Nguyên nhân khiến trẻ bị nôn nhưng không sốt

Nôn có nhiều mức độ và có thể do một hoặc nhiều nguyên nhân khác nhau. Sau đây là một số nguyên nhân thường gặp nhất khi trẻ bị nôn không sốt:

Ăn quá nhanh và quá nhiều

Đây là vấn đề khá thường gặp ở trẻ nhỏ. Khi trẻ ăn quá nhiều và quá nhanh cùng một lúc thì dạ dày sẽ chưa kịp tiêu hoá, bụng bị đầy quá mức, cơ thể sẽ tự động đẩy thức ăn ra ngoài để hoạt động tiêu hóa thức ăn được diễn ra dễ dàng hơn.

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau khiến trẻ bị nôn nhưng không sốt - Ảnh minh họa: Internet

Dị ứng thực phẩm

Một số loại thực phẩm như: sữa, đậu, tôm, lúa mì,…có thể gây ra các phản ứng dị ứng ở một số trẻ em.
Các triệu chứng dị ứng gồm nôn ói, phát ban và sưng (đặc biệt quanh miệng), nếu trẻ bị dị ứng cấp độ nặng có thể thở dốc và mất ý thức.

Trào ngược dạ dày - thực quản

Đây là tình trạng thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và sẽ giảm dần khi trẻ lớn hơn. Tuy nhiên, nếu bé nào có cơ thực quản và cơ vòng yếu có thể dẫn đến tình trạng trào ngược dạ dày thường xuyên. Nếu mẹ thấy trẻ không sốt mà bị nôn kèm theo ợ hơi, khó chịu sau khi ăn và chậm tăng cân thì nên cho bé đi khám.

Trúng gió

Khi thời tiết chuyển mùa hoặc thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh rất dễ khiến trẻ bị trúng gió, cảm lạnh. Nếu khi mắc các triệu chứng cảm lạnh, trẻ chỉ bị nôn mà không sốt, có nghĩa là tình trạng bệnh của con chỉ mới dừng ở thể nhẹ. Cha mẹ nên để con nghỉ ngơi đầy đủ, tránh để con hoạt động quá nhiều.

Cha mẹ lưu ý trong trường hợp trẻ bị trúng gió ở mức độ nhẹ sẽ nôn mà không sốt - Ảnh minh họa: Internet

Ngộ độc thực phẩm

Trẻ ăn phải các loại thực phẩm bị hư hỏng hoặc chưa nấu chín rất dễ bị ngộ độc thực phẩm. Sữa và thịt là 2 loại thực phẩm dễ bị hỏng nhất và cũng dễ gây ngộ độc thực phẩm nhất.

Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm bao gồm: buồn nôn, nôn, đi phân lỏng, đau bụng, chuột rút…

Viêm dạ dày ruột

Bệnh này do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây ra. Triệu chứng là bé buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, có thể không hoặc kèm theo sốt nhẹ.

Say tàu xe

Nếu bé nhà bạn đi tàu, thuyền hoặc bất kỳ các hoạt động mạnh khác như xoay vòng, cầu trượt trên không…cũng đều có thể khiến trẻ bị nôn mửa, ói mửa.

Các triệu chứng của say xe bao gồm ngáp, đổ mồ hôi, không muốn ăn uống. Nếu bé chỉ thỉnh thoảng nôn thì mẹ không cần quá lo lắng.

Vậy trẻ bị nôn không sốt có phải là tình trạng đáng lo ngại? Nếu trẻ bị nôn không sốt không đi ngoài mà vẫn ăn uống khoẻ mạnh, tăng cân bình thường thì cha mẹ không nên quá lo lắng.

Ngược lại nếu bé nôn, không sốt có kèm theo các triệu chứng khác như đau bụng, tiêu chảy, phát ban… thì bé có thể đang bị bệnh như trào ngược dạ dày, dị ứng thực phẩm, viêm dạ dày, hay ngộ độc thực phẩm. Khi này mẹ cần nhanh chóng cho bé đi khám bác sĩ để chữa trị kịp thời.

Trẻ bị nôn kèm theo các biểu hiện đau bụng, phát ban, tiêu chảy... thì mẹ không nên chủ quan - Ảnh minh họa: Internet

Khi trẻ bị nôn không sốt mẹ nên làm gì?

Khi trẻ bị nôn không sốt mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng này. Sau đó mẹ có thể thực hiện một số biện pháp sau đây để giúp bé nhanh hồi phục sức khỏe:

Giữ cho bé không bị mất nước

Một trong những điều đầu tiên bạn cần làm là quan sát xem trẻ có dấu hiệu mất nước hay không. Nôn mửa có thể khiến bé bị mất nước và làm sức khỏe bé suy yếu nhanh chóng. Các biểu hiện trẻ bị mất nước do nôn ói như: khô miệng, ít nước mắt khi khóc, da lạnh, không đi tiểu thường xuyên như bình thường hoặc nước tiểu màu vàng sậm, người mệt mỏi.

Để bổ sung nước cho trẻ 2 tuổi bị nôn nhiều không sốt mẹ có thể cho bé uống dung dịch bù nước Oresol (50 ml cho mỗi ký cân nặng, uống hết trong vòng 4 giờ) hoặc nước trái cây. Đối với các bé đang bú mẹ hoặc bú sữa công thức thì mẹ có thể tăng cữ bú cho con nhiều hơn.

Mẹ nhớ quan sát trẻ bị nôn không sốt có bị mất nước hay không để kịp thời bổ sung nước cho bé - Ảnh minh họa: Internet

Không cho bé uống thuốc chống nôn

Trẻ sơ sinh và ngay cả trẻ lớn hơn bao gồm trẻ 3 tuổi bị nôn nhiều không sốt đều không nên uống bất kỳ loại thuốc nào trừ khi có sự cho phép của các bác sĩ hoặc sử dụng biện pháp "móc họng" gây nôn rất nguy hiểm.

Mẹ có thể pha nước gừng ấm và cho trẻ uống từng chút một. Gừng có tác dụng tốt cho dạ dày, đường ruột và giảm triệu chứng buồn nôn. Gừng an toàn cho trẻ em trên 2 tuổi.

Bảo vệ trẻ không bị sặc

Mẹ nên cẩn trọng nguy cơ trẻ bị sặc thức ăn khi nôn. Khi bé nôn, mẹ hãy đặt trẻ nằm nghiêng một bên hoặc đỡ bé ngồi dậy, đầu thấp để dịch nôn không trôi vào đường thở tránh cho trẻ khỏi bị sặc gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Giúp bé trở lại thói quen ăn uống bình thường

Sau khi bé nôn, mẹ cần giúp bé trở lại thói quen ăn uống hàng ngày. Mẹ có thể bắt đầu cho bé ăn các loại thức ăn dễ tiêu như chuối, sữa chua, táo, súp...

Mẹ nên cho bé ăn thức ăn loãng để bé dễ hấp thu, chỉ nên cho bé thức ăn đặc 6 tiếng sau lần nôn cuối cùng của bé. Tránh cho bé các loại thực phẩm cay, béo.

Nhiều cha mẹ thấy con nôn thường kiêm kheng quá mức làm trẻ dễ bị suy dinh dưỡng, mệt mỏi, thiếu chất dẫn đến dễ mắc các bệnh khác. 

Cho trẻ ăn các thực phẩm dễ tiêu hoá như sữa chua, chuối... sau khi trẻ nôn - Ảnh minh họa: Internet

Để bé nghỉ ngơi đầy đủ

Khi bé ngủ, dạ dày và ruột sẽ ít bị kích thích khiến bé ít nôn hơn. Giữ cho bé ngủ ngon, bé sẽ nhanh chóng khỏe lại.

Mẹ cũng nên cho trẻ tránh các kích thích như mùi nước hoa, khói, hay cho bé ở trong phòng bí bách vsẽ khiến bé buồn nôn nhiều hơn.

Ấn huyệt

Kỹ thuật này giúp ích cho một số người bị buồn nôn. Để thử ngăn chặn tình trạng buồn nôn của trẻ theo cách này, hãy sử dụng ngón giữa và ngón trỏ để ấn vào rãnh giữa hai gân ở cổ tay trên nếp gấp cổ tay (chỗ bắt đầu lòng bàn tay).

Mẹ có thể thử phương pháp ấn huyệt để giảm cảm giác buồn nôn ở bé - Ảnh minh họa: Internet

Để hạn chế tình trạng nôn ói của trẻ sau khi ăn, cha mẹ lưu ý không cho trẻ ăn quá nhiều, quá no trong một bữa ăn, đặc biệt không chơi đùa, chạy nhảy quá sức sau khi ăn. Chúng ta cũng cần chú ý đến khâu lựa chọn, chế biến thực phẩm để đảm bảo vệ sinh, tránh tình trạng trẻ ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn gây ngộ độc.

Trường hợp trẻ nôn trớ kéo dài hoặc nôn do bệnh lý mà có biểu hiện như sốt cao, đau bụng, lơ mơ, co giật, có dấu hiệu mất nước … thì cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời.

Trong những năm đầu đời, hệ miễn dịch của trẻ còn yếu, các bộ phận trên cơ thể chưa hoàn thiện nên không thể nào tránh khỏi tình trạng trẻ bị nôn không sốt. Do đó, bố mẹ cần phải tập làm quen với điều đó và quan trọng nhất là nắm vững các phòng ngừa bệnh và chăm sóc trẻ trong mỗi trường hợp cụ thể.