Những triệu chứng dễ nhận biết khi mắc cúm B

Theo bác sĩ chuyên khoa I Trần Thanh Phước - Trung tâm Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City: Không giống như virus cúm A, cúm loại B chỉ được tìm thấy ở người. Đối với cúm B, triệu chứng có thể ít nghiêm trọng hơn virus cúm A, nhưng đôi khi vẫn vô cùng có hại.

Nhiều trẻ mắc cúm B phải nhập viện

Bệnh nhân cúm B sẽ bị sốt cao từ 38 - 40 độ C, kèm một số triệu chứng phổ biến thường gặp như: Đau rát cổ; ho; sổ mũi; viêm họng.

Các triệu chứng về đường hô hấp do cúm B có thể nghiêm trọng và biến chứng nặng hơn tùy thuộc vào cơ địa và đối tượng bị bệnh.

Triệu chứng toàn thân: Khi sốt cao, nếu người bệnh không uống hạ sốt thì sẽ nhức mỏi cơ thể; ớn lạnh; mệt mỏi; đau bụng.

Tùy từng thể trạng, bệnh nhân sốt có thể kéo dài đến 5 ngày. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ bị ho, đau mỏi cơ, đổ mồ hôi có thể kéo dài vài ngày hoặc vài tuần. Người bệnh ho, mệt mỏi kéo dài đến 2 tuần hoặc lâu hơn.

Một số dấu hiệu cảnh báo cúm B nguy hiểm cần nhập viện để được điều trị kịp thời:

Các biểu hiện ở người lớn là khó thở, thở gấp, sốt cao trên 39 độ C kéo dài, đau tức ngực, chóng mặt, tiêu chảy kéo dài, nôn ói nhiều…

Ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh có biểu hiện khó thở, thở gấp, bỏ ăn, ngủ nhiều, da xanh tái, sốt kèm phát ban hoặc sốt cao trên 38.5, độ C kéo dài, nôn mửa nhiều…

Nếu ở người cao tuổi, người mắc bệnh lý mạn tính, người suy giảm miễn dịch khi mắc cúm B cũng có thể xảy ra biến chứng nặng nếu khi được điều trị kịp thời.

Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa, là thời điểm lý tưởng để cúm B phát triển thuận lợi, tấn công đường hô hấp.

Đối tượng có nguy cơ gặp biến chứng cao

Tất cả mọi người đều có khả năng bị nhiễm cúm B, nhưng người già, trẻ em dưới 5 tuổi, người bị suy giảm miễn dịch… là đối tượng dễ bị mắc và bệnh dễ trở nặng nếu không được điều trị kịp thời.

Các đối tượng có nguy cơ gặp biến chứng cao bao gồm: Trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là các bé dưới 2 tuổi; người già từ 65 tuổi trở lên; phụ nữ có thai hoặc vừa sinh ít hơn 2 tuần; người có hệ miễn dịch suy yếu hoặc mắc một số bệnh mãn tính.

Ngoài ra, nhiễm cúm cũng có thể làm các bệnh mạn tính của người bệnh trở nặng hơn nếu không được điều trị kịp thời, đúng phác đồ, dễ gây ra những biến chứng cho cơ thể như: Viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, suy tuần hoàn…; viêm não, viêm màng não, viêm não tủy, viêm đa dây thần kinh, viêm rễ thần kinh…; viêm tai, viêm xương chũm, nhiễm độc thần kinh; ảnh hưởng tới cả mẹ bầu và thai nhi, nghiêm trọng có thể gây dị tật, sảy thai.

Cần làm gì khi mắc cúm B?

Cũng giống như các loại cúm virus, cúm B chưa có thuốc đặc trị mà chủ yếu chỉ điều trị triệu chứng, như hạ sốt, giảm ho... và cần kết hợp nâng cao thể lực, tăng sức đề kháng cơ thể.

Với nguyên tắc điều trị tùy từng người bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc như: Hạ sốt giảm đau, hạ sốt hoặc có biểu hiện bội nhiễm thì chỉ định thuốc điều trị.

Bên cạnh đó, người bệnh cần nghỉ ngơi trong phòng có không gian thoáng, môi trường đảm bảo sạch sẽ. Đồng thời bổ sung các loại thực phẩm có chứa thảo dược, khoáng chất, vitamin giúp tăng sức đề kháng, hệ miễn dịch, loại bỏ các mầm mống gây bệnh và ngăn ngừa biến chứng do virus. Bổ sung chất dinh dưỡng trong thực đơn mỗi ngày.

Đặc biệt, tiêm vắc xin phòng ngừa giúp tạo ra kháng thể bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus cúm. Người đã tiêm phòng nếu mắc cúm giúp giảm nhẹ hơn các triệu chứng, giảm nguy cơ các biến chứng nặng và thời gian bị bệnh ngắn hơn so với người chưa tiêm vắc xin phòng bệnh.

Vắc xin cúm có thể kết hợp từ 3 - 4 chủng virus cúm, phòng các loại virus khác nhau (cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 và 2 loại virus cúm B) rất hữu hiệu trong việc phòng ngừa cùng lúc các chủng cúm. Hiện nay, hệ thống tiêm chủng có đầy loại vắc xin phòng cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn.

Cúm B chiếm 25% số ca nhiễm cúm mùa mỗi năm, với triệu chứng không quá nghiêm trọng, nhưng nếu không phát hiện kịp thời, cúm B cũng có thể gây hại đến sức khoẻ.