Những dấu hiệu trẻ tự ti mà bố mẹ cần lưu tâm

Nói chuyện nhỏ tiếng

Trẻ luôn nói lí nhí vì sợ nói sai và bị trách phạt - Ảnh minh họa: Internet

Nhiều gia đình có thói quen hay quát nạt con cháu trong nhà và nghĩ rằng đó chỉ là muốn răn dạy trẻ, muốn trẻ sau này ngoan ngoãn hơn. Bạn thật sự không biết rằng hành động này có thể khiến trẻ luôn mang tâm lý sợ hãi, bất an vì không biết lúc nào lại bị mắng. Đồng thời, trẻ cũng không được đặt câu hỏi hay nói lên quan điểm của mình.

Có bố mẹ vì công việc bận rộn mà để trẻ cho ông bà chăm sóc. Cho dù những người thân khác cũng yêu thương nhưng không thể thay thế nhu cầu cần bố mẹ ở bên trong lòng trẻ.

Thời gian lâu ngày khiến trẻ không cảm nhận được sự bao bọc tuyệt đối và luôn thiếu cảm giác an toàn. Từ đó dẫn đến hành vi trẻ không dám nói chuyện lớn tiếng, luôn lí nhí rụt rè bởi tâm lý tự ti ngày càng lớn dần.

Sợ đến những nơi đông người

Theo Sohu, tính cách trẻ con luôn chịu tác động bởi các yếu tố như môi trường, giáo dục và người xung quanh. Điển hình như nếu trong gia đình bạn ai cũng hoạt bát, thích trò chuyện thì trẻ cũng sẽ trở nên giỏi biểu đạt bản thân.

Ở nơi đông người, trẻ chỉ cảm thấy cô độc, sợ hãi và thu mình lại - Ảnh minh họa: Internet

Nhưng nếu mọi người trong nhà quá trầm lặng, ít chia sẻ cùng nhau hoặc luôn mang tâm trạng nặng nề, tiêu cực cũng sẽ gián tiếp ảnh hưởng tâm lý của trẻ.

Dần dần, trẻ sẽ cảm thấy môi trường đông người không có gì vui mà thậm chí còn cô đơn, đáng sợ. Chính hoàn cảnh sống này sẽ khiến trẻ ngày càng khép nép, tự ti, chỉ muốn ở trong cái vỏ bọc của chính mình. Trẻ sợ và không thích những nơi đông người. Cho dù có mặt, trẻ cũng tỏ ra lạc lõng và thu mình lại phòng vệ.

Luôn nhận phần nhỏ nhất

Luôn nhận phần nhỏ nhất về mình là biểu hiện trẻ tự ti - Ảnh minh họa: Internet

Người lớn hay có thói quen dạy trẻ phải biết khiêm nhường bằng cách nên nhận phần nhỏ hơn về mình. Chẳng hạn như kiểu: “Anh lớn nên anh ăn miếng lớn, con là em thì ăn miếng nhỏ thôi”.

Nếu bé nhà bạn vốn có tính cách cởi mở, hoạt bát thì chuyện nhường phần hơn cho người khác cũng là một thói quen tích cực, không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của trẻ.

Tuy vậy, nếu con bạn vốn đã hướng nội, không thích trò chuyện, và mỗi lần được lựa chọn thứ gì đó luôn chỉ dám lấy phần nhỏ nhất thì bố mẹ cần quan tâm hơn.

Đây là một trong những biểu hiện trẻ tự ti do bị tác động về mặt tâm lý. Lâu ngày, trẻ không có ý thức đúng về giá trị của bản thân, không đủ tự tin để bày tỏ quan điểm, nguyện vọng và dễ đánh mất cơ hội khi trưởng thành.

Sợ nói chuyện cùng người khác

Trẻ không dám nói chuyện với người khác vì cảm thấy bất an và sợ bị chê cười - Ảnh minh họa: Internet

Chính từ những ảnh hưởng ngay trong môi trường gia đình, sau khi đến tuổi đi học và tiếp xúc với xã hội rộng hơn, trẻ sẽ càng bộc lộ sự tự ti của mình. Điển hình chính là trẻ không dám trò chuyện với mọi người, ngay cả với thầy cô giáo hay bạn bè cùng trang lứa.

Bố mẹ rất dễ nhầm lẫn giữa nhút nhát và tự ti ở trẻ. Nhút nhát có thể do ban đầu trẻ chưa quen với hoàn cảnh mới, nhưng chỉ cần một thời gian để trẻ thích nghi và cải thiện. Nhưng tự ti lại là một loại thay đổi về tâm lý, cần phải tìm được nguyên nhân sâu xa và khắc phục đúng cách. Nếu không, bạn càng can thiệp chỉ khiến trẻ càng sợ hãi, khép kín hơn, thậm chí là phản kháng lại.

Muốn trẻ không tự ti, bố mẹ tuyệt đối nên tránh 3 kiểu giáo dục sai lầm này

Bố mẹ phủ định năng lực và ước mơ sẽ khiến trẻ ngày càng tự ti - Ảnh minh họa: Internet

Không tín nhiệm trẻ

Nhiều phụ huynh rất thích phủ định năng lực và ước mơ của trẻ, chẳng hạn như: “Con chẳng làm nên trò gì đâu” hay “Con mà được điểm tốt chắc mặt trời mọc đằng Tây” v.v…

Những câu nói mang tính “đả kích” lòng tin lẫn sự tự tôn của trẻ sẽ để lại một ám thị tâm lý tiêu cực trong lòng trẻ. Dần dần trẻ sẽ cảm thấy mình đúng là “vô tích sự”.

Đánh mắng chưa bao giờ là cách nuôi dạy con khôn ngoan - Ảnh minh họa: Internet

Trách mắng trẻ thậm tệ

Những lần phạm lỗi của trẻ dù là lỗi nhỏ và vô ý nhưng người lớn lại luôn đánh mắng trẻ nghiêm trọng. Điều này khiến trẻ “mặc định” rằng mình phải làm tốt mọi thứ hoặc là không nên làm gì cả để khỏi mắc lỗi. Cứ thế, càng ngày trẻ càng sợ sệt và tự ti ngay trong chính gia đình mình.

Đem ưu điểm của “con nhà người ta” so sánh với nhược điểm của trẻ

Đừng so sánh trẻ với "con nhà người ta" - Ảnh minh họa: Internet

Mỗi đứa trẻ đều có ưu khuyết điểm không giống nhau. Nhưng người lớn lại chỉ nhìn thấy ưu điểm của “con nhà người ta” và thấy toàn khuyết điểm của con mình. Thói quen so sánh khập khiễng, và có thể nói là bất công này khiến trẻ buồn tủi, tổn thương lòng tự trọng và dần mất khả năng ý thức đâu là điều tốt, đâu là điều chưa tốt.