Táo bón là một trong những bệnh lý thường xảy ra ở trẻ em. Trẻ bị táo bón lâu ngày sẽ kém ăn, giảm hấp thụ chất dinh dưỡng. Hậu quả là ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Triệu chứng khi trẻ bị táo bón

Thạc sỹ Bác sỹ Ngô Quế Dương, Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội, cho biết táo bón ở trẻ em là một vấn đề phổ biến. Một đứa trẻ được xác định là táo bón khi có nhu động ruột giảm hoặc phân khô, cứng. Một số dấu hiệu nhận biết táo bón ở trẻ em thường gặp gồm có:

- Đại tiện ít hơn 3 lần/tuần

Tính chất phân của trẻ bị táo bón - Ảnh minh họa: Internet

- Đường kính khuôn phân lớn có thể gây tắc nghẽn nhà vệ sinh.
- Đau trong khi đại tiện.
- Đau bụng (có thể đau thành cơn, các cơn đau có thể liên tục hoặc không). Sau đại tiện dễ chịu đôi chút. Tuy nhiên, có trường hợp vẫn tiếp tục đau bụng.
- Chán ăn, ăn nhanh no (thật ra là cảm giác đầy bụng mà trẻ không biết miêu tả).
- Dấu vết của phân lỏng hoặc giống như đất sét trong đồ lót của trẻ - một dấu hiệu cho thấy phân lưu trong trực tràng.
- Máu trên bề mặt của phân cứng hoặc đôi khi thấy vài giọt máu rơi rớt sau khi trẻ đại tiện.
- Biểu hiện cố gắng nhịn ị (trẻ cố gắng bắt chéo chân, siết chặt mông, vặn vẹo cơ thể hoặc biểu cảm khuôn mặt căng thẳng, …) khi trẻ sợ rằng việc đi đại tiện sẽ bị tổn thương như những lần trước đó.

Nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón

Bác sĩ Dương cũng cho biết hơn 90% trẻ bị táo bón là táo bón chức năng, đó là táo bón mà không có bất kỳ bệnh tiềm ẩn nào. Những yếu tố góp phần gây táo bón ở trẻ gồm:

Nhịn đại tiện

Trẻ có thể phớt lờ nhu cầu đi ị vì bé sợ hoặc mải chơi. Một số trẻ nhịn khi chúng không ở nhà vì chúng không thoải mái khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng. Vấn đề này hay gặp ở trẻ lớn thậm chí ở cả người lớn.
Mặt khác, khi khuôn phân lớn và cứng cũng dẫn đến việc nhịn đại tiện. Bởi nếu bị đau khi đại tiện, trẻ có thể cố gắng tránh lặp lại trải nghiệm đau khổ này.

Rèn luyện đi vệ sinh ở trẻ nhỏ (quan niệm tập xi ị sớm)

Cha mẹ tập cho con đi vệ sinh quá sớm cũng là nguyên nhân làm trẻ bị táo bón - Ảnh minh họa: Internet

Nếu bạn bắt đầu việc đào tạo vệ sinh cho trẻ quá sớm (khoảng trước 2 tuổi), con bạn có thể nổi loạn và nhịn đại tiện. Nếu việc đào tạo đi vệ sinh trở thành một cuộc chiến của ý chí. Một quyết định tự nguyện bỏ qua sự thôi thúc muốn ị có thể nhanh chóng trở thành một thói quen không tự nguyện mà khó thay đổi.

Chế độ ăn uống

Chế độ ăn của trẻ không đủ trái cây và rau quả giàu chất xơ hoặc chất lỏng có thể gây táo bón. Một trong những thời điểm phổ biến hơn khiến trẻ bị táo bón là khi chúng chuyển chế độ ăn từ sữa mẹ sang sữa công thức và giai đoạn từ chế độ ăn lỏng (ăn sữa) sang ăn đặc (giai đoạn ăn dặm).

Thích nghi hoàn cảnh

Mọi thay đổi trong thói quen của trẻ như: Đi du lịch, thời tiết nóng, lạnh, giai đoạn chuyển mùa, căng thẳng, … có thể ảnh hưởng đến chức năng ruột. Trẻ em có nhiều khả năng bị táo bón giai đoạn bắt đầu đi học lần đầu tiên, cũng có thể cả trong giai đoạn chuyển tiếp mỗi cấp học.

Chế độ ăn thiếu rau xanh có nguy cơ khiến trẻ bị táo bón - Ảnh minh họa: Internet

Thuốc

Dùng một số loại thuốc có thể góp phần gây táo bón cùng là nguyên nhân gây ra bệnh lý này. 

Hệ miễn dịch suy yếu

Trẻ có thể bị táo bón trong giai đoạn đang mắc bệnh, nhiễm virus,… Tình trạng này cũng có thể do sốt kéo dài gây thiếu nước trong cơ thể.

Sữa bò và các chế phẩm từ sữa

Việc sử dụng nhiều sữa bò hoặc tiêu thụ quá nhiều các chế phẩm từ sữa như phô mai, váng sữa, … đôi khi dẫn đến táo bón.

Yếu tố gia đình

Trẻ sinh ra trong gia đình có thành viên bị táo bón có nhiều khả năng bị táo bón. Điều này có thể là do các yếu tố di truyền hoặc môi trường sống.

Nhóm bệnh lý thường ít gặp

Một số trường hợp trẻ bị táo bón do dị tật bẩm sinh, vấn đề về chuyển hóa hoặc hệ tiêu hóa hoặc một tình trạng tiềm ẩn khác cần tìm nguyên nhân để điều trị phù hợp.