Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), trong 2-3 tuần trở lại đây, đơn vị đã tiếp nhận 3 trẻ sơ sinh nhập viện do mắc sốt xuất huyết.

 
Các bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhi.

Tuy sốt xuất huyết là bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thực tế ít gặp ở trẻ sơ sinh nên việc có nhiều trẻ sơ sinh nhập viện cho thấy nguy cơ dịch đang ở mức cao, theo An Ninh Thủ Đô.

Cụ thể, trường hợp nhỏ tuổi nhất nhập viện vì sốt xuất huyết đến thời điểm này được ghi nhận là V.D.A. (5 tuổi, ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội). Đây là lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi nhỏ tuổi như vậy nhập viện vì sốt xuất huyết.

Theo đó, Bệnh nhi nhập viện do triệu chứng vàng da, một ngày sau xuất hiện dấu hiệu sốt. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi dương tính với sốt xuất huyết trên nền bệnh vàng da sơ sinh và nhiễm khuẩn sơ sinh.

Được biết, trước đó, mẹ của bệnh nhi cũng bị sốt liên tục 4 ngày, có nốt phát ban, ngứa nhưng không đi khám và không làm xét nghiệm. Sau khi đưa con vào bệnh viện, mẹ bé xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết Dengue.

Ca mắc sốt xuất huyết nhỏ tuổi thứ hai là bé sơ sinh 7 tuổi ở phường Phúc Đồng (quận Long Biên). Bệnh nhi được đưa đến bệnh viện vì có dấu hiệu bú kém, ngủ lì bì, tím tái. Sau đó, bé bị sốt, xét nghiệm chẩn đoán mắc sốt xuất huyết.

Bệnh nhi sinh ra non tháng và chỉ nặng 2,6kg, thể trạng yếu hơn bình thường. Sau khi nhập viện 3 ngày, bệnh nhi bị suy hô hấp, có dấu hiệu cô đặc máu, được chỉ định thở ô xy, truyền dịch, sử dụng kháng sinh và đặt ăn qua sonde. Sau 4 ngày điều trị, thể trạng trẻ ổn định và cai thở oxy.

Một trường hợp trẻ sơ sinh khác đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang vì sốt xuất huyết là bé 16 ngày tuổi ở phường Bồ Đề (quận Long Biên). Cả mẹ và bà ngoại của bé đều từng mắc sốt xuất huyết.

Sức Khỏe & Đời Sống dẫn lời bác sĩ Vũ Thị Thu Nga – Trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh hiếm gặp trên thế giới nên đặc điểm bệnh ít được biết đến, triệu chứng lâm sàng không đặc trưng, dễ dẫn đến nhầm lẫn và bỏ sót.

Ba ca bệnh ghi nhận tại bệnh viện chưa đủ cung cấp đủ bằng chứng để bác sĩ rút ra những kết luận về diễn biến bệnh trên trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, biểu hiện ở nhóm trẻ này tương tự với nhóm lớn hơn như sốt hoặc hạ nhiệt độ, sốt kéo dài 3-4 ngày.

Ngoài ra, trẻ có thể bị da tái, phát ban, xuất huyết rải rác hoặc vàng da sớm; trẻ bỏ bú, bụng chướng, nôn, gan to, tiêu chảy, giảm tiểu cầu, men gan tăng... Sốt và bú kém là hai biểu hiện sớm và thường gặp.

Bé sơ sinh có thể đồng nhiễm sốt xuất huyết và bệnh khác như adenovirus, viêm phế quản phổi, cúm..., lúc này trẻ dễ trở nặng. Chính vì vậy, bác sĩ Nga khuyến cáo trẻ bị sốt xuất huyết cần được nhập viện, không tự theo dõi, điều trị tại nhà.

Nếu trẻ sơ sinh bị sốt trong cao điểm dịch, cơ sở y tế nên nghĩ tới sốt xuất huyết để làm xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Các gia đình, nhất là gia đình đang trong vùng dịch sốt xuất huyết lưu hành nên cảnh giác phòng bệnh cho trẻ, đặc biệt là phòng tránh muỗi đốt, kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh như diệt loăng quăng, muỗi trưởng thành, loại bỏ ổ chứa nước đọng trong và quanh khu vực sinh sống, vệ sinh sạch sẽ nhà cửa.

Bé sơ sinh cần được quấn khăn, tã kín tay chân và cho nằm màn kể cả ban ngày, bật điều hoà ở mức 28 độ C để phòng muỗi đốt. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu sốt, bú kém thì nên đưa trẻ đến bệnh viện để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.