Vì sao lá hẹ có thể trị được ho?

Hẹ không chỉ được biết đến là rau ăn (gia vị) làm tăng hương vị của món ăn mà còn là một vị thuốc hiệu nghiệm dựa trên kinh nghiệm của nhân dân. Hẹ được dùng trong chữa và phòng tránh nhiều căn bệnh khác nhau, đặc biệt là các bệnh đường hô hấp.

Trong Đông y, lá hẹ sống có tính nhiệt, nấu chín có vị cay, ngọt, tính ấm, lại mạnh khí, không chứa độc, có tác dụng chữa các bệnh hô hấp như: Ho, viêm họng, suyễn, ho có đờm… và các bệnh đường ruột rất tốt.

Lá hẹ sống có tính nhiệt, nấu chín có vị cay, ngọt, tính ấm - Ảnh minh họa: Internet

Ngày nay, y học hiện đại cũng chỉ ra rằng trong lá hẹ có chứa nhiều loại kháng sinh mạnh như: Allicin, Sulfit, Odorin… tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh hô hấp, đường ruột cho cơ thể. Lá hẹ còn chứa Saponin có tác dụng tiêu đờm, chữa ho có đờm hiệu quả.

Bên cạnh đó, hẹ là loại thực phẩm rẻ tiền nhưng lại chứa rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho cơ thể như vitamin A, C, K, các khoáng chất (magie, kali, photpho, canxi, folate) và chất chống oxy hóa.

Hệ thống miễn dịch của chúng ta được hưởng lợi nhờ hàm lượng vitamin C dồi dào trong lá hẹ. Chất này giúp cơ thể bạn có sức chống đỡ mạnh mẽ hơn với các tác nhân gây ho như, đồng thời giúp tổn thương viêm, sưng ở niêm mạc cổ họng và đường hô hấp nhanh lành.

Cách chữa ho bằng lá hẹ

Sau đây là một số cách trị ho bằng lá hẹ cho trẻ sơ sinh, người lớn và kể cả bà bầu:

Uống nước lá hẹ

Ho thường kèm kèm theo cảm giác đau họng, khó nuốt. Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể uống nước lá hẹ tươi. Chuẩn bị 12-24g lá hẹ tươi, nhặt bỏ những lá bị úa hoặc sâu bệnh, rửa sạch rồi ngâm với nước muối, sau 15 phút vớt ra để ráo nước.

Hẹ là loại thực phẩm rẻ tiền nhưng lại chứa rất nhiều chất dinh dưỡng - Ảnh minh họa: Internet

Cắt nhỏ lá hẹ, cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn, sau đó thêm 1 ly nước ấm vào, khuấy đều hỗn hợp, lọc lấy nước cốt. Chia nước lá hẹ uống 2 -3 lần trong ngày. Hỗn hợp này khá khó uống, trẻ em quá nhỏ sẽ không phù hợp.

Lá hẹ hấp mật ong

Lá hẹ và mật ong là cặp đôi hoàn hảo được sử dụng rộng rãi trong điều trị viêm họng, ho, cảm. Nhờ đặc tính kháng khuẩn, tiêu đờm, mật ong sẽ làm tăng công dụng trị ho. Ngoài ra, mật ong còn chứa nhiều dưỡng chất quý, giúp bồi bổ sức khỏe, nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Chuẩn bị 1 nắm lá hẹ tươi và mật ong nguyên chất để gia giảm cho dễ uống. Cách làm: Sau khi rửa sạch lá hẹ, cắt thành khúc ngắn khoảng 2cm. Tiếp theo, cho lá hẹ vào một cái chén sành, đổ mật ong đến khi ngập mặt lá rồi hấp cách thủy trong 20 – 30 phút. Chắt lấy nước uống 4 – 5 lần/ngày để làm dịu cơn ho.

Trẻ em có thể uống 3 – 5 ml/lần (tương đương 1 muỗng canh ), người lớn thì uống mỗi lần khoảng 10 ml. Tuy nhiên mẹ cần lưu ý, cách trị ho cho trẻ bằng lá hẹ này chỉ thích hợp với trẻ trên 1 tuổi do có thành phần từ mật ong. Ngoài ra đối với người lớn bị tiểu đường, người mắc chứng huyết áp thấp nên thận trọng khi áp dụng.

Lá hẹ kết hợp với hoa đu đủ đực và hạt chanh

Có thể chữa ho bằng lá hẹ cho bà bầu - Ảnh minh họa: Internet

Chuẩn bị lá hẹ và hoa đu đủ đực: Mỗi loại 15g, hạt chanh: 10g và nước đun sôi để nguội: 20ml. Đem các nguyên liệu đã chuẩn bị đi rửa sạch, xay nhuyễn với nước. Đổ hỗn hợp ra chén, thêm một chút đường (hoặc mật ong) vào trộn đều lên và đem hấp chín. Chia uống làm 3 lần trong ngày sẽ thấy tình trạng ho được cải thiện. Với cách làm này, chúng ta có thể chữa ho bằng lá hẹ cho bà bầu, người lớn rất hiệu nghiệm.

