Hộị nghị khoa học bệnh phổi toàn quốc lần thứ 9, diễn ra từ ngày 20- 22/10 do Hội Phổi Việt Nam phối hợp tổ chức tại Đà Nẵng dành một phiên chuyên đề về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) chuyên ngành phổi.

Trong đó, báo cáo Nghiên cứu xây dựng hệ thống hỗ trợ chẩn đoán và dự báo dịch tễ địa không gian (geo-spatial epidemiology) bệnh lao phổi bằng ảnh X-quang ngực ở Việt Nam được trình bày tại hội nghị.

Nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp nhà nước này được thực hiện với mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu ảnh X-quang số về bệnh lao phổi ở Việt Nam; cùng đó, phát triển phần mềm hỗ trợ chẩn đoán và phần mềm dự báo dịch tễ địa không gian bệnh lao phổi và triển khai ứng dụng tại một số cơ sở y tế các tuyến.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BTC

Kết quả của nghiên cứu sẽ hỗ trợ việc sàng lọc chủ động lao phổi bằng chụp X-quang và dự báo được dịch tễ bệnh lao thông qua các chỉ số thực tiễn.

Theo các chuyên gia tham dự hội nghị, trí tuệ nhân tạo (AI) hiện có vai trò rất quan trọng trong chẩn đoán và điều trị ung thư phổi, có thể giúp cho sàng lọc ung thư phổi sớm, phân tích các dữ liệu gene, gợi ý các chương trình điều trị phù hợp nhất với từng người bệnh và tiên lượng kết quả điều trị. Điều này đem lại hy vọng và có giá trị lớn trong chăm sóc người bệnh.

Cũng theo các chuyên gia, AI sẽ không thay thế các thầy thuốc nhưng "các thầy thuốc ứng dụng AI sẽ thay thế các thầy thuốc không ứng dụng".

Hội nghị lần này cũng giới thiệu về cụm công trình nghiên cứu của chuyên ngành mới được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học công nghệ năm 2022 làm tiền đề khoa học cho tiến trình chấm dứt bệnh lao.

Hội nghị khoa học bệnh phổi toàn quốc của Hội Phổi Việt Nam bắt đầu được tổ chức từ năm 2005, diễn ra 2 năm 1 lần. Từ năm 2023, đây sẽ trở thành hội nghị khoa học thường niên.