Trẻ 1 tuổi hay bị nôn trớ có nguy hiểm không?
Nội dung bài viết
Thông thường, tình trạng trẻ 1 tuổi hay bị nôn trớ rất dễ bị bỏ qua vì các mẹ cho rằng đó là triệu chứng phổ biến, không đáng lo ngại. Đây là một suy nghĩ sai lầm vì bất kì dấu hiệu bất thường nào ở bé cũng đáng được quan tâm và theo dõi. Từ những "báo động" nhỏ nếu không được chữa trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển của con về sau. Vì vậy, mẹ nên trang bị kiến thức cho mình về tình trạng nôn trớ ở trẻ để có biện pháp xử lý kịp thời.
Trẻ 1 tuổi hay bị nôn trớ do tâm lý
Ở trẻ trong độ tuổi ăn dặm, tình trạng nôn trớ vô cùng phổ biến. Lượng chất nôn có khi không nhiều, chủ yếu là thức ăn bé đã dùng, nhưng cũng có khi là đàm nhớt, đôi lúc có máu. Đặc điểm giúp mẹ nhận diện con đang bị nôn trớ do tâm lý chính là trẻ thường xuyên né tránh việc ăn uống, khi ăn vào hay bị nhợn ói ra.
Nguyên nhân
Một trong những cách giúp mẹ phán đoán được phần nào nguyên nhân chính là quan sát xem trẻ đã ói ra những gì. Một vài lý do phổ biến trong số đó gồm:
- Mẹ cho bé ăn lặp đi lặp lại một loại thức ăn nào đó dẫn đến cảm giác ngán
- Lượng thức ăn trẻ phải ăn quá nhiều, dẫn đến tiêu hóa không kịp
- Mẹ cho trẻ bú bổ sung sau khi ăn
- Mẹ pha sữa không đúng cách dễ khiến bé lạnh bụng, khó tiêu
- Trẻ có thói quen ngậm vú giả
- Mẹ chuyển sang thực đơn mới, cho trẻ ăn những thực phẩm mới lạ
Nếu bé bị nôn trớ thường xuyên, chị em cần theo dõi tình trạng sức khỏe của con. Thông thường, trẻ trên 6 tháng tuổi sẽ tăng cân trung bình 200g mỗi tháng. Nếu tình trạng nôn trớ không gây ảnh hưởng đến cân nặng, chiều cao, các hoạt động thể chất của bé thì mẹ có thể an tâm và không cần quá lo lắng.
Biện pháp điều trị
Với những nguyên nhân tâm lý được liệt kê bên trên, chị em có thể dựa vào đó để tìm ra biện pháp cải thiện phù hợp nhất với con của mình. Cụ thể:
- Chỉ cho bé ăn khi đói, lượng thức ăn chú ý vừa đủ. Đặc biệt không ép trẻ ăn quá nhiều sẽ tạo cảm giác sợ hãi mỗi khi mẹ cho ăn.
- Để giúp trẻ dễ tiêu hóa, mẹ có thể chia nhỏ bữa ăn thành nhiều cử trong ngày. Lưu ý nhỏ khi áp dụng phương pháp này chính là duy trì lượng thức ăn vừa đủ, cần thiết, không quá nhiều hay quá ít ở một thời điểm.
- Sau khi cho trẻ ăn hoặc bú xong không nên đặt con nằm xuống ngay mà hãy để bé chơi đùa nhẹ nhàng trong 10-15 phút.
- Khi pha sữa bột hay thức ăn dặm cho trẻ, chị em cần lưu ý pha đúng công thức để đảm bảo chất lượng và độ ngon miệng khi bé ăn.
- Để ý cách bé bú bình, cách ăn của bé để hướng con đến việc ăn chậm rãi, tránh tình trạng nuốt không khí quá nhiều vào dạ dày dễ gây đầy hơi, chướng bụng.
- Mẹ được khuyên tạo không khí bữa ăn vui vẻ, tự do cho trẻ bằng cách để bé ngồi vào bàn ăn riêng, tự do sử dụng chén, muỗng nĩa thay vì đút bé ăn thụ động.
Trẻ 1 tuổi hay bị nôn trớ do bệnh lý
Nếu tình trạng nôn trớ của trẻ xảy ra thường xuyên và có dấu hiệu nghiêm trọng thì mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám, điều trị kịp thời.
