Nguyên nhân trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi khò khè

Hiện tượng khò khè khá phổ biến ở trẻ sơ sinh trong những tháng đầu sau khi chào đời. Nhiều trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi sẽ có biểu hiện phát ra âm thanh khò khè khi thở. Tiếng khò khè ở trẻ có thể kèm nhịp thở không đều, gần giống với tiếng ngáy nhẹ khi ngủ. 

Khò khè là một trong những hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh - Ảnh minh họa: Internet

Bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương, Giảng viên Bộ môn Nhi Đại học Y dược TP.HCM, cho biết khò khè là âm thanh phát ra ở nhiều trẻ sơ sinh trong những tháng đầu đời. Đây thực chất là tiếng “khụt khịt” lúc trẻ bú hoặc khóc, âm sắc trầm, thường nghe rõ khi trẻ hít vào. Nếu kề tai gần mũi hay miệng trẻ sơ sinh, cha mẹ có thể nghe tiếng khò khè rõ hơn.

Trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi thở khò khè nguyên nhân có thể xuất phát từ hệ hô hấp chưa hoàn thiện - Ảnh minh họa: Internet

Bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương chia sẻ ở trẻ sơ sinh, đặc biệt ở trẻ 2 tháng tuổi, hiện tượng khò khè nguyên nhân xuất phát từ đặc điểm cấu tạo đường thở. Theo đó, trong những tháng đầu đời, đường thở của trẻ sơ sinh tương đối ngắn và hẹp một cách sinh lý dẫn đến phát ra tiếng như âm thanh khò khè cha mẹ vẫn thường nghe.

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi thở khò khè

Theo bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương, cha mẹ không cần lo lắng khi trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi thở khò khè. Trường hợp trẻ vẫn duy trị nhịp độ bú tốt, số giờ ngủ đầy đủ, da dẻ hồng hào, không có dấu hiệu ho, không nôn ói nhiều mà lên cân tốt sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe. Trẻ thở khò khè trong giai đoạn này có thể do mềm đường thở lành tính, trẻ sẽ tự hết khi lớn hơn.

Hiện tượng thở khò khè ở trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi sẽ không đáng lo nếu bé vẫn bú đều và ngủ đủ giấc - Ảnh minh họa: Internet

Trường hợp trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi thở khò khè kèm theo những dấu hiệu bất thường khác như thở mạnh, sổ mũi, ho có đờm mà bản thân cha mẹ không tự đánh giá chắc chắn hoặc trẻ có triệu chứng khò khè nặng hơn, cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa nhi để chẩn đoán kịp thời.

Khi chăm sóc trẻ tại nhà, cha mẹ cần chú ý vệ sinh mũi thường xuyên bằng nước muối sinh lý. Nhỏ từ 5 – 6 giọt nước muối sinh lý mỗi bên mũi trẻ với tần suất 6 – 10 lần mỗi ngày, trước các cữ bú và trước giờ đi ngủ nhằm giúp làm thông thoáng đường hô hấp.

Cho bú nhiều cữ trong ngày, vệ sinh mũi thường xuyên sẽ hạn chế trình trạng khò khè ở trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi - Ảnh minh họa: Internet

Bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương cũng nhấn mạnh nhiều cha mẹ quan niệm trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi thở khò khè do phương pháp sinh mổ hoặc do các y bác sĩ không hút sạch nhớt cho trẻ là hoàn toàn sai lầm.

Trên thực tế, đường thở của trẻ đã được làm sạch vì lý do đây là một trong những điều kiện tiên quyết để trẻ có thể hô hấp và phát triển một cách bình thường.