Tránh nóng 'mùa mất điện', học sinh ôn thi bên chậu nước đá, đốt nhang muỗi
1h15 sáng, điện thoại di dộng của Nguyễn Ngọc Tuấn, học sinh lớp 12 trường THPT Minh Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội) vẫn sáng đèn. Đèn pin điện thoại sáng là để Tuấn học bài vì nhà mất điện.
"Điện lực thông báo cắt điện từ 16h đến 24h nhưng đến quá nửa đêm điện vẫn chưa có. Đây cũng phải lần đầu tiên, chuyện này đã kéo dài suốt tuần qua. Lịch cắt điện bất kể đêm ngày, bất kể thời gian và nhiều khi bất thình lình không thông báo", nam sinh thở dài nói.
Chỉ còn 2 tuần nữa, Tuấn bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, thời gian chạy nước rút không còn nhiều nên bằng mọi giá nam sinh vẫn phải tranh thủ từng giờ để ôn tập, luyện đề thi.
Mất điện từ 16h, cả nhà Tuấn giục nhau ăn cơm sớm, tranh thủ chút ánh sáng. Thế nhưng bữa cơm của cậu cũng không tròn vẹn vì thời tiết nóng bức, vừa ăn mồ hôi chảy ướt đẫm cả áo. Cả nhà trải chiếu ăn cơm ở hè nhà, mẹ phe phẩy quạt nan, tí gió này cũng không thấm vào đâu giữa thời tiết nắng nóng.
Sau bữa cơm, nghỉ ngơi một chút, Tuấn chạy đi tắm rồi ngồi học bài. Việc đầu tiên ngồi vào bàn là đốt một vòng hương chống muỗi, đặt dưới chân bàn.
Để đủ ánh sáng học bài, Tuấn và cả nhà đã sạc đầy pin điện thoại và cục pin dự phòng từ trưa. Cứ thế, giữa không gian tối đen như mực, đèn pin từ điện thoại là thứ ánh sáng duy nhất trong căn nhà chừng hơn 80m2 của gia đình Tuấn.
Cả nhà Tuấn cũng nằm ở hè để hứng ít gió trời nhưng không ai ngủ được, thi thoảng ba mẹ lại hỏi "ánh sáng có đủ học không con". Dù rất mỏi mắt nhưng Tuấn cũng không dám phàn nàn vì sợ ba mẹ lo.
Hoàng Thị Bích Thanh, học sinh lớp 12, trường THPT Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội) cũng ở hoàn cảnh tương tự. Em tìm đủ mọi cách vừa ôn thi, vừa chống chọi với cái nóng và mất điện triền miên cả tuần nay.
Có hôm dù 23h nhưng khu nhà Thanh vẫn bị cắt điện. Ba mẹ thương con gái học bài vất vả nên ngày nào cũng chuẩn bị sẵn 3 - 4 túi đá viên. Mỗi khi mất điện sẽ đổ đá lạnh vào chậu nước rồi đặt cạnh bàn học cho hạ nhiệt bớt. Không những thế, ba mẹ cũng thay phiên đứng bên cạnh vừa phe phẩy quạt, vừa soi đèn cho Thanh học.
"Em cũng thường xuyên chuẩn bị thêm chiếc khăn mặt nhỏ, vắt ở cổ, thi thoảng thấm chút nước đá lạnh, lau quanh người cho bớt nóng", nữ sinh nói.
Khắc phục được phần nào thời tiết oi bức, thì Thanh lại đối diện với vấn đề ánh sáng để học. Nhiều khi ánh sáng từ một chiếc điện thoại không đủ, em phải mượn điện thoại của cả ba và mẹ để cùng soi mới có thể nhìn rõ.
"Hôm qua em ngồi học đến một giờ hơn mà chưa có điện. Định bụng tranh thủ đi ngủ, chờ trời sáng rồi dạy học bài tiếp. Nhưng nóng quá, nằm mãi cũng không ngủ được, cứ thiếp đi được lúc lại giật mình tỉnh giấc, mồ hôi nhễ nhại. Gần 5h sáng nay điện mới có", nữ sinh nói và mong khung cảnh này mau chóng qua đi để tập trung ôn thi được tốt hơn.
Năm nay, nguyện vọng của Thanh đăng ký xét tuyển vào Đại học Ngoại Thương và Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Do vậy, cuộc chạy đua về đích này trở nên cam go hơn.
Thời tiết nắng nóng, cộng thêm mất điện khiến Thanh và nhiều học sinh khối lớp 9 và 12 nhọc nhằn hơn gấp bội trong giai đoạn chạy nước rút chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
May mắn hơn Tuấn và Thanh, nhà của Trần Đức Ngọc, học sinh lớp 12 trường THPT Ngọc Thuỵ (Long Biên, Hà Nội) gần trung tâm thương mại, nên mỗi khi mất điện, cậu lại ôm sách vở chạy ra đây tránh nóng, tranh thủ ôn tập.
