Trẻ nhập viện Nhi Trung ương do loại virus lây khi hôn hít tăng gấp 3
Bệnh nhi nhiễm RSV nhập viện tăng gấp 3
Những ngày qua, số lượng trẻ nhập viện vì các bệnh lý hô hấp tại Bệnh viện Nhi Trung ương liên tục tăng, gấp 2 lần bình thường.
Mỗi ngày, Trung tâm Hô hấp tiếp nhận hơn 40 trẻ, 3 khoa có 145 giường nhưng hiện đang phải điều trị 160 trẻ, hầu hết đều dưới 6 tháng tuổi. Đáng lưu ý trong số này có gần 50 trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV, trong khi ngày thường chỉ có 10-15 trẻ.
Cô con gái 4,5 tháng tuổi của anh Bùi Trọng L. ở Nghệ An hiện đang phải thở máy tại phòng chăm sóc đặc biệt của Trung tâm Hô hấp.
Anh L. cho biết, trước khi vào viện bé sốt cao, thở khò khè nên gia đình đã đưa con đến bệnh viện tuyến dưới điều trị 10 ngày, do không đỡ nên chuyển tuyến ra Hà Nội.
BS Lê Thanh Chương, Trưởng khoa Hồi Sức hô hấp cho biết, bệnh nhi có tiến triển nhưng rất chậm do trẻ sinh non khi mới 28 tuần nên biến chứng suy hô hấp nặng hơn.
Nằm ngay cạnh là trường hợp bé N.N.T, 2 tháng tuổi ở Hà Đông, Hà Nội cũng đang phải thở oxy do nhiễm virus RSV gây viêm phổi nặng.
Người nhà của bệnh nhi cho biết, ban đầu bé sốt, có đờm, sau có triệu chứng co giật nên gia đình đưa vào viện. Khi vào cấp cứu, bé T. thở nhanh, rút lõm lồng ngực, cảnh báo bệnh nặng lên nên lập tức đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt thở oxy. Sau 3 ngày điều trị, tình trạng bé đã khá lên.
PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp cho biết, các bệnh lý hô hấp do virus và vi khuẩn gây ra, gồm viêm đường hô hấp trên như viêm mũi, họng, amidan, viêm tai giữa và viêm đường hô hấp dưới như viêm phế quản, tiểu phế quản, viêm phổi.
Các bệnh nhi mắc viêm đường hô hấp trên thường là các trường hợp nhẹ, có thể điều trị ngoại trú nhưng nếu viêm đường hô hấp dưới phải nhập viện, thậm chí phải thở oxy, thở máy.
Trong nguyên nhân do virus, RSV là loại virus phổ biến nhất gây viêm đường hô hấp. Đặc biệt trong thời điểm giao mùa khi nhiệt độ, độ ẩm có sự thay đổi khiến virus sinh sôi, phát tán mạnh hơn nên gây bệnh nhiều hơn.
Những trường hợp có sức đề kháng tốt, khi nhiễm virus có thể chỉ bị viêm đường hô hấp trên, tuy nhiên những trẻ dưới 3 tháng, trẻ đẻ non, suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng, mắc các bệnh nền như tim bẩm sinh, suy thận, loạn sản phổi… thường nặng hơn, dễ gặp biến chứng, nguy hiểm nhất là suy hô hấp, viêm phổi, nặng có thể tử vong.
Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu
BS Lê Thanh Chương cho biết, dù là virus rất phổ biến song đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với trẻ nhiễm virus RSV.
RSV là loại virus chỉ cư trú ở niêm mạc đường hô hấp, dễ lây lan thông qua giọt bắn, qua bàn tay, quần áo hay tiếp xúc trực tiếp như ăn uống, hôn hít với trẻ.
Theo các nghiên cứu, một cú hắt hơi có thể tạo rao vài chục nghìn giọt nước siêu nhỏ bay lơ lửng trong không khí trong bán kính 2 m. Virus chứa trong các giọt nước sẽ lây nhiễm cho những người xung quanh.
“Người lớn mang mầm bệnh chính là trung gian truyền bệnh cho trẻ nhỏ. Nếu trẻ khoẻ, miễn dịch tốt có thể chỉ bị hắt hơi, chảy mũi sau đó tiếp tục tạo ra giọt bắn khuếch tán ra môi trường lây cho những trẻ khác”, BS Chương giải thích.
Do đó BS Chương khuyến cáo, người lớn nếu đến các chỗ đông người, khi về nhà nên thay quần áo, sát khuẩn tay trước khi bế trẻ.
Để tránh lây chéo tại bệnh viện, các bệnh nhi nhiễm RSV cũng được nằm riêng từng giường cách xa nhau.
Với các bệnh nhi nhiễm RSV, khi nhập viện sẽ được điều trị theo phác đồ chống suy hô hấp, hỗ trợ triệu chứng và điều trị các biến chứng, kết hợp chế độ dinh dưỡng và lý liệu pháp hô hấp giúp bệnh nhi long đờm tốt hơn, đường thở thông thoáng hơn.
Theo PGS Hanh, thông thường với các bệnh nhi không có bệnh nền, khi nhiễm RSV bệnh chỉ cấp tập trong 3 ngày đầu và thường khỏi hoàn toàn sau 5-7 ngày điều trị.
“Tuy nhiên có không ít trẻ được chuyển vào trung tâm khi đã nhiễm trùng máu bội nhiễm, suy hô hấp, khi đó thời gian điều trị có thể lên tới 3 tuần”, PGS Hanh thông tin.
Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi lưu ý thêm, triệu chứng nhiễm RSV cũng như các virus đường hô hấp khác khi khởi phát thường rất nhẹ như viêm long đường hô hấp, sốt nhẹ, ho húng hắng. Trẻ khỏe mạnh có thể tự khỏi sau 5-7 ngày.
Riêng nhóm trẻ sinh non có hoặc có bệnh nền sẽ có những diễn tiến nặng rất nhanh ở giai đoạn toàn phát.
Biểu hiện nặng lên bao gồm: Trẻ mệt hơn, ăn ít hơn bình thường, sốt cao hơn, ho nhiều hơn, đi vệ sinh ít hơn, đặc biệt chú ý quan sát tình trạng khó thở của trẻ, có thể bị rút lõm lồng ngực, tím môi và đầu chi, cánh mũi phập phồng. Ngay khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu trên, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
Để tránh các bệnh lý viêm đường hô hấp thời điểm giao mùa, PGS Hanh khuyến cáo cha mẹ cần tuân thủ 4 nguyên tắc:
Thứ nhất: Chú ý giữ ấm cho trẻ bằng cách mặc nhiều lớp. Buổi trưa trời nóng có thể cởi bớt lớp ngoài, khi trẻ chạy nhảy ướt áo có thể thay áo trong. Hạn chế ra đường, chỗ gió lùa, khi ra cần mặc ấm, đeo khẩu trang
Thứ hai: Giữ vệ sinh mũi họng cho con, nhỏ mũi thường xuyên, dọn dẹp phòng trẻ sạch sẽ thoáng mát, tránh mùi thuốc lá, than tổ ong.
Thứ ba: Để ý chế độ ăn uống đủ thành phần dinh dưỡng, đặc biệt lưu ý bổ sung thêm vitamin, rau xanh ở trẻ lớn và bổ sung kẽm, sắt để tăng sức đề kháng cho trẻ.
Thứ tư: Không nên cho trẻ chơi chỗ có trẻ bị ốm, hắt hơi sổ mũi hoặc chỗ đông người đụng chạm vào trẻ nhiều.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...