả lời trẻ mọc răng nào trước, cha mẹ cũng cần chú ý đến các dấu hiệu “rối loạn” của cơ thể khi trẻ mọc răng như sau:
Chảy dãi: Mọc răng sẽ kích thích chảy nước dãi.Khi bé chảy quá nhiều nước dãi, lượng nước này sẽ tiếp xúc với da mặt, miệng và đôi khi là cả cổ gây ra nổi mẩn.
Thích nhai cắn: Nướu có thể bị sưng đỏ làm trẻ có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu tại chỗ răng đang nhú lên. Trẻ mọc răng có xu hướng muốn gặm bất cứ cái gì chúng có trong tay.
Sốt nhẹ: Trẻ sốt mọc răng thường ở mức 38 – 38,5 độ C, một số trường hợp sốt cao là do tiến triển bệnh cấp tính gây viêm quanh thân răng hoặc áp xe quanh thân răng.
Một số trẻ mọc răng bị sốt và đi ngoài cũng là trường hợp thường gặp, chúng ta hay gọi là tướt. trong trường hợp này, trẻ thường đi ngoài nhiều lần/ ngày, phân lỏng, có thể có mùi chua, không kèm nhày, máu…
Chán ăn: Sự khó chịu sẽ khiến trẻ muốn được dỗ dành bởi ti mẹ hay núm vú giả nhưng khi ngậm vào, chúng lại khiến cơn đau của trẻ trở nên tồi tệ hơn. Lâu dần sẽ dẫn đến chán ăn.
Quấy khóc: không phải trẻ nào cũng quấy khóc hay khó chịu trong giai đoạn mọc răng, nhưng nếu trẻ quấy khóc, bứt rứt khó chịu thì cha mẹ cần có những biện pháp dỗ dành, âu yếm trẻ để trẻ có thể vượt qua giai đoạn này.
Các dấu hiệu này thường xuất hiện từ 3 - 5 ngày trước khi răng nhú lên và sẽ tự hết trong 3 - 7 ngày.
Cách chăm sóc khi trẻ mọc răng
Trong giai đoạn mọc răng, cơ thể trẻ sẽ khó chịu vì vậy rất cần sự hỗ trợ, chăm sóc từ người mẹ để đồng hành cùng trẻ vượt qua giai đoạn này. Cha mẹ nên tìm hiểu những kiến thức chăm sóc trẻ khi mọc răng để giúp bé giảm đau như sau:
- Nếu mẹ thấy bé sốt nhẹ thì có thể dùng nước ấm lau người cho con hạ sốt, tránh dùng nước quá nóng hoặc quá lạnh. Nếu con sốt ở 38,5 độ C, chúng ta có thể dùng Paracetamol để hạ sốt, liều lượng 10-15 mg cho một kg cân nặng, cứ 4 giờ cho uống một lần.
- Nếu bé đi ngoài phân lỏng, sệt 3 – 4 lần/ngày, trong vòng 3 – 7 ngày thì cha mẹ chú ý bổ sung thêm nước cho con bằng sữa, nước lọc hoặc nước trái cây để bù nước.
- Vệ sinh răng miệng cho trẻ thật tốt bằng cách lau sạch nước dãi chảy quanh miệng và nướu bằng khăn mềm, sạch. Đặc biệt là sau khi cho trẻ bú và ăn. Cách thực hiện là dùng miếng gạc hoặc vải mềm sạch quấn quanh ngón tay trỏ và lau nhẹ nhàng. Sau khi cho trẻ bú hoặc ăn xong cũng nên khuyến khích cho trẻ uống nước lọc để làm sạch răng.
- Bé có thể ngứa lợi, thích mút ngón tay, cắn các vật rắn. Có thể làm dịu sự khó chịu cho trẻ tạm thời bằng cách cho một vật nhẹ, mềm để trẻ cắn lên như vòng mọc răng, ngậm núm vú giả bằng cao su. Mẹo nhỏ là mẹ có thể cho bé ngậm núm ti lạnh sẽ giúp con giảm sự khó chịu và những cơn đau răng.
- Nếu trẻ đã bước vào tuổi ăn dặm, mẹ nên chế biến đồ ăn của con dạng loãng, nhuyễn, tốt nhất là cháo loãng, súp để con chỉ nuốt mà không cần nhai. Cũng không nên ép trẻ ăn, chia nhỏ bữa ăn thành 6 – 8 bữa, mỗi bữa dùng một ít.
- Bổ sung thêm các thực phẩm giàu canxi, kẽm và salen sẽ kích thích trẻ ăn ngon miệng, tăng sức đề kháng cho trẻ. Những thực phẩm như chuối xắt lạnh, sữa chua mát sẽ giúp xoa dịu, giảm sưng lợi cho trẻ.
Như vậy với những thông tin giải đáp trẻ mọc răng nào trước sẽ giúp bố mẹ trang bị những kiến thức cần thiết để đồng hành cùng con từ những chiếc răng sữa đầu tiên. Bố mẹ hãy luôn nhớ thể trạng của mỗi trẻ là khác nhau vì vậy thời điểm mọc răng của mỗi bé là khác nhau, điều này không ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất của con.
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh...
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên...
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia...
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở...