PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, trả lời: Trẻ nhỏ khi bị ốm thường chán ăn nên dễ sụt cân và có thể bị suy dinh dưỡng. Do đó, cần cho trẻ ăn thành nhiều bữa hơn nhưng số lượng mỗi bữa ít hơn. Khi trẻ ốm không cần kiêng khem các loại thực phẩm như tôm, cá, dầu mỡ và rau xanh nhưng có thể giảm lượng thực phẩm trong mỗi bữa ăn.

Có nhiều cha mẹ băn khoăn việc có nên cho trẻ ăn cua, tôm, thịt gà… khi con đang bị ho, viêm họng. Tuy nhiên, chưa có chứng cứ khoa học nào chứng minh những thực phẩm này gây ho cho trẻ.

Ảnh minh họa: Internet

Vì vậy, cha mẹ có thể yên tâm làm đa dạng bữa ăn để trẻ được thay đổi khẩu vị, ăn được nhiều hơn và mau khỏe hơn. Cần chú ý nấu loãng thức ăn hơn bình thường để dễ tiêu hóa và vẫn duy trì cho mỡ, dầu vào bột hay cháo của trẻ ngay cả khi trẻ bị sốt kèm tiêu chảy. Súp, nước cháo, dung dịch oresol chỉ là để bù nước, không nên xem là thức ăn vì không cung cấp đủ chất dinh dưỡng.

Sau khi khỏi ốm, để giúp trẻ hồi phục nhanh và tránh suy dinh dưỡng, cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày 2 bữa, trong 2 tuần liền.