Trẻ nhỏ có cần điều trị vi khuẩn HP?
Tiến sĩ Hoàng Lê Phúc, Trưởng Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết nhiều người tưởng HP là siêu vi không chữa được. Thực tế đây là vi khuẩn khá phổ biến. Trung bình khoảng một nửa dân số toàn cầu nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori). Một số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy có 60-70% người nhiễm vi khuẩn này. Đây là tác nhân chính gây bệnh viêm dạ dày, loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày.
Thói quen ăn chung bát, gắp thức ăn cho nhau, ăn chung mâm, sinh hoạt chung... có thể làm lây lan HP nên trẻ em có nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn. Tuy nhiên không nên tìm chữa HP đại trà ở trẻ. "Dù gia đình có người nhiễm vi khuẩn này nhưng nếu trẻ không có triệu chứng bất thường, không cần đưa đi tìm và trị HP", bác sĩ Phúc nhấn mạnh.
Một số trường hợp chỉ định tìm HP ở trẻ là khi vi khuẩn này gây các triệu chứng loét tá tràng, loét dạ dày, trẻ là con ruột trong gia đình có người bị ung thư dạ dày. Hoặc khi trẻ thiếu máu, thiếu sắt, chữa các nguyên nhân khác không đỡ thì lúc đó mới dò tìm HP.
Nhiều ông bà, bố mẹ thường sốt ruột đưa con đi tìm chữa dù trẻ đang khỏe mạnh. Theo bác sĩ Phúc, điều này là không cần thiết, có thể gây tâm lý hoang mang, lo sợ, ám ảnh bệnh tật ở trẻ. Trẻ nhiễm HP có tỷ lệ tự khỏi khi lớn lên. Khi trẻ còn quá nhỏ, không có ý thức trong chuyện ăn uống chung, nguồn lây khó xác định rõ ràng, nếu chữa lành vẫn có khả năng bị tiếp trở lại.
Ở nhiều nước trên thế giới, người lớn 50-60 tuổi được khuyến cáo đi tầm soát vi khuẩn HP và chữa trị vì nó được xếp vào nhóm yếu tố nguy cơ gây ung thư. Một số phương pháp không xâm lấn như xét nghiệm hơi thở, xét nghiệm phân... có thể giúp tầm soát được vi khuẩn này. Người ở tuổi đôi mươi, nếu có triệu chứng đau, viêm loét dạ dày thì mới cần đi kiểm tra và điều trị.
Bác sĩ Phúc khuyến cáo, điều quan trọng là người lớn cần có ý thức ăn uống riêng, giúp phòng nhiễm khuẩn cho chính mình cũng như ngăn nguồn lây đến trẻ. Không mớm đút thức ăn, dùng chung đũa, uống chung ly, hạn chế hôn miệng trẻ, hướng dẫn trẻ thường xuyên rửa tay với xà phòng...
Khi nào thai phụ cần tiêm vaccine uốn ván?
Vợ tôi có thai được 5 tháng và chưa tiêm vaccine uốn ván. Vậy, bác sĩ cho tôi hỏi khi...
Mắc bệnh tiểu đường có được ăn đường không?
Trong điều trị bệnh tiểu đường, dinh dưỡng là phương pháp điều trị không dùng thuốc được áp dụng đầu...
Loại sán dễ mắc khi ăn các loại rau mọc dưới nước
Mẹ tôi rất thích ăn rau sống, gần đây lại có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, da sẩn ngứa....
Chồng ngủ ngáy to quá, tôi phải làm thế nào?
Thông thường, người ngủ ngáy to không biết là mình gây ồn ào làm phiền người bên cạnh.