TP.HCM chủ trương mở rộng lấy mẫu ngẫu nhiên ở các nơi có nguy cơ cao như bến xe, nhà ga, trung tâm thương mại... để xét nghiệm sàng lọc tìm ca nhiễm. Trong ảnh: lấy mẫu xét nghiệm tại bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh, TP.HCM sáng 17-2 - Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ về tình hình dịch COVID-19 sau Tết Nguyên đán, ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM, phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP.HCM - chia sẻ: "TP.HCM đến nay cơ bản kiểm soát được tình hình bởi TP cho lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng, bao vây những cộng đồng có nguy cơ cao, bao gồm nguy cơ đến từ các ca F0 và nguy cơ theo đánh giá".

"TP đã yêu cầu tất cả các đơn vị rà soát các biện pháp phòng chống COVID-19. Nguyên tắc bất di bất dịch nơi nào không đảm bảo an toàn phải đóng cửa cho đến khi an toàn mới mở cửa lại.

Ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM

Không chỉ chăm bẳm truy tìm F0

* Việc khó khăn truy vết F0 trong đợt dịch này khiến nhiều người lo lắng việc ngăn chặn lây lan dịch COVID-19 sẽ khó khăn?

- Nhiều người rất quan tâm đến chuyện tìm cho ra F0 mà quên mất điều quan trọng hơn là ngăn chặn để mình có ít F0 nhất.

Tìm được F0 sẽ rất tốt, tạo niềm tin đã nắm trúng huyệt để xử lý dịch, nhưng không tìm được F0 không có nghĩa là mình không dập dịch được. Bởi quan trọng nhất làm sao khoanh vùng được khu vực có nguy cơ. Dù không rõ F0 ở đâu nhưng nếu khoanh vùng được thì độ yên tâm ngang với việc mình biết F0.

Kết quả xét nghiệm các mẫu được lấy ngẫu nhiên vừa qua cho thấy rất rõ ở bên ngoài chưa tìm thấy những nguồn lây khác. Và với việc lấy mẫu trên diện rộng độ tin cậy tương đối cao.

* Có phải đến khi việc truy vết các ca F0 khó khăn, TP.HCM mới sử dụng biện pháp lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên?

- Thực tế dù không công bố nhưng việc lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên trong cộng đồng đã được TP thực hiện thường xuyên trong các đợt dịch. Hai đợt trước, mỗi đợt lấy trên 8.000 mẫu. Đợt mới đây đến nay cũng đã lấy hơn 9.000 mẫu.

* Việc lấy mẫu ngẫu nhiên sắp tới sẽ được thực hiện như thế nào?

- TP xác định rất kỹ đâu đó sẽ có nguy cơ lây nhiễm nên biện pháp lấy mẫu ngẫu nhiên bao vây, tầm soát diện rộng vẫn phải duy trì. Trong đó tập trung những nơi giao lưu nhiều như bến tàu, bến xe, bệnh viện, trung tâm thương mại...

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) sẽ tham vấn các chuyên gia để đánh giá yếu tố nguy cơ để có kế hoạch lấy mẫu ngẫu nhiên. Nguyên tắc chỗ nào nguy cơ cao lấy mẫu với tỉ lệ cao, nơi có nguy cơ thấp hơn lấy mẫu ít hơn để không dàn trải nguồn lực.

Ví dụ, chỗ nào đánh giá nguy cơ rất cao có thể lấy 100% mẫu, chẳng hạn như vừa qua ở sân bay Tân Sơn Nhất. Còn những chỗ nguy cơ thấp hơn lấy 10%, 30%, hoặc chỉ một vài người tùy mức độ đánh giá.

* Để đánh giá mức độ nguy cơ của từng khu vực và đưa ra tỉ lệ lấy mẫu ngẫu nhiên sẽ căn cứ từ đâu?

- Nguồn lực của mình hạn chế nếu không phân bổ hợp lý sẽ rất khó khăn. Do vậy phải có kế hoạch, chiến lược, lúc nào dốc toàn lực, lúc nào dưỡng sức vừa phải cũng là yếu tố quan trọng. Bởi vậy, việc đánh giá mức độ nguy cơ của các khu vực phải căn cứ vào yếu tố kinh nghiệm học được trong thực tế và trong các đợt chống dịch khác.

