Thống kê cho thấy ở các nước Châu Âu, có khoảng 10% phụ nữ sau khi bị mắc trầm cảm sau sinh. Ở Việt Nam tỷ lệ này khoảng 5-7% tùy nghiên cứu. Do đó, có thể nói trầm cảm sau sinh là căn bệnh phổ biến.

Tâm lý và sinh học là nguyên nhân chính dẫn đến trầm cảm sau sinh

Chứng trầm cảm sau sinh có thể là kết hợp các yếu tố sinh học và tâm lý. Sau khi sinh, nồng độ hormon trong cơ thể người phụ nữ nhanh chóng giảm xuống dẫn đến sự thay đổi hóa học trong não bộ người mẹ và gây ra sự thay đổi tâm trạng. Ngoài ra, nhiều bà mẹ không được nghỉ ngơi cần thiết cùng với thiếu ngủ liên tục, chịu nhiều áp lực, không có người chia sẻ có thể dẫn đến gánh nặng về thể chất và kiệt sức; điều này đóng góp lớn vào các triệu chứng trầm cảm sau sinh.

Người mẹ mắc trầm cảm sau sinh dễ bị căng thẳng, lo âu vì phải chịu trách nhiệm lớn cho một sinh linh còn nhỏ bé mới chào đời. Vì lẽ đó, nhiều người phụ nữ bị phát hiện triệu chứng trầm cảm sau khi sinh trong khoản tuần 4-6 tuần sau khi sinh.

Luôn buồn chán là một trong những dấu hiệu trầm cảm của phụ nữ sau sinh. Ảnh minh họa

Ngoài ra, di truyền cũng là một trong những yếu tố không thể bỏ qua dẫn đến chứng trầm cảm sau sinh. Trong gia đình có người bị trầm cảm (mẹ, chị, cha) thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn những người khác hay người đã từng có tiền sử bị trầm cảm sau sinh thì nguy cơ lặp lại lên tới 50%.

Bệnh thường khó phát hiện vì một số biểu hiện dễ nhầm lẫn với những rối loạn trong thời kỳ hậu sản. Đa phần bản thân của thai phụ và những người xung quanh coi những triệu chứng đó là bình thường và nghĩ rằng sẽ sớm biến mất. Rất nhiều bà mẹ e ngại khi nói ra các biểu hiện cảm xúc và suy nghĩ của mình, tự đối phó với các biểu hiện hoặc giấu bệnh.

Cần cảnh giác với các triệu chứng trầm cảm sau sinh

Trao đổi với phóng viên Phụ nữ Sức khỏe, Bác sĩ chuyên khoa II Lâm Hiếu Minh, Trưởng Khoa Sức khỏe Tâm Trí, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, cho biết: "Trầm cảm sau sinh sẽ có những triệu chứng của trầm cảm như buồn rầu, ủ rũ, mất hứng thú. Cảm giác mệt mỏi không có năng lượng được xem là những triệu chứng quan trọng. Ngoài ra, các bà mẹ còn đối mặt với một số vấn đề như mất ngủ, chán ăn, mệt mỏi,.."

Nghiêm trọng hơn là những triệu chứng loạn thần, ảo giác, hoang tưởng, triệu chứng về ý nghĩ và hành vi tự sát. Điều này rất nguy hiểm, chắc chắn cần được điều trị, thậm chí nhập viện để được đánh giá mức độ bệnh. Ở mức độ nặng, bà mẹ có ý tưởng tự sát hoặc muốn giết con mình. Đơn cử như trường hợp muốn buông con khi bế trên cầu thang hay lấy gối bịt mũi khi em bé khóc… Những trường hợp này, họ phải rất kiềm chế bên trong mới có thể kiểm soát được những suy nghĩ ngừng làm tổn thương cho đứa trẻ"

Sau khi sinh, người phụ nữ cần được quan tâm, chia sẻ nếu không dễ bị trầm cảm. Ảnh minh họa

Bác sĩ Minh cho biết thêm, có rất nhiều trường hợp đến bệnh viện điều trị trầm cảm sau sinh; nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau. Tuy nhiên, sau khi được điều trị đúng phương pháp, gần như 100% các trường hợp khỏi hoàn toàn.

Theo đó, những hỗ trợ tâm lý và điều trị bằng thuốc để giúp bà mẹ vượt qua được cơn trầm cảm của mình. Bệnh này có thể hồi phục hoàn toàn nếu được can thiệp điều trị đúng và tích cực trong thời gian đủ lâu thì có thể dứt hẳn.