Chườm lá hẹ chữa ho

Chuẩn bị 1 nắm lá hẹ đem hơ nóng rồi đắp trực tiếp vào cổ họng. Chú ý canh độ nóng cho vừa phải để không bị bỏng. Khi lá hẹ hết nóng lại tiếp tục lấy lá hẹ mới hơ đắp tương tự. Thực hiện 2 – 3 lần mỗi ngày, mỗi lần áp dụng khoảng 15 phút

Trị ho bằng lá hẹ theo cách này thích hợp với những người bị ho có biểu hiện nhiều đờm, sưng và đau nhiều ở cổ họng, không thích hợp cho trẻ sơ sinh.

Lá hẹ chưng đường phèn

Hẹ và đường phèn là những nguyên liệu vô cùng quen thuộc - Ảnh minh họa: Internet

Chuẩn bị 100g lá hẹ, 3 thìa đường phèn. Cách làm: Rửa và cắt nhỏ lá hẹ, đem bỏ vào một cái chén sạch. Đường phèn giã nhỏ, rải lên trên lá hẹ rồi đem hấp cách thủy 30 phút. Chia ăn 2 lần mỗi ngày, nếu ăn được cả cái càng tốt. Theo cách này có thể chữa ho bằng lá hẹ cho trẻ sơ sinh vô cùng lành tính.

Trị ho bằng lá hẹ kết hợp với nghệ và chanh

Chuẩn bị lá hẹ: 10g, củ nghệ vàng: 20g, chanh tươi: 1 quả, đường phèn hoặc đường kính. Cách làm: Nghệ đem nướng chín, lột vỏ, cho vào cối giã nát. Lá hẹ rửa và ngâm với nước muối pha loãng, cắt khúc ngắn.

Chanh cắt lát mỏng rồi cho vào chén cùng với nghệ, lá hẹ. Thêm chút đường phèn để tạo độ ngọt. Đem hấp cách thủy cho đến khi đường tan hết rồi chắt nước uống mỗi ngày 2 lần trước khi ăn.

Lá hẹ và gừng

Lá hẹ kết hợp với gừng trị ho hiệu quả - Ảnh minh họa: Internet

Chuẩn bị: Gừng tươi: 25g và lá hẹ: 250g. Đem 2 nguyên liệu trên đem rửa sạch, cắt nhỏ. Cho tất cả vào chén cùng với ít đường rồi hấp cách thủy tương tự như những cách trên. Chắt nước uống và ăn cả xác, mỗi ngày 3 lần. Dùng liên tục 5 ngày liền có tác dụng chữa ho do lạnh, cảm mạo

Cháo lá hẹ trị ho

Chuẩn bị 100g lá hẹ, 50g gạo tẻ. Lá hẹ rửa và cắt khúc ngắn vừa ăn. Vo gạo, cho gạo vào nồi nấu đến khi chín nhừ, nêm nếm gia vị cho vừa miệng. Cuối cùng cho lá hẹ vào, nấu thêm khoảng 2 phút rồi tắt bếp. Dọn ra ăn khi cháo còn nóng sẽ giúp làm ấm và xoa dịu cổ họng, cải thiện tình trạng đau rát khó chịu khi bị ho.

Lưu ý khi trị ho bằng lá hẹ

Các bài thuốc trên sử dụng cho trẻ trên 1 tuổi, với trẻ dưới 1 tuổi cần thay mật ong bằng đường phèn.

Lá hẹ có tác dụng giảm ho khi mới mắc.

Lá hẹ có vị cay, tính nhiệt nên không thích hợp với người có thể âm hư hỏa vượng.

Hẹ rất lành tính nhưng nếu bạn từng bị dị ứng với các thực phẩm cùng họ như hành lá, hành tây, tỏi thì nên thận trọng tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Hẹ chứa hàm lượng chất xơ cao nên có thể gây ra các triệu chứng đầy bụng, khó tiêu nếu ăn quá nhiều.

Cách trị ho bằng lá hẹ là mẹo tự nhiên nên tùy thuộc vào cơ địa, nó có thể cho hiệu quả với người này nhưng lại không cho tác dụng đối với người kia. Phương pháp này cũng lâu cho kết quả hơn thuốc tây nên khi áp dụng cần kiên trì.

Hẹ chứa hàm lượng chất xơ cao - Ảnh minh họa: Internet

Trong thời gian trị ho bằng lá hẹ, nếu tình trạng ho vẫn tiếp tục nặng hơn hoặc bạn có các triệu chứng nghiêm trọng dưới đây thì nên đi khám bác sĩ ngay: Ho liên tục không ngớt, dẫn đến nôn ói, mất ngủ, khó thở, thở khò khè, ho đến mức tím tái môi, sốt cao.

Vì vậy, đối với những ai mắc bệnh nặng, ho dai dẳng kéo dài, bài thuốc thường không mang lại tác dụng chữa trị. Tốt nhất, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ tư vấn cách chữa trị hiệu quả.

Nên giữ vệ sinh răng miệng và vòm họng sạch sẽ bằng cách thường xuyên đánh răng và súc miệng bằng nước muối, giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ, ngực và tay chân mỗi khi trời chuyển lạnh. Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để giảm thiểu bụi hoặc tác nhân gây bệnh xâm nhập khiến ho thêm trầm trọng.

Lá hẹ chữa ho chỉ là một trong số nhiều công dụng trong số rất nhiều công dụng của lá hẹ. Trên đây là một số cách trị ho bằng lá hẹ theo các phương pháp dân gian. Nếu kiên trì thực hiện một trong bài thuốc trên một cách đều đặn thì cơn ho sẽ không “hỏi thăm” bạn nữa.