May mắn TP.HCM có nhiều chuyên gia trong hệ thống chống dịch nhạy bén, có kinh nghiệm, rất chủ động đề xuất các phương án hợp lý.

Ông Dương Anh Đức. 

Nhiều kịch bản về chiến lược chống dịch

* Bài học mà TP.HCM làm được trong các đợt ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 là gì, thưa ông?

- Vừa qua, khi sân bay Vân Đồn vừa có ca đầu tiên, TP đã chủ động rà soát ngay sân bay Tân Sơn Nhất. Việc lấy mẫu xét nghiệm cho các nhân viên sân bay cũng làm trước khi có chỉ đạo từ trung ương. Việc này cho thấy phải chủ động nhìn ra nguy cơ để ngăn chặn, không biến nguy cơ thành mối nguy hiểm thực sự. Kế hoạch cũng mềm dẻo, thay đổi theo tình hình thực tế.

Giả sử, khi có ca bệnh ở bộ phận bốc xếp trong sân bay Tân Sơn Nhất, lúc đầu TP chỉ dự định lấy mẫu 1.000 nhân viên làm việc thường xuyên tại sân bay. Tuy nhiên sau đó căn cứ tình hình, TP mở rộng lấy mẫu ra 3.000, lên 5.000, cuối cùng hơn 8.000 người đã được lấy mẫu. Hiện đang mở rộng ra thêm, con số có thể lên đến mười mấy ngàn người.

* Chiến lược phòng chống dịch sắp tới của TP.HCM có gì khác không?

- Cơ bản cách chống dịch của TP không thay đổi. Ý thức được việc TP là địa bàn với mật độ dân cư đông, mức độ giao lưu cao nên ngay từ đầu TP đã xây dựng nhiều kịch bản chứ không chống dịch kiểu bạ đâu phản ứng đó.

Chẳng hạn như kịch bản hiện nay đang dùng là kịch bản cho những tình huống có dưới 50 ca nhiễm bệnh. Còn kịch bản có từ 50-100 ca nhiễm và kịch bản trên 100 ca nhiễm cũng đã sẵn sàng, khi cần ứng dụng ngay. Phải dự báo được tình huống như thế mới chuẩn bị sẵn sàng để không bất ngờ.

* Cụ thể những việc TP.HCM sẽ triển khai khi người dân từ các tỉnh đã đổ về TP sau Tết Nguyên đán?

- Nguyên tắc phải kiểm soát được tình hình. Muốn vậy, ngay trước tết TP phải có đầy đủ thông tin và phải ra những quyết định kịp thời xuất phát từ tình hình thực tế và nguồn lực có trong tay. Ví dụ, ngay trước tết TP đã yêu cầu toàn bộ người trở lại TP sau tết phải tôn trọng khai báo y tế. Từ đó phân tích yếu tố nguy cơ, cân nhắc đưa ra những biện pháp phù hợp.

Đặc biệt sau tết phải làm mạnh hơn để có đợt sàng lọc. Những trường hợp có nguy cơ phải yêu cầu cách ly tập trung, nếu nhẹ tự cách ly tại nhà. Việc cho học sinh tạm thời chưa đến trường cho đến hết ngày 28-2 cũng để tạo thời gian cho các cơ quan có đủ thời gian rà soát, cân nhắc mọi thứ, nếu có nguy cơ còn điều chỉnh được.

Mặt khác, những nơi có nguy cơ lây lan dịch như nhà máy, xí nghiệp, đặc biệt công nhân đi từ các tỉnh về phải tăng cường rà soát, thường xuyên lấy mẫu ngẫu nhiên.

Nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất làm thủ tục khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm nhanh tại Trung tâm Y tế quận Gò Vấp - Ảnh: NHẬT THỊNH

Tất cả biện pháp phải thực hiện đồng bộ, bởi vì các biện pháp phòng chống dịch như bức tường thành, nếu một chỗ bị lỏng sẽ vỡ sập cả bức tường.