Nguyên nhân
Nguyên nhân về mặt bệnh lý phổ biến nhất khiến trẻ 1 tuổi ăn hay bị nôn trớ chính là hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản. Tình trạng này xuất hiện do vòng van giữa thực quản và dạ dày của bé không đủ mạnh để cản thức ăn trong dạ dày trào lên thực quản, dẫn đến trào ra khỏi miệng trẻ.
Dịch dạ dày là dịch axit, trong khi thực quản lại có hơi kiềm. Vì vậy, hiện tượng này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến thực quản, làm xuất hiện các bệnh lý: viêm thực quản, bỏng rát thực quản, viêm phổi hít, trẻ ngừng thở, tím tái do dây thần kinh thực quản bị kích thích, ức chế hô hấp.
Trào ngược dạ dày - thực quản được đánh giá rất nguy hiểm đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là bé sơ sinh. Dù cho sau khi nôn, trẻ vẫn có thể ăn lại hay vui chơi bình thường thì mẹ cũng nên theo dõi tình trạng sức khỏe của con. Nếu việc nôn ói lặp lại nhiều lần, chị em nên đưa bé đi khám vì để lâu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển bình thường của trẻ.
Ngoài những nguyên nhân được đề cập ở trên, còn có một lý do khác tuy hiếm gặp nhưng cũng có thể xuất hiện chính là trẻ mắc hội chứng không dung nạp sữa bò. Lúc này, mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ nhi khoa để kiểm tra và có biện pháp chữa trị ngay.
Biện pháp điều trị
Ngoài việc đưa con đến gặp bác sĩ chuyên môn để thăm khám, mẹ còn cần kết hợp thêm một số biện pháp chăm sóc tại nhà như:
Cho trẻ dùng thức ăn đặc
Thức ăn đặc được đánh giá giúp trẻ hạn chế bị nôn trớ hơn khi ăn thức ăn loãng. Trong lúc ăn, mẹ cũng nên lưu ý cho con ăn chậm, mỗi lần một ít và có thể chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Ngoài ra, chị em có thể tham khảo thêm một số loại sữa dễ đông đặc khi vào dạ dày để giúp con tránh bị trào ngược.
Giúp bé ợ hơi
Sau khi cho trẻ bú hoặc ăn, chị em bế trẻ đứng lên và vỗ nhẹ vào lưng đến khi bé ợ hơi được. Như đã đề cập, trong lúc ăn trẻ có thể nuốt vào dạ dày rất nhiều không khí. Lượng khí này dễ trở thành nguyên nhân khiến bé dễ bị nôn trớ. Thao tác vỗ nhẹ vào lưng kích thích bé ợ hơi chính là để tống lượng khí dư thừa này ra ngoài.
Điều chỉnh tư thế nằm
Tư thế nằm tưởng chừng như không quan trọng nhưng lại có tác động không nhỏ đến tình trạng nôn trớ của trẻ. Cụ thể, mẹ cần đặt bé ở tư thế cao đầu, thân trên cao hơn thân dưới để ngăn ngừa tình trạng trào ngược. Nếu con thường bị ọc sữa, nôn mửa thì chị em có thể để bé nằm nghiêng sang một bên. Tuyệt đối mẹ không nên bế xốc con lên lúc đang nôn vì sẽ khiến dịch ói dễ sặc vào phổi, ảnh hưởng đến khả năng hít thở của trẻ.
Cho bé uống thuốc
Một số loại thuốc như motilium, primperan, omeprazol,... có thể giúp tình trạng nôn trớ ở trẻ giảm đi phần nào. Tuy nhiên, mẹ chỉ nên cho trẻ uống theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý mua về sử dụng.
Với những thông tin được cung cấp trên đây, cha mẹ phần nào có thêm kiến thức cho mình về vấn đề trẻ 1 tuổi hay bị nôn trớ. Việc để ý từng biểu hiện của con không những giúp mẹ có cách xử trí kịp thời khi bé gặp vấn đề mà còn là sự giúp đỡ cần thiết khi sức khỏe của trẻ "báo động". Hãy luôn là bạn đồng hành cùng con trên hành trình lớn khôn của trẻ.
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh...
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên...
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia...
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở...