Bệnh giun kim ở trẻ em là gì?

Giun kim là một loại ký sinh trùng nhỏ có tên khoa học là Enterobius, có chiều dài khoảng bằng cây kim, thường sống trong ruột kết và trực tràng. Giun kim trưởng thành thường gặp chủ yếu ở ruột non, sau đó chúng sẽ di chuyển xuống ruột già (đại tràng).

Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm giun kim do thói quen vệ sinh không tốt - Ảnh minh hoạ: Internet 

Giun kim cái chỉ đẻ trứng vào ban đêm ở nếp nhăn của hậu môn và trứng phát triển thành ấu trùng có khả năng cử động. Chính vì vậy, nếu bé bị giun kim sẽ thường xuyên ngứa hậu môn dữ dội vào ban đêm.

Vì sao trẻ bị giun kim? Ai cũng có thể mắc bệnh giun kim, tuy nhiên phổ biến nhất là ở trẻ em do trẻ em hiếu động hay bò lê la trên sàn nhà hoặc thường chạm tay vào hậu môn, sau đó chạm vào đồ ăn và vật dụng sinh hoạt hằng ngày, thậm chí là mút tay. Trứng giun bám vào tay, móng thông qua đường miệng xâm nhập vào cơ thể trẻ, cư trú trong ruột đến khi chúng nở.

Ấu trùng giun cũng xâm nhập ngược vào cơ thể trẻ khi trẻ ngứa và gãi hậu môn, trứng giun bám vào móng tay và lây nhiễm ngược trở lại cơ thể nếu trẻ mút tay hoặc lây nhiễm cho người khác nếu chơi chung đồ chơi, dùng chung dụng cụ học tập, ăn uống chung...

Dấu hiệu trẻ bị giun kim

Để nhận biết trẻ có bị giun kim hay không, mẹ có thể nhìn nhận qua các triệu chứng sau:

  • Ngứa quanh hậu môn hoặc mông, đặc biệt vào ban đêm là triệu chứng phổ biến nhất khi trẻ bị nhiễm giun kim. Vì thế, nếu thấy con kêu ngứa vùng kín, buổi tối cha mẹ nên dùng đèn soi ở hậu môn xem có giun kim bò ra hay không.
  • Đi đại tiện thấy ấu trùng giun kim trong phân.
  • Đối với bé gái, giun kim có thể chui vào âm đạo gây ngứa ngáy, viêm nhiễm.
  • Ngoài ra, có thể trẻ sẽ quấy khóc vào ban đêm, khó chịu...
Biểu hiện rõ ràng nhất trẻ bị giun kim là ngứa ngáy vùng hậu môn vào ban đêm do giun kim cái đẻ trứng ở vùng da này - Ảnh minh hoạ: Internet 

Trẻ bị giun kim có nguy hiểm không?

Tuy đây là bệnh không quá nguy hiểm và có thể phòng ngừa được nhưng bệnh lại mang lại nhiều tác hại không tốt cho sức khoẻ của trẻ.

Khi bị nhiễm giun, ngoài việc giun cư trú và chiếm các chất dinh dưỡng của cơ thể, giun còn gây nhiều triệu chứng phiền toái cho trẻ.

Khi nhiễm giun, trẻ thường bị rối loạn tiêu hóa, làm cản trở quá trình hấp thu chất dinh dưỡng. Mặt khác, lại còn phải chia bớt phần thức ăn cho những vị khách không mời này nên các bé sẽ chậm lớn, suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém vì thế dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn khác.

Đó là chưa kể những biến chứng như giun chui ống mật, tắc ruột hay ở các bé gái khi giun kim cái ra hậu môn đẻ trứng có thể bò sang bộ phận sinh dục gây viêm nhiễm.

Nếu điều trị chậm trễ, trẻ bị nhiễm giun có nguy cơ rối loạn tiêu hoá, suy dinh dưỡng, chậm lớn - Ảnh minh hoạ: Internet

Điều trị đúng cách cho trẻ bị giun kim

Nếu chẳng may bé yêu bị nhiễm giun kim, chắc chắn các bà mẹ vô cùng lo lắng cho tình trạng của con mình. Vậy làm gì khi trẻ bị giun kim để loại bỏ ký sinh trùng này?

Cách phổ biến nhất là dùng thuốc tẩy giun và vệ sinh hậu môn mỗi buổi sáng để “quét” sạch trứng bám tại khu vực này.

Thông thường, trẻ từ 2 tuổi trở lên mới nên tẩy giun. Nếu trong trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng do nhiễm giun, cha mẹ có thể tẩy giun sớm hơn nhưng phải chọn loại thuốc thích hợp.