* Trước tết, TP đã có chỉ thị cấm một số hoạt động kinh doanh tụ tập đông người. Vậy sau tết, chỉ thị này thực hiện như thế nào?

- Phòng chống COVID-19 là việc làm lâu dài. Chủ tịch TP khi chỉ đạo luôn nhắc anh em phải cân nhắc kỹ liều lượng, liều độ vừa phải trong vận hành, quản lý để nền kinh tế vẫn còn phát triển. Khi đưa ra lệnh hành chính cấm hoạt động nào đó, lãnh đạo TP rất khó khăn và cân nhắc rất nhiều vì cấm chỗ nào sẽ ảnh hưởng đến người dân chỗ đó.

Dù vậy, nguyên tắc chung của TP là tất cả những gì mình không kiểm soát được đành phải cấm. Những dịch vụ không cấp thiết phải ưu tiên tạm dừng. Giai đoạn này đang dịch mong người dân chia sẻ, hợp tác, mỗi người phải chịu hi sinh một chút. Hộ này có thể thiệt hơn hộ kia nhưng giữ được dịch không bùng phát sẽ có lợi cho toàn xã hội.

Lãnh đạo TP cũng thường xuyên lắng nghe để điều chỉnh sao cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế. Vừa đảm bảo tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh, nhà hàng, đơn vị dịch vụ... tồn tại vừa đảm bảo phòng chống dịch.

Được lấy mẫu ngẫu nhiên: không quá lo lắng

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho những người có nguy cơ cao tại TP.HCM - Ảnh: NHẬT THỊNH

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết từ ngày 17-2, TP bắt đầu mở rộng lấy mẫu ngẫu nhiên tại ga xe lửa Sài Gòn và các bến xe như Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh), Miền Đông mới (TP Thủ Đức), Ngã Tư Ga (quận 12)... với 100 mẫu đơn/ngày/địa điểm.

Đây là kế hoạch để tăng cường giám sát người từ vùng dịch trong nước đến TP.HCM sau Tết Nguyên đán, giúp phát hiện sớm nhất các trường hợp nhiễm SAR-CoV-2 và kiểm soát kịp thời sự lây nhiễm trong cộng đồng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Thiện Tâm - giám đốc Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh - cho biết từ 4h đến 6h ngày 17-2, các nhân viên y tế thuộc Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm giám sát ngẫu nhiên tại bến xe Miền Đông (cũ, quận Bình Thạnh) đối với hành khách đến từ các tỉnh thành miền Bắc và Tây Nguyên có dịch như Hà Nội, Quảng Ninh, Gia Lai... Kết quả lấy được 100 mẫu, đúng với số mẫu giám sát cần lấy theo quy định của HCDC.

"Các chuyến xe từ các tỉnh miền Bắc và Tây Nguyên thường có mặt tại bến xe Miền Đông từ 4h đến 6h sáng nên các nhân viên y tế phải có mặt tại đây trước 4h. Việc chọn hành khách lấy mẫu xét nghiệm giám sát do bến xe Miền Đông lên danh sách. Chúng tôi thực hiện lấy mẫu, lưu mẫu và gửi về đơn vị có năng lực xét nghiệm" - ông Tâm nói.

Bên cạnh bến tàu, bến xe, TP cũng lấy mẫu ngẫu nhiên 10-20% lượt khách tới sân bay Tân Sơn Nhất từ các khu vực có nguy cơ. Vì là lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên nên người được lấy mẫu không nên quá lo lắng.

TP.HCM cách ly tập trung 60 người từ tỉnh khác qua khai báo y tế

Trước đó, từ ngày 16-2, TP triển khai tiếp nhận khai báo y tế người từ các tỉnh thành khác về TP tại sân bay, ga tàu, bến xe, trạm y tế. Tính đến ngày 17-2, TP tiếp nhận 2.134 trường hợp khai báo, trong đó 60 trường hợp chuyển cách ly tập trung, 10 trường hợp cách ly tại nhà, 2.064 tự theo dõi sức khỏe.

Tiến hành lấy mẫu xét nghiệm 2.113 trường hợp cho kết quả 1.350 âm tính, 763 trường hợp đang chờ kết quả.