Nguyên nhân trẻ có hành vi cắn bạn

Một nhóm nghiên cứu tại Stirling (Vương quốc Anh) có làm 1 thí nghiệm nhỏ cho 1 nhóm người trẻ tuổi. Mỗi người được hướng dẫn làm một phần công việc, sau khi làm xong, họ cần phải trao đổi với nhau để lắp lại thành tổng thể hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, họ không được dùng lời nói. Khi quan sát trên camera, nào là đập bàn, giành lấy các phần của nhau, thể hiện khuôn mặt các kiểu, thậm chí cố sử dụng âm í ới để ra hiệu sự không đồng ý.

Rất nhiều trẻ có thói quen cắn các bạn khi chơi cùng - Ảnh minh họa: Internet

Chỉ có điều là họ không cắn lấy nhau hay đánh nhau. Đơn giản, khi họ thiếu công cụ giao tiếp bằng lời nói, thì họ sử dụng công cụ giao tiếp bất đắc dĩ. Tuy nhiên, phát triển nhận thức cho phép họ không sử dụng công cụ bạo lực trừ khi bị dẫn dắt đủ mạnh của cảm xúc.

Dĩ nhiên, trẻ con đang thiếu cả ngôn ngữ và nhận thức đầy đủ, hành vi cắn nhau khi sinh hoạt xã hội là điều khá dễ hiểu. Trẻ thể hiện hành vi này có thể là :

Trẻ thể hiện không đồng ý.

Trẻ cảm thấy cần tự bảo vệ.

Trẻ cảm thấy điều này thú vị và được "cho phép" có thể trước đó trẻ trải nghiệm và được cha mẹ chú ý quan tâm ngay lập tức.

Trẻ cảm thấy lo lắng.

Nếu trẻ nhận được cách xử sự đúng từ cha mẹ, trẻ sẽ cảm thấy hành vi này không còn hợp thời nữa và tự bỏ.

Cha mẹ cần làm gì?

Hướng dẫn của tổ chức tâm lý học trẻ em Hoa Kỳ (AACAP) giải thích cách đáp ứng của cha mẹ về các hành vi này bao gồm: 

Bước 1: Cha mẹ ngay lập tức nói với bé "Con không được cắn!" với giọng nghiêm.

Đồng thời làm các hành động tương ứng sau:

Trẻ dưới 1 tuổi đang đùa giỡn với bạn: Ngưng hành động đùa này lại. Trẻ từ 9 tháng, bạn cũng không nên đùa giỡn với bé kiểu cắn cắn nhẹ vào tay vào má vì lúc này trẻ bắt đầu học hành vi vô ý này.

Trẻ từ 1 - 2 tuổi cắn bạn khi đang chơi: Bế bé sang 1 bên, 2 tay giữ chặt 2 cánh tay bé nhưng không làm đau bé. Nhìn vào mắt bé và nói lại với giọng nghiêm "Con không được cắn bạn!". Trẻ con tuổi này chỉ có thể nhận ra hành vi đối với ai, chưa thật sự hiểu hành vi này ảnh hưởng ra sao với người đó.

Ảnh minh họa: Internet

Cha mẹ không nên dạy bé về cảm giác đau khi cắn bằng cách cắn thử vào tay trẻ. Trên thực thế cách dạy này làm trẻ có khuynh hướng thích cắn mang tính bạo lực hơn.

Trẻ từ 3 - 5 tuổi cắn bạn khi chơi: Bế bé sang 1 bên, 2 tay giữ chặt 2 cánh tay bé, nhưng không làm đau bé và nhìn vào mắt bé để nói lại với giọng nghiêm "Con không được cắn bạn, bạn sẽ bị đau". Lúc này, trẻ có thể nhận biết đồng thời đối tượng bị ảnh hưởng và tác động lên đối tượng.

Bước 2: Quan tâm đến người bạn bị trẻ cắn

Cha mẹ hãy quan tâm bé bị cắn. Ba biểu hiện cha mẹ nên làm để giúp bé bị cắn trở nên bình tĩnh bao gồm:

- Cầm nhẹ để nâng phần bị cắn

- Ôm để vỗ về bé

 Hỏi: "Cháu có đau không, để bác lấy đá chườm cho cháu nhé!"

Cha mẹ nên hỏi thăm tình trạng bé bị con mình cắn - Ảnh minh họa: Internet

Hai điều không nên làm:

- Hỏi nguyên nhân tại sao

- La mắng bé cắn trước mặt bé bị cắn

Hai điều này cũng khuyên luôn cha mẹ của bé bị cắn. Khi làm 2 hành động này, bạn đang vô tình làm bé hoảng sợ hơn vì đưa ra 1 cảm xúc khác mà trẻ không hiểu. Khi trẻ bị cắn, điều trẻ cần là được chăm sóc và quan tâm, không có trách nhiệm để phán xét hay được ai phán xét.

Bước 3: Lời xin lỗi không bao giờ muộn

Cha mẹ cứ chăm sóc bé bị cắn, đừng bắt bé cắn xin lỗi huyên thuyên ngay lúc đó vì điều này không có ích trong việc giáo dục trẻ. Có 3 cách xin lỗi mang giá trị giáo dục tốt hơn.

Để bé cắn đứng gần đó và yêu cầu không được đi đâu đến khi mẹ chăm sóc bạn. Sau đó, hãy yêu cầu bé cắn hỏi thăm bạn.

Hãy giáo dục trẻ biết xin lỗi bạn đúng lúc khi đã vô ý cắn bạn - Ảnh minh họa: Internet

Sau khi hỏi thăm trẻ bị cắn, bạn có thể nói con chườm đá cho bạn. Trong lúc đó, hãy khuyến khích bé xin lỗi với một vài gợi ý như: "Con có thấy bạn đau không? Con thấy có nên xin lỗi bạn không?"

Trường hợp bé không thực hiện theo lời cha mẹ nói ngay tại thời điểm cắn bạn thì trong suốt ngày hôm đó, lời xin lỗi của bé không hề muộn. Thậm chí có thể đến thời điểm gặp bé bị cắn gần nhất.

Giá trị của lời xin lỗi không phải chỉ nằm ở sự giảng hòa mà còn cho trẻ bài học rất sâu sắc về sự trách nhiệm và công bằng. Đây là giá trị cốt lõi của giao tiếp trong xã hội. Do đó, lời xin lỗi không bao giờ muộn.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh

Bệnh viện Hoàng gia Wocester (Vương quốc Anh)