Nóng ran xương ức, ho hen

Bốn năm trời kiên trì chữa hen từ thuốc tây y tới đông y, anh Vũ Mạnh Hùng (43 tuổi, trú tại Thái Bình) không tin rằng căn bệnh mà có lúc anh nghĩ ung thư không phải là trào ngược dạ dày thực quản.

Anh Hùng tới bệnh viện khám vì đã uống đủ thứ thuốc, khám ở bệnh viện huyện, lên tỉnh nhưng không chẩn đoán đúng bệnh. Anh kể bệnh khó tả vì cứ 12 giờ đêm là anh không ngủ nổi do cảm giác nóng rát ở cổ họng, ho kéo dài. Có những đêm anh ngồi dậy ăn mì tôm hay miếng cơm cho dễ chịu.

Anh đi khám bác sĩ cho biết bị ho hen nhưng uống thuốc cũng không đỡ. Anh Hùng dùng đủ các thứ thuốc 4 năm qua nào là viêm họng, ho hen, viêm phế quản. Có lúc, anh nghĩ quẩn hay là ung thư nhưng đi chụp Xquang phổi bác sĩ cho biết phổi bình thường. Anh được người quen khuyên lên Hà Nội khám. Khi nội soi dạ dày, thực quản bác sĩ chẩn đoán anh bị trào ngược dạ dày thực quản.

Trào ngược dạ dày thực quản gây khó khăn cho người bệnh - Ảnh minh họa: Internet

Tình trạng bệnh đã nặng hơn bình thường vì thời gian trước anh đi khám đều được chẩn đoán sai bệnh viêm hô hấp thay vì trào ngược thực quản.

Anh Hùng uống thuốc đỡ được 3 tháng nhưng bệnh lại tái phát. Các bác sĩ đang theo dõi điều trị và nếu nội khoa không triệt để bệnh có khả năng anh phải phẫu thuật.

Chị Trần Thị Hoài (38 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng khổ vì trào ngược dạ dày thực quản. Chị Hoài tâm sự chị bị khoảng hơn 1 năm nay. Mỗi lần bệnh tái phát cảm giác nóng ran xương ức, nằm ngủ cũng khó vì dịch vị dạ dày trào ngược lên khiến chị không ngủ nổi. Chị được bác sĩ khuyên mua sẵn ít bánh mì ở nhà nếu dịch vị dạ dày lên nhiều thì nhai bánh mì.

Mỗi tối, khi cả nhà đi ngủ, chị Hoài đành ngồi nhai bánh mì để cơn trào ngược giảm xuống. Chị đang điều trị nội khoa nhưng chỉ được một thời gian bệnh lại tái phát.

Nguy cơ ung thư thực quản 

Theo TS Hiền, trào ngược dạ dày thực quản là bệnh lý tiêu hoá phổ biến. Nhiều bệnh nhân mắc bệnh này nhưng chẩn đoán ở các cơ sở y tế khác không chính xác người bệnh điều trị thời gian dài nhưng bệnh không đỡ gây nên nhiều biến chứng của bệnh.

Biến chứng đầu tiên, TS Hiền cho rằng đó là nguy cơ bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản thường hay bị viêm loét thực quản do dịch vị từ dạ dày trào lên thực quản làm tổn thương niêm mạc thực quản và gây viêm loét.

Với tình trạng viêm loét thực quản, người bệnh thường có cảm giác đau nóng vùng xương ức, buồn nôn, đau khi nuốt thức ăn…

TS Dương Trọng Hiền khám cho người bệnh - Ảnh BVCC 

Bệnh còn gây ra biến chứng xơ hoá thực quản, hẹp thực quản. Tình trạng viêm thực quản do trào ngược dịch vị từ dạ dày lên khiến thực quản bị xơ và hẹp hơn người bình thường.

Trong đó biến chứng nguy hiểm nhất của trào ngược đó là bệnh lý barett thực quản. Nguyên nhân dẫn đến barett thực quản là do dịch vị từ dạ dày trào lên nhiều làm các tế bào lót ở vùng thấp thực quản bị biến đổi màu sắc. Barett được xem là dấu hiệu của tiền ung thư thực quản. 

Nếu bệnh nhân bị trào ngược lâu ngày các tế bào niêm mạc thực quản bị đổi màu và biến chứng ung thư thực quản. Với những dấu hiệu như nuốt nghẹn, đau khi nuốt, nóng rát vùng xương ức, sụt cân trong thời gian ngắn không rõ lý do thì bệnh nhân cần đi kiểm tra ngay để sàng lọc ung thư thực quản sớm.

Ngoài ra, những người bị trào ngược dạ dày thực quản còn bị các biến chứng viêm hô hấp mãn tính như viêm mũi, viêm xoang, viêm tai, viêm tuyến giáp, mòn răng…

TS Hiền cho biết khi bệnh nhân được chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản cần được điều trị bài bản theo nội khoa. Bệnh nhân cũng cần thay đổi lối sống.

Nên ăn nhiều thực phẩm giàu tính kiềm, hạn chế bia rượu, thuốc lá, các thực phẩm giàu tính axit như cam, chanh, dứa, đồ uống có gas. Nếu được chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ và được theo dõi tái khám để bệnh lý tái phát điều trị kịp thời, giảm các biến chứng.