Trẻ sử dụng sữa bao nhiêu là đủ?

Thời gian gần đây, trên nhiều trang mạng xã hội xuất hiện những quảng cáo về nhiều loại sữa giúp tăng chiều cao cho trẻ, điều này đã đánh trúng tâm lý của không ít phụ huynh bởi ai cũng muốn con mình cao lớn. Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều mẹ cũng mặc định con phải uống sữa mới phát triển chiều cao nên cố gắng đầu tư kinh phí mua sữa cho con uống càng nhiều càng tốt, thậm chí có trẻ còn uống sữa thay nước lọc.

Ths.BS Ngô Thị Hà Phương (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, sữa là một thực phẩm trong chế độ ăn hàng ngày và được chia thành nhiều loại khác nhau. Theo bác sĩ Phương, tùy từng độ tuổi mà nhu cầu sử dụng sữa khác nhau.

Khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng về sữa và các sản phẩm của sữa dành cho trẻ từ 3 tuổi trở lên nhấn mạnh việc tiêu thụ nhiều dạng chế phẩm của sữa, bao gồm sữa dạng lỏng, sữa chua, và phô mai nhằm tận dụng tối đa giá trị dinh dưỡng từ sữa.

 

Sữa là thực phẩm tốt, nhưng không phải cứ uống nhiều là cao mà cần sử dụng khoa học và điều độ. Ảnh minh họa. 

Cụ thể:

- Trẻ 3-5 tuổi: mỗi ngày nên sử dụng 4 đơn vị  ăn sữa và chế phẩm sữa, tương đương 15g phô mai (1 miếng phô mai), 100ml sữa chua (1 hộp sữa chua) và 200ml sữa dạng lỏng (2 ly sữa nhỏ).

- Trẻ 6-7 tuổi: mỗi ngày nên sử dụng 4,5 đơn vị ăn sữa và chế phẩm sữa, tương đương 15g phô mai (1 miếng phô mai), 100ml sữa chua (1 hộp sữa chua) và 250ml sữa dạng lỏng (2,5 ly sữa nhỏ).

- Trẻ 8-9 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 5 đơn vị ăn sữa và chế phẩm sữa, tương đương 30g phô mai (2 miếng phô mai), 100ml sữa chua (1 hộp sữa chua) và 200ml sữa dạng lỏng (2 ly sữa nhỏ). 

Từ những khuyến cáo trên, bác sĩ Hà Phương cho rằng, các quảng cáo thổi phồng công dụng, sai sự thật về sữa hiện nay rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tới việc chăm sóc trẻ. Việc các phụ huynh cho trẻ tiêu thụ quá nhiều sữa trong ngày sẽ khiến trẻ giảm sử dụng các thực phẩm đa dạng khác như thịt, cá, trứng… và các loại rau quả.

Việc tiêu thụ nhiều sữa, giảm dùng các thực phẩm khác sẽ để lại hậu quả là thiếu vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu sắt và kẽm. Trong khi giá thành của các loại sữa đó tương đối cao hơn các thực phẩm khác, làm tăng không cần thiết các chi phí nuối dưỡng trẻ”, bác sĩ Mai Phương cảnh báo.

Do vậy, để trẻ phát triển toàn diện, cân đối, bao gồm chiều cao, phụ huynh cần có chế độ ăn uống cân bằng, hợp lý, đa dạng thực phẩm, giàu vitamin và chất khoáng, kết hợp với chế độ luyện tập, nghỉ ngơi hợp lý.

Trẻ muốn phát triển chiều cao toàn diện cần nhiều yếu tố, và sữa chỉ là một phần nhỏ trong thành phần dinh dưỡng. Ảnh minh họa. 

Để trẻ cao lớn cần bổ sung dinh dưỡng như thế nào?

Bác sĩ Hà Phương khẳng định, không có một loại thực phẩm nào được cho là siêu thực phẩm, trừ sữa mẹ. Bởi vậy hãy nhìn vào bản chất của quá trình tăng chiều cao để có được quyết định đúng đắn nhất.

Theo bác sĩ Phương, cấu trúc di truyền đóng vai trò quan trọng trong quy định chiều cao. Tuy nhiên, nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến chiều cao trong quá trình phát triển, bao gồm dinh dưỡng, hormone, mức độ hoạt động thể lực và tình trạng bệnh tật. 

50% chiều cao của người trưởng thành được quyết định trong 1000 ngày đầu đời của trẻ, từ lúc bà mẹ mang thai đến khi trẻ được 2 tuổi. Chăm sóc dinh dưỡng bà mẹ mang thai để đảm bảo bé sinh ra không bị thấp còi từ trong bụng mẹ”, bác sĩ Phương cho hay.

Ngoài ra, trong giai đoạn trẻ bú mẹ, cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn bổ sung hợp lý và tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ nhỏ để phát triển chiều cao cần tập trung vào các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng (canxi, vitamin D, magie, phospho…) cũng như những thực phẩm giàu protein có chất lượng cao. Bởi vậy cần ưu tiên những thực phẩm có giá trị sinh học cao như thịt, cá, trứng, sữa, các loại thuỷ sản… và cung cấp chế độ ăn đa dạng thực phẩm cho trẻ.