Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết từ đầu năm đến tháng 10 này, bệnh viện này ghi nhận tới hơn 3.100 ca mắc, 9 ca tử vong do Adenovirus. Trong khi đó năm 2020, bệnh viện này điều trị 631 trẻ mắc Adenovirus, trong đó có 13 ca tử vong. Năm 2021, có 316 trẻ phải điều trị tại viện, 8 ca tử vong.

Ca bệnh có xu hướng tăng nhanh theo từng tuần từ giữa tháng 9 đến nay. Chỉ trong 3 tuần, viện này ghi nhận gần 2.900 trẻ mắc Adenovirus.

Trẻ mắc Adenovirus tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Theo Tiến sĩ - bác sĩ Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, Adenovirus có hơn 60 tuýp khác nhau, gây nhiễm trùng đường hô hấp giống như cảm cúm và gây viêm giác mạc.

Triệu chứng toàn thân bao gồm biểu hiện giống cảm cúm (đau người, đau họng, chảy mũi, ho, sốt). Triệu chứng sốt với đặc điểm sốt cao, dùng thuốc hạ sốt khó hạ, sốt có thể kéo dài tới 5-7 ngày.
Biểu hiện ở đường hô hấp chiếm chủ yếu viêm tai mũi họng, viêm thanh quản, nặng hơn có thể viêm tiểu phế quản, viêm phổi... biến chứng nặng ARDS. Biểu hiện ngoài phổi: Viêm kết mạc, phát ban, nổi hạch, viêm dạ dày ruột. Có thể gặp viêm bàng quang chảy máu, viêm gan, viêm não… nhưng rất hiếm gặp.

Theo bác sĩ Tuấn, đa số bệnh diễn biến nhẹ tự khỏi sau từ 1-2 tuần, trừ một số trường hợp có các biến chứng nặng như: Viêm phổi, viêm gan, tổn thương đa cơ quan. Tuy nhiên những trẻ có bệnh mạn tính, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, ung thư, sau ghép tạng, béo phì… có nguy cơ bệnh nặng hơn.

Phần lớn các bệnh nhân được chăm sóc và điều trị tại nhà do hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng và chăm sóc trẻ. Bác sĩ khuyến cáo không tự ý sử dụng kháng sinh, trừ khi bác sĩ khám nghi trẻ có bội nhiễm vi khuẩn.

Khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau đây nên đưa trẻ đến cơ sở y tế:

- Sốt, đặc biệt sốt ≥ 39,5 độ C, hạ sốt tích cực bằng các biện pháp (uống hạ sốt, mặc thoáng, chườm nước ấm) nhưng không hạ, hoặc sốt cao ≥ 5 ngày.

- Khó thở, thở nhanh, thở bất thường; nôn nhiều, co giật, li bì

- Có dấu hiệu mất nước: Trẻ khát nước, mắt trũng, không có nước bọt, tiểu ít (ít hơn 3 tã ướt trong khoảng thời gian 24 giờ).

- Trẻ không chịu chơi, ý thức thay đổi: Quấy khóc khó dỗ, không tỉnh táo, li bì…

- Ngủ kém, đau ngực, ngoáy tai đau tai hoặc chảy dịch tai...

Trẻ nhiễm Adenovirus nhẹ có thể điều trị tại nhà, nhưng một số trường hợp nặng phải nhập viện điều trị

Tiến sĩ-bác sĩ Đặng Thị Thúy, Trưởng Khoa nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết Adenovirus có nhiều tuýp khác nhau gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau. Bệnh không có miễn dịch chéo giữa các tuýp nên có thể nhiễm nhiều lần. "Virus có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi, trong đó các đối tượng trẻ em, người lớn tuổi, mắc bệnh mạn tính thường có nguy cơ cao hơn" - bác sĩ Thúy lưu ý.

Virus này có thể lây thông qua tiếp xúc với giọt bắn từ mũi hay miệng của trẻ bị nhiễm bệnh (ví dụ trong quá trình ho, hắt hơi …); hay qua tiếp xúc tay với đồ vật hay bề mặt chứa virus, sau đó lại chạm vào miệng, mũi, mắt mà chưa rửa tay.

Adenovirus có thể tồn tại khoảng 30 ngày nếu sống trong nhiệt độ phòng. Trong điều kiện 40 độ C, virus có thể sống trong nhiều tháng. Thậm chí với điều kiện âm 200 độ C, thời gian sống của virus Adeno có thể tính bằng năm.

Virus có thể nhân lên sau khoảng 30 giờ xâm nhập vào cơ thể người. Tuy nhiên, ở nhiệt độ 56 độ C, chúng có thể mất độc lực và bị tiêu diệt trong khoảng từ 3 đến 5 phút.

Một số tuýp có thể lây qua phân người bệnh (trong quá trình thay bỉm). Ngoài ra, Adenovirus có thể lây truyền qua môi trường nước, như là bể bơi, nhưng ít phổ biến.

"Những biểu hiện của Adenovirus khi nhiễm rất giống các loại bệnh thông thường về đường hô hấp. Vì thế dễ khiến việc phát hiện bệnh chậm trễ, virus có thêm cơ hội lây lan ra cộng đồng"- bác sĩ Thúy lưu ý.

Bác sĩ Thúy cho biết khi trẻ có biểu hiện sốt cao, đau họng, soi họng có tình trạng amidan sưng to, kèm kết mạc mắt đỏ, ho, trong vùng có nhiều người đang mắc Adenovirus thì khả năng cao trẻ đang mắc Adenovirus. Tuy nhiên, việc xét nghiệm khẳng định cần được bác sĩ chỉ định, thông qua khám lâm sàng, yếu tố dịch tễ, tiền sử tiếp xúc, nguồn lây. Cha mẹ không nên hốt hoảng, lo lắng mà tự ý cho con xét nghiệm Adenovirus.