Theo thông tin từ Dân Trí, thống kê từ đầu tháng 2 đến nay, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, một bệnh viện ở TPHCM ghi nhận số ca mắc các bệnh da liễu liên quan đến nắng nóng (như viêm da cơ địa, viêm da tiết bã, mẩn ngứa, mề đay, mụn, nhiễm nấm, thủy đậu…) đến khám gia tăng. 

Theo đó, trung bình mỗi ngày có 50-70 người thuộc nhóm bệnh này, gồm cả trẻ em và người lớn đến "cầu cứu", chiếm 60-70% tổng số lượt khám của khoa và tăng khoảng 30% so với thời điểm trước.

Anh C. nổi các nốt mụn nước thủy đậu trên người - Ảnh: Dân Trí

Như trường hợp của anh H. (26 tuổi), từ quê Lào Cai trở lại TPHCM làm việc ngày 19/2 sau kỳ nghỉ Tết. Vừa đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, anh thấy choáng váng vì không khí oi bức, chênh lệch lên đến 15 độ C so với ở quê. Ngày đầu tiên đi làm lại, trên da chàng trai bỗng xuất hiện các nốt sần như vết muỗi đốt, phát ban, ngứa ngáy khắp người.

Bác sĩ Trần Nguyễn Anh Thư, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da cho biết, qua thăm khám, anh H. được chẩn đoán nổi mề đay cấp tính, do cơ thể chưa kịp thích nghi với thay đổi nhiệt độ. Bệnh nhân được kê thuốc histamine nhằm giảm các triệu chứng gây viêm, khuyến cáo hạn chế ra ngoài khi trời nắng nóng. Sau điều trị và tái khám một tuần, các triệu chứng đã hết.

Còn anh L.V.C. (35 tuổi, ngụ TPHCM) bắt đầu nổi những mụn nước đầu tiên trên lưng sau 2 ngày sốt nhẹ, nhức đầu và mệt. Công việc mỗi ngày trong công trường xây dựng phải làm dưới nắng khiến người đàn ông đổ nhiều mồ hôi, gãi nhiều hơn vì ngứa ngáy. Thêm một ngày, những mụn nước trên lưng đã lan khắp mặt, thân mình, tứ chi kèm ngứa, đau rát.

Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán anh bị thủy đậu thời kỳ toàn phát. Người bệnh được điều trị ngoại trú với thuốc kháng virus đường uống, giảm ngứa và bôi thuốc xanh methylen. Đồng thời, bác sĩ cũng hướng dẫn anh C. tắm các loại xà phòng hoặc dung dịch sát trùng, hạn chế gãi, chà xát mụn nước để tránh các biến chứng như bội nhiễm.

Bệnh nhân được yêu cầu nghỉ ngơi khoảng 10 ngày cho tới khi da bong hết vảy tiết và tránh tiếp xúc với người xung quanh.

Nắng gắt ở TP.HCM khiến nhiều người nhập viện - Ảnh minh họa: Internet

Dẫn tin từ Tuổi Trẻ, theo bác sĩ Nguyễn Văn Chi - phụ trách Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao người lao động làm việc ngoài trời như nông dân, công nhân xây dựng, những người phải di chuyển trên đường cần cẩn trọng.

Bên cạnh đó, kỳ nghỉ lễ kéo dài sắp tới nhiều gia đình có dự định đi du lịch cũng cần cẩn trọng tránh nóng cho trẻ.

Khi trẻ có những biểu hiện như cực kỳ khát nước, nhiều giờ không tiểu, thở nhanh, dốc, sốt, đau đầu... cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để kịp thời xử lý.