Theo số liệu tổng hợp từ Viện Pasteur TP.HCM, TP.HCM hiện là nơi có ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết cao nhất trong số 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Vài tháng qua, ngành y tế thành phố tiếp tục ráo riết thực hiện các biện pháp kiểm soát lây nhiễm, điều trị bệnh, tuy nhiên, số ca nhiễm và tử vong có dấu hiệu tăng đột biến so với những năm trước.

Số ca sốt xuất huyết tăng gần 200%

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính đến ngày 29/6, số ca mắc sốt xuất huyết tích lũy đã lên đến 20.952 ca, tăng 172,5% với cùng kỳ năm 2021 (7.688 ca). So sánh giai đoạn 5 năm (từ 2016 đến 2020), số ca nhiễm cũng tăng gần 72%.

Toàn thành phố cũng ghi nhận 10 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, tại huyện Củ Chi (3 ca), Bình Chánh (2 ca), Bình Tân (2 ca), Hóc Môn (1 ca), quận 11 (1 ca), TP Thủ Đức (1 ca), tăng 7 ca so với cùng kỳ năm 2021.

Lãnh đạo Sở Y tế cũng cảnh báo các địa phương có số ca mắc trên 100.000 dân cao nhất trên địa bàn là Bình Tân, Tân Phú, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và quận 12.

Cũng tính đến 29/6, toàn thành phố ghi nhận tổng cộng 1.111 ổ dịch sốt xuất huyết tích lũy, trung bình mỗi tháng tăng hơn 185 ổ dịch.

"Các quận, huyện trên sẽ có nguy cơ bùng phát dữ dội dịch sốt xuất huyết trên địa bàn nếu không quyết liệt triển khai các giải pháp chống dịch ngay từ bây giờ", Sở Y tế cảnh báo.

Diễn tiến số mắc sốt xuất huyết đến ngày 29/6 so với cùng kỳ 2021 và trung bình 5 năm 2016-2020 tại TP.HCM.

Vì sao TP.HCM có số ca nhiễm và tử vong cao?

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đối với bệnh sốt xuất huyết, từ nhiều năm qua, thành phố đã thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân, tổ chức không thực hiện các hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh của y tế.

Từ năm 2015 đến nay, đã có 1.547 quyết định xử phạt được ban hành. Riêng trong năm nay, tính đến ngày 23/6, toàn thành phố có 9 quyết định được ban hành.

Sở Y tế nhấn mạnh tiếp tục đẩy mạnh xử phạt trong thời gian tới nếu các tổ chức, cá nhân không chấp hành để phát sinh lăng quăng, muỗi sau khi đã được hướng dẫn.

Một chậu nước có bọ gậy sinh sống được đặt trên đường tại quận Bình Tân. Ảnh: Bích Huệ.

Tuy nhiên, trước thực trạng thành phố lớn nhất phía nam lại trở thành nơi lưu hành sốt xuất huyết và ca tử vong cao nhất, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM nhìn nhận công tác dự phòng diệt muỗi, diệt lăng quăng ở địa phương chưa thực sự trở thành nhận thức và hành động của người dân, ngay cả tại chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, hình thức xử phạt về các vi phạm trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết chưa thực sự phát huy hiệu quả (không xử phạt hoặc khó xử phạt).

Mặc khác, công tác truyền thông về sốt xuất huyết chưa phát huy hiệu quả. Tương tự Covid-19 hay bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào, ngành y tế nhấn mạnh nhóm nguy cơ diễn tiến nặng cần được tập trung nguồn lực để chăm sóc, điều trị vẫn