Các loại thuốc tẩy giun kim hiện nay gồm: Mebendazole 500mg và albendazole 400mg. Thuốc sổ giun thường được bào chế ở dạng viên nén, thơm, ngọt, có thể nhai hoặc nghiền cho trẻ uống. Có thể cho trẻ uống vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, không cần phải nhịn đói. Tuy nhiên, uống vào buổi tối trước khi đi ngủ là tốt nhất, các bậc phụ huynh nên lưu ý cho bé uống nhắc lại 6 tháng.

 Trẻ từ 2 tuổi trở lên nên được tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần - Ảnh minh hoạ: Internet

Các mẹo trị giun kim dân gian

Ngoài phương án sử dụng thuốc sổ giun, mẹ có thể áp dụng một số mẹo dân gian để điều trị cho trẻ bị giun kim an toàn, hiệu quả ngay tại nhà.

Lá mơ lông

Lấy 30 – 50 lá mơ tươi rửa sạch và ngâm nước muối khoảng 15 phút. Sau đó mẹ đem xay nhuyễn hoặc giã nát vắt lấy nước cốt, cho thêm ít muối vào để uống.

Nếu thắc mắc uống thuốc tẩy giun khi nào thì mẹ nên cho bé uống vào buổi sáng hoặc lúc đói là tốt nhất, sau từ 2 -3 ngày giun kim sẽ bị tống sạch ra ngoài.

Rau sam

Lấy 50 gam– 80 gam rau sam tươi đem rửa sạch đem ép lấy nước uống từ 3 – 5 ngày sẽ cho kết quả. Nếu tẩy giun cho bé, bạn có thể cho thêm một ít muối hoặc đường để dễ uống hơn.

Tỏi

Tỏi bóc vỏ, giã nát để riêng, nước đun sôi bắc xuống để khoảng 5 phút cho nước nguội bớt, sau cho tỏi vào ngâm từ 1 đến 2 giờ đồng hồ. Dùng vải sạch, lọc nước cốt tỏi đã ngâm, sau đó trộn chung với lòng đỏ trứng gà.

Mẹ dùng hỗn hợp này thụt rửa hậu môn cho bé, mẹ kiên trì làm như vậy trong vòng 3 -5 ngày sẽ cho hiệu quả.

Ngoài ra, mẹ có thể dùng nước cốt tỏi trộn với dầu vừng bôi trực tiếp vào hậu môn cho bé cũng có tác dụng tẩy giun kim rất tốt.

 Tỏi là nguyên liệu dễ tìm, an toàn trong điều trị trẻ bị nhiễm giun kim - Ảnh minh hoạ: Internet

Cà rốt

Cà rốt không chỉ là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng mà trong củ cà rốt còn có nhiều lưu huỳnh nên có tác dụng trị giun kim vô cùng hiệu quả.

Mẹ nên thường xuyên cho trẻ uống nước ép cà rốt để tránh nguy cơ mắc giun sán, hay thường xuyên ăn cà rốt sống cũng sẽ giúp đường ruột của bạn sạch hơn.

Phòng tránh nhiễm giun kim ở trẻ em bằng cách nào?

Để phòng mắc bệnh giun kim và cũng như khả năng bị tái nhiễm, việc giữ vệ sinh cá nhân ở mỗi người là hết sức cần thiết.

Nếu trẻ đã mắc giun kim, không để trẻ tái nhiễm bằng cách: Cho trẻ mặc quần lót để tay trẻ không chạm trực tiếp vào khu vực hậu môn, không để trẻ mút tay và nên cắt móng tay cho trẻ thường xuyên.

Người lớn và trẻ nhỏ trong gia đình nên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.

 Cha mẹ cần chủ động phòng tránh giun cho trẻ bằng cách vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng - Ảnh minh hoạ: Interner

Cách bắt giun kim bằng tay khi mẹ soi đèn pin ở rìa hậu môn thì sau khi tiến hành xong mẹ phải rửa sạch bằng xà phòng nhiều lần, dùng khăn lau khô và sau đó khăn phải được giặt hoặc nhúng khăn vào nước sôi để tránh trứng giun lây lan.

Không ăn các loại rau sống, thực phẩm chưa nấu chín và không uống nước chưa được đun sôi.

Cần khám sức khỏe định kỳ để biết và tẩy giun định kỳ cho cả gia đình 6 tháng/lần.

Trẻ bị giun kim đa phần đều do khâu giữ vệ sinh chưa tốt. Vì vậy, cha mẹ cần chủ động phòng bệnh bằng cách hướng dẫn con cách sống và sinh hoạt sạch sẽ, ăn chín uống sôi.