Khu nhà Ngọc thường mất điện vào khung giờ từ 8h đến 11h, 14h đến 15h và 19h đến 22h. Mỗi lần mất điện kéo dài 2-3 tiếng. Thậm chí hôm kia nhà Ngọc mất điện thông từ sáng đến tận 20h. Lớp học thêm của cậu cũng phải đóng cửa vì mất điện, thầy cô giáo giao bài tập qua zalo cho học sinh tự giải ở nhà, sau đó sẽ chấm điểm và chữa lời giải online.
"Em nghe nhóm bạn mách nhau trên nhóm chat của lớp, ở trung tâm thương mại có điện nên cả hội rủ nhau cầm sách vở ra đó ngồi học. Vào quán cà phê nào cũng thấy chật kín chỗ, cả nhóm lại kéo nhau ra ghế ngồi chờ ở trung tâm thương mại tranh thủ học", nam sinh chia sẻ.
Để tiết kiệm tiền, nhóm học của Ngọc sẽ thay phiên nhau mua nước, mua chút đồ ăn vật, cốt lấy chỗ ngồi học cho mát, nếu không sẽ bị bảo vệ trung tâm thương mại nhắc nhở.
Ngọc hy vọng tình trạng cắt điện luân phiên này sẽ mau chóng qua đi để cậu tập trung ôn luyện cho tốt. Năm nay, cậu đặt mục tiêu xét tuyển vào 2 trường Học viện Bưu chính Viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội ngành Công nghệ thông tin và Kỹ thuật điện tử.
"Nắng nóng, mất điện khiến sức khoẻ của em lúc nào cũng trong tình trạng mệt mỏi, dễ cáu, việc ôn tập, luyện đề thi cũng không hiệu quả", cậu nói.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Nam, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, thời tiết khắc nghiệt cộng với tình trạng mất điện kéo dài các sĩ tử nên ăn đủ nhóm chất dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý để đảm bảo sức khỏe.
Phụ huynh nên chú ý bữa ăn cho con đủ các nhóm chất dinh dưỡng như: chất đạm, chất đường bột, chất béo, vitamin và chất khoáng, hạn chế chất béo và tăng cường vitamin qua hoa quả.
"Lưu ý, đồ ăn sáng, bố mẹ nên tự chế biến, không mua đồ ăn ngoài. Đôi khi đồ ăn ngoài không an toàn, gây đau bụng, ảnh hưởng đến sức khỏe của con”, bác sĩ Quốc Nam nói.
Đây cũng là thời điểm nắng nóng, mất điện, cơ thể ra nhiều mồ hôi gây mất nước, mệt mỏi tinh thần. Khi đến trường hoặc ôn tập tại nhà, học sinh nên chuẩn bị một bình nước bên cạnh. Ngoài ra, có thể bổ sung các loại nước giải nhiệt cơ thể như nước cam, chanh, rau má.
“Học sinh không nên uống nước có ga vào ngày hè, bởi nó không giúp giải khát mà còn nhiều tác hại. Hầu hết nước có ga đều chứa đường nên gây một số tác hại như đầy bụng, suy giảm trí nhớ, rối loạn cảm xúc....”, bác sĩ lưu ý.
Trước ngày thi, bố mẹ nên động viên khích lệ con, tạo không khí thoải mái trong các bữa ăn. Đặc biệt, nhắc các con đi ngủ sớm bởi nếu học quá sức, các em dễ bị ốm, ảnh hưởng đến quá trình ôn tập.
WAFT - Giáo dục tận gốc là giáo dục nhận thức
Ngày 23/11/2024 WAFT đã được ra đời với 2 thương hiệu WATF Human Capital và WATF Media. Triết lý giáo dục tận gốc của WAFT bắt nguồn với một niềm tin sâu sắc: Giáo dục tận gốc là giáo dục nhận thức.
Bé gái sơ sinh bị bỏ trong túi bóng đặt trước cửa bệnh viện ở Hà Nội, tím tái toàn...
Trẻ bị bỏ vào túi bóng đặt tại cửa khoa cấp cứu của bệnh viện trong tình trạng tím tái toàn thân, không tự thở, tim mờ.
Dự báo thời tiết hôm nay 24/11: Miền Bắc đón không khí lạnh mạnh, miền Trung mưa liên tiếp
Dự báo thời tiết hôm nay ngày 24/11/2024 chi tiết các khu vực trên cả nước như sau.
Xuất hiện chuỗi bão và áp thấp nhiệt đới dồn dập, Biển Đông nguy cơ “bão chồng bão” cuối tháng...
Áp thấp gần Biển Đông đầu tiên có khả năng hình thành ở khu vực dự báo TCAD của PAGASA. Áp thấp này dự kiến đi vào khu vực dự báo của Philippines (PAR) và hướng về Visayas - Nam Luzon, Philippines trước khi tan biến.