Cha mẹ tại các thành phố lớn dành rất nhiều tiền của cho con học ngoại khóa. Nhiều trẻ hầu như không có thời gian trống trong ngày, còn cha mẹ nai lưng kiếm tiền, nhưng kết quả ít khi như mong đợi.

Vậy bao nhiêu lớp ngoại khóa là đủ cho một đứa trẻ? 

Theo giáo sư Frances E. Jensen, một chuyên gia nghiên cứu khoa học não bộ tại Đại học Pennsylvania, Mỹ, từ những năm 1970, tính mềm dẻo của não bộ đã được giới khoa học coi trọng. "Tính mềm dẻo của não bộ" được giải thích là những trải nghiệm khác nhau có thể làm thay đổi sự phân bổ tài nguyên của não, thậm chí thay đổi cấu trúc và chức năng, giúp "định hình" lại não bộ.

Bộ não tưởng nhỏ, nhưng cực kỳ mềm dẻo và linh hoạt, đặc biệt ở trẻ nhỏ, điều này thể hiện ở việc trẻ học nhanh những kiến thức mới và có thể ghi nhớ chúng nhanh chóng.

Giáo sư Frances E. Jensen. Ảnh: childmind.

Sự mềm dẻo và linh hoạt của não bộ là tiền đề cho sự phát triển của trẻ, do đó, nhiều cha mẹ khuyến khích con học thêm các kiến thức mới thông qua các lớp ngoại khóa. Ưu điểm của các khóa này là mang đến cho trẻ những trải nghiệm mới mẻ, giúp não bộ của trẻ được kích thích nhiều hơn và phát triển hơn.

Tuy nhiên, các lớp ngoại khóa không nên là lựa chọn khi mục tiêu bạn hướng tới cho con chỉ là điểm số, thành tích. Lý do, điều này phản tác dụng so với quan điểm ban đầu là để kích thích não bộ phát triển.

Nghiên cứu chỉ ra, nếu bạn đưa con đến lớp ngoại khóa để bé được điểm cao hơn, hoặc bạn buộc con vào những mục tiêu cụ thể: phải vô địch môn bơi, phải đạt chứng chỉ môn piano... , trẻ học vì mục tiêu đó, nhưng sẽ không có hứng thú, não bộ hoàn toàn không có sự kích thích.

Nghiên cứu về não bộ cho thấy, kể cả khi trẻ từng học xuất sắc một môn ngoại khóa nào đó trong vòng một năm, nhưng sau thời gian đó, nếu trẻ không tiếp tục theo đuổi bộ môn này, các tế bào thần kinh tương ứng sẽ không hoạt động, chúng sẽ "bị bỏ rơi". Chỉ khi việc học này được kéo dài, các kỹ năng được mài giũa nhiều lần, các tế bào thần kinh tương ứng mới được kích thích phát triển theo thời gian. Ví dụ, nếu cha mẹ chỉ ép con học violin cho "đúng phong trào", sau đó con không học nữa, thì tự khắc trẻ sớm quên, thậm chí xa lạ. 

Ảnh minh họa: Internet

Những nghiên cứu của giáo sư Frances E. Jensen cho thấy, việc lựa chọn môn ngoại khóa nên dựa trên cơ sở là sự yêu thích, và theo đuổi bền bỉ cùng thời gian, khiến đứa trẻ coi đây là sự giải trí, thay vì một môn học. 

Việc chọn lớp ngoại khóa cho trẻ sẽ bao gồm các bước:

- Tìm hiểu sở thích của trẻ, từ đó đưa trẻ tới các lớp ngoại khóa tương ứng.

- Quan sát xem theo thời gian, trẻ có còn nuôi dưỡng hứng thú này không? Nếu bé tỏ ra chán nản, nên dừng lại.

- Chỉ chọn một hoặc hai lớp ngoại khóa mà con yêu thích, sau đó ủng hộ, hỗ trợ con đeo đuổi đam mê.

Bên cạnh đó, một yếu tố mà cha mẹ cũng cần hết sức cân đối, chính là thời gian. Đối với trẻ vị thành niên, cân đối giờ học tập - vui chơi - nghỉ ngơi là quan trọng, đặc biệt là giấc ngủ. Sự tăng trưởng và chỉnh sửa cơ thể của trẻ diễn ra ngay khi trẻ ngủ. Thời điểm này, não bộ thực hiện việc đào thải các chất có hại và chuyển đổi trí nhớ ngắn hạn thành dài hạn.

Trẻ vị thành niên cần ngủ 8-10 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Thiếu ngủ có thể dẫn đến nhiều bệnh lý: trầm cảm, mất ổn định tâm lý, béo phì, huyết áp, tim mạch... Trẻ thiếu ngủ dễ nghiện máy tính, TV, thích đồ ngọt, có ga, không thích thể thao, dẫn đến kết quả học tập kém, khả năng học tập và sáng tạo bị hạn chế.

Do đó, bất kể lịch học của con thế nào, cha mẹ cũng cần bố trí cho trẻ thời gian biểu phù hợp, bao gồm nghỉ trưa, ngủ đêm... đầy đủ. Khi trẻ sinh hoạt theo một lịch trình khoa học, trẻ phát triển đầy đủ thể chất, tinh thần, từ đó sẽ dễ dàng thu nạp kiến thức nhiều hơn, là hành trang vững vàng trong đời sống.