Trẻ em bị viêm da cơ địa chủ yếu do 4 yếu tố này, cha mẹ cần biết để bảo vệ con
Bệnh viêm da cơ địa ở trẻ là gì?
Viêm da cơ địa là bệnh da ngày càng gặp nhiều hơn ở trẻ em và cả người lớn. Ước tính có khoảng 18 triệu người Mỹ mắc bệnh này, tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ em khoảng 10%.
Viêm da cơ địa cũng hay bị gọi là bệnh chàm (Eczema), tuy nhiên cách gọi qua lại này không đúng hoàn toàn. Chàm là từ dùng chung cho nhiều bệnh da khác nhau có cùng đặc điểm là có tình trạng viêm da, trong đó viêm da cơ địa là loại phổ biến nhất của chàm. Bởi vậy chàm ở người lớn cũng khác với viêm da cơ địa.
Để mô tả về bệnh viêm da cơ địa có 3 từ chính: Mạn tính, tái phát và ngứa.
Cái sự mãn tính, tái phát và gây ngứa này là nguồn cơn của nỗi khổ mang tên viêm da cơ địa. Viêm da cơ địa không làm ai chết nhưng gây ảnh hưởng trầm trọng tới chất lượng sống và tâm lý, tốn kém.
Khoảng 50% trẻ em bị viêm da cơ địa cho biết bệnh này ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống: Thiếu ngủ, mệt mỏi, không tham gia được các hoạt động khác trong đời sống, có ít bạn, bị kỳ thị, trầm cảm. Năm ngoái tôi có đọc tin một cô gái Hồng Kông đâm chết cha mẹ mình vì mắc bệnh này kéo dài và làm cô trầm cảm, oán trách cha mẹ mình.
Cha mẹ cũng không khá gì hơn, cha mẹ có con bị viêm da cơ địa mất khoảng 3 giờ mỗi ngày để chăm sóc da của con, vị chi khoảng 1000 giờ mỗi năm. 1000 giờ đó gây mệt mỏi, thiếu ngủ, tốn kém, cảm giác tội lỗi, vô vọng, trầm cảm, mất sự riêng tư của vợ chồng (do phải ngủ với con). Tỷ lệ mẹ bị trầm cảm cao gấp đôi nếu so với có con mắc bệnh hen suyễn.
Biểu hiện trẻ em bị viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa biểu hiện bằng những đợt viêm da và hay tái phát. Viêm da cơ địa ở trẻ em hay gặp ở da đầu, mặt, thân mình, chân tay.
Trẻ lớn hơn khi bắt đầu đi học hay gặp ở các vùng có nếp gấp da như khuỷu tay, sau gối. Trẻ vị thành niên và người lớn hay gặp ở bàn tay và chân.
Cho dù gặp ở đâu vẫn có đặc điểm chung là ngứa. Trẻ con hay gảy đàn, gây trầy xước da, nhiễm trùng làm nặng hơn và biến chứng sang các bệnh da khác.
Viêm da cơ địa kéo dài có thể gây sừng hoá làm da dày lên sậm màu, hay ngược lại làm da mất sắc tố có màu trắng.
Viêm da cơ địa thường chỉ cần chẩn đoán bằng thăm khám, không cần xét nghiệm, xét nghiệm chỉ thường dùng cho các trường hợp khó khăn trong chẩn đoán hay muốn tìm tác nhân gây kích phát mà thôi.
Nguyên nhân trẻ em bị viêm da cơ địa
Cơ chế bệnh sinh của viêm da cơ địa rất phức tạp và có nhiều yếu tố góp phần, không phải là một nguyên nhân duy nhất và vẫn đang được nghiên cứu.
Những yếu tố đã được biết đến như sau:
Làn da sa mạc
Sự bất thường lớp sừng biểu bì của da (stratum corneum): Biểu bì là lớp ngoài cùng của da có tác dụng ngăn cản sự mất nước qua da và phòng ngừa sự xâm nhập của các tác nhân dị ứng, kích thích da và nhiễm trùng.
Filaggrin là một protein có vai trò quan trọng trong cấu trúc biểu bì. Khoảng 50% bệnh nhân viêm da cơ địa vừa và nặng có đột biến gene làm ảnh hưởng đến filaggrin.
Thiếu chất này làm da không còn liền lạc như bình thường và không còn giữ nước được làm da khô, nứt nẻ. Làn da khô nứt nẻ này sẽ làm ngứa, ngứa thì thành nghệ sĩ đàn tranh, gây tăng thêm viêm nhiễm và nhiễm trùng. Đây là yếu tố quan trọng nhất.
Di truyền
Cha mẹ có bệnh trong cuộc diễu hành của dị ứng (atopic march) như viêm mũi dị ứng, hen suyễn, viêm da cơ địa, dị ứng thức ăn thì con sẽ có nguy cơ cao mắc những bệnh này.
Dị ứng và yếu tố kích thích
Làn da "thung lũng chết" mời chào tất cả các tác nhân gây dị ứng, kích ứng tiếp xúc với da. Các phản ứng dị ứng thật sự là phản ứng viêm, làm kích phát viêm da cơ địa hay làm nặng hơn và kéo dài.
Tuy nhiên với vấn đề dị ứng thức ăn và viêm da cơ địa có một sự hiểu lầm ở đây, khảo sát cho thấy 90% cha mẹ tin là dị ứng thức ăn là nguyên nhân chính gây viêm da cơ địa.
Đúng là tỷ lệ dị ứng thức ăn khá cao trên trẻ có viêm da cơ địa vừa và nặng (30-40%) so với trẻ không có viêm da cơ địa (5%) và có tới 80% trẻ viêm da cơ địa có lượng kháng thể IgE kháng thức ăn tăng cao mà không có biểu hiện dị ứng. Trẻ có dị ứng thức ăn thường có viêm da cơ địa sớm hơn và nặng hơn.
Tuy nhiên, xin nhắc lại đây không phải là quan hệ nhân quả, dị ứng thức ăn không gây ra viêm da cơ địa, có những trẻ dị ứng thức ăn nhưng không có viêm da cơ địa và ngược lại có viêm da cơ địa nhưng không có dị ứng thức ăn.
Dị ứng thức ăn là yếu tố tăng nặng, có nghĩa là khi con bị viêm da cơ địa và kèm theo dị ứng thức ăn, dị ứng thức ăn có thể kích phát, làm kéo dài và nặng hơn tình trạng viêm da cơ địa do phản ứng miễn dịch của dị ứng.
Sở dĩ làm rõ chuyện này vì có một số trường hợp bị hiểu sai và kiêng cử quá mức làm trẻ suy dinh dưỡng, thiếu chất. Có trẻ bị kiêng đủ thứ bỏ ăn sụt cân.
Hiện tại Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID) khuyến cáo nên đánh giá khả năng dị ứng thức ăn trên những trẻ có viêm da cơ địa nặng và không đáp ứng với liệu pháp điều trị đúng và tuân thủ nghiêm ngặt.
Trong đó đặc biệt là sữa, trứng, đậu phộng, lúa mạch (wheat) và đậu nành, hoặc có tiền sử đáng tin cậy là có phản ứng da sau khi ăn một thức ăn nào đó.
NIAID không khuyến cáo kiêng cử các thức ăn trên trừ khi có bằng chứng dị ứng vì không cho thấy cải thiện.
Thực tế tôi hay cho thử định lượng IgE thức ăn trên những trẻ viêm da cơ địa nặng và tránh loại nào có lượng IgE cao, hay gặp nhất là trứng.
Atopic march là cuộc diễu hành của các bệnh liên quan tới dị ứng, đầu tiên là viêm da cơ địa, tiếp nối bởi hen suyễn, viêm mũi dị ứng. Điều trị sớm và hiệu quả viêm da cơ địa có thể phòng ngừa và làm giảm sự phát triển các bước tiếp theo của cuộc diễu hành này.
Nhiễm trùng da
Có một giả thuyết đang được nghiên cứu là sự khiếm khuyết cấu trúc da làm thay đổi pH da, gây tăng vi trùng thường trú trên da, đặc biệt là tụ cầu vàng (Staph. aureus). Các vi trùng này tạo nên phản ứng miễn dịch trên da gây hiện tượng viêm da và kích phát viêm da cơ địa.
Dù giả thuyết này đúng hay không, tình trạng nhiễm trùng da trên bệnh nhân viêm da cơ địa cũng rất phổ biến.
Tóm lại viêm da cơ địa liên quan tới làn da thung lũng chết, tác nhân dị ứng và kích ứng, nhiễm trùng da. Hiểu chuyện này rất quan trọng để hiểu việc điều trị trẻ em bị viêm da cơ địa đúng cách.
Bác sĩ Trương Hoàng Hưng
Khoa Nhi, Texas (Mỹ)
Khi nào thai phụ cần tiêm vaccine uốn ván?
Vợ tôi có thai được 5 tháng và chưa tiêm vaccine uốn ván. Vậy, bác sĩ cho tôi hỏi khi...
Mắc bệnh tiểu đường có được ăn đường không?
Trong điều trị bệnh tiểu đường, dinh dưỡng là phương pháp điều trị không dùng thuốc được áp dụng đầu...
Loại sán dễ mắc khi ăn các loại rau mọc dưới nước
Mẹ tôi rất thích ăn rau sống, gần đây lại có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, da sẩn ngứa....
Chồng ngủ ngáy to quá, tôi phải làm thế nào?
Thông thường, người ngủ ngáy to không biết là mình gây ồn ào làm phiền người bên cạnh.