Thông thường, các bác sĩ có thể chuẩn đoán bệnh của bé qua màu sắc của nước tiểu bởi đó là một dấu hiệu khá rõ ràng cho biết tình trạng sức khỏe của bé. Khi nước tiểu đổi màu, kèm theo số lần đi tiểu thay đổi ít hơn hoặc nhiều hơn và mùi hăng bất thường thì rất có thể bé đang mắc phải một số bệnh lý nguy hiểm.

Theo đó, trẻ sơ sinh đi tiểu khoảng 6 lần/ngày và có thể nhiều hơn. Trung bình cứ 1 - 3 giờ nếu mẹ để ý sẽ thấy tã của bé ướt. Nếu thời tiết nóng hoặc bé đang bị sốt, số lần đi tiểu sẽ ít hơn. Số lần đi tiểu của bé không phụ thuộc vào ngày hay đêm vì bàng quang của bé còn rất nhỏ nên lúc nào đầy sẽ tự động đi tiểu. Do vậy, bố mẹ cũng không cần quá lo lắng về điều này.

Vậy trẻ sơ sinh đi tiểu như thế nào là bình thường?

Khi bé khỏe mạnh, nước tiểu thường có màu trong suốt và màu vàng nhạt cho thấy cơ thể được cung cấp lượng chất lỏng đầy đủ. Trường hợp bé uống ít nước, thiếu chất lỏng nước tiểu sẽ càng đặc và càng có màu sẫm, đây là dấu hiệu để mẹ cho bé uống thêm chất lỏng.

 Nước tiểu của trẻ sơ sinh có màu trong suốt và màu vàng nhạt cho thấy cơ thể của bé đang bình thường. (Ảnh minh họa: Internet)

Ngoài ra, thỉnh thoảng bố mẹ có thể thấy một vệt màu hồng trong tã và đó không phải là máu, mà là nước tiểu cô đặc. Khi thấy tình trạng này kéo dài, mẹ cần đưa bé đi kiểm tra dù bé vẫn đều đặn đi tiểu từ 4 lần mỗi ngày trở lên. Bên cạnh đó, mùi của nước tiểu thường khai do chất amoniac. Nếu sau một khoảng thời gian, mẹ không thay tã sẽ thấy nó nặng mùi hơn do amoniac đã ngấm sâu trong tã, nhất là vào sáng sớm.

Trẻ sơ sinh đi tiểu như thế nào là dấu hiệu của bệnh lý?

Nước tiểu có màu trắng trong

Tình trạng này sẽ xuất hiện khi bố mẹ cho bé uống quá nhiều chất lỏng. Tuy uống nhiều nước là tốt nhưng sẽ gây áp lực khiến thận của bé phải hoạt động quá sức. Về lâu về dài, có thể dẫn tới tình trạng loãng và thiếu hụt natri gây ảnh hưởng tới não bộ bé.

Nước tiểu có màu vàng sẫm

Màu vàng sẫm là dấu hiệu cho thấy bố mẹ không cho bé uống nước đầy đủ. Theo đó, đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi thì mẹ nên cho bé bú nhiều hơn. Với trẻ lớn hơn thì mẹ nên bổ sung nhiều nước và trái cây vì nhu cầu nước tiểu của trẻ sơ sinh.

Tuy nhiên, nếu mẹ cho bé hấp thụ chất lỏng đầy đủ mà vẫn thấy nước tiểu có màu vàng sẫm thì có thể là dấu hiệu của bệnh viêm gan, viêm túi mật, sỏi thận. Khi gặp tình trạng này, bố mẹ nên nhanh chóng đưa bé đến gặp bác sĩ kiểm tra để có phương pháp điều trị tốt nhất.

Nước tiểu có màu đỏ

Tình trạng này xảy ra khi mẹ cho bé ăn các thực phẩm có màu đỏ như cà chua, dưa hấu là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu không phải vậy thì rất có thể bé đang gặp các vấn đề về thận hoặc nhiễm trùng bọng đái.

Trẻ từ 6 tháng - 1 tuổi cần 150 ml/ kg nước mỗi ngày. (Ảnh minh họa: Internet)

Nước tiểu có màu trắng đục

Đây là tình trạng báo hiệu rất nguy hiểm cho thấy bé đang bị các bệnh về đường tiết niệu, bố mẹ cần đưa bé tới ngay bệnh viện để thăm khám và tìm ra nguyên nhân chính xác.

Nước tiểu màu hồng nhạt

Màu nước tiểu hồng nhạt là biểu hiện của việc lẫn máu trong nước tiểu. Đồng thời, tình trạng này sẽ đi kèm với tiểu lắt nhắt, đau khi đi tiểu, sốt liên tục và nước tiểu có mùi lạ ở trẻ. Điều này cũng rất có thể báo hiệu bé đã bị nhiễm trùng đường tiết niệu.

Trẻ đi tiểu nhiều lần, lắt nhắt

Nếu tình trạng này xảy ra không kèm theo sốt hoặc đau ốm thì có thể bé bị bệnh rối loạn nhu động bàng quang. Tuy nhiên, bệnh này không gây nguy hiểm nếu bố mẹ tuân thủ theo ý kiến của bác sĩ và thường xuyên vệ sinh bộ phận sinh dục của bé sạch sẽ, cho bé uống nước đầy đủ.

Nước tiểu có mủ hoặc chất nhày nhớt

Hiện tượng này thường xảy ra với các bé trai và có thể là dấu hiệu của viêm da bao quy đầu. Thông thường, bệnh này thường có các dấu hiệu như: Khó khăn khi đi tiểu, đầu dương vật phồng lên nhưng nước tiểu thải ra ít, có dạng sợi mỏng, bé cảm thấy đau rát khi đi tiểu.