Con trai tôi 12 tuổi nhưng ngủ đêm thường đái dầm. Có cách nào để con tôi không còn đái dầm khi ngủ nữa không bác sĩ? (Trần Thanh Hùng, TP.HCM).

Trả lời

Đái dầm được hiểu là tình trạng tiểu tiện không theo chủ ý và xảy ra khi trẻ đang ngủ. Đái dầm thường xảy ra ban đêm.

Nguyên nhân của đái dầm có thể do tình trạng đa niệu xảy ra vào ban đêm do thiếu sự phóng thích của hormone arginine vasopressin (AVP). Cũng có thể do giảm dung tích bàng quang chức năng hay tăng trương lực cơ vòng, suy giảm nhận thức khi ngủ cản trở khả năng thức giấc để đi tiểu.

Trẻ 12 tuổi nhưng ngủ còn đái dầm cần được đưa đến bác sĩ để thăm khám, đánh giá tần suất độ nặng của tiểu dầm, phân nhóm đái dầm nguyên phát hay thứ phát. Trẻ cũng cần làm một số xét nghiệm loại trừ các nguyên nhân thực thể như bệnh lý về đường tiết niệu, đái tháo đường, rối loạn thần kinh…

Sau khi đã loại trừ những thương tổn thực thể, trẻ sẽ được điều trị không dùng thuốc và dùng thuốc.

Đối với điều trị không dùng thuốc (điều chỉnh hành vi trước), hạn chế cho trẻ uống quá nhiều nước hay nước ngọt, sữa trong 2 tiếng trước giờ đi ngủ. Bên cạnh đó, cho trẻ đi tiểu trước khi đi ngủ để bàng quang được trống. Cần thiết có thể gọi trẻ dậy đi tiểu định kỳ khoảng 2-3 giờ.

Trong quá trình điều trị, cha mẹ nên đặt tấm thảm chống thấm lên giường hoặc nệm của trẻ để không có mùi hôi. Khuyên trẻ tự thay quần áo khi đái dầm. Không trêu chọc trẻ, khích lệ trẻ bằng những phần thưởng nhỏ khi trẻ không đái dầm.

Bác sĩ cũng có thể cho trẻ đặt một chiếc máy cảm biến khi trẻ sắp đi tiểu và sẽ báo động để trẻ thức giấc đi tiểu.

Vấn đề điều trị dùng thuốc, cha mẹ cần đưa trẻ khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và kê toa thuốc. Cha mẹ cũng cần theo dõi sát quá trình sử dụng thuốc của trẻ để tránh tác dụng phụ.

TS-BS NGÔ THỊ MAI PHƯƠNG, phòng Khám nhi - Tiêm ngừa thuộc BV Đại học Y Dược TP.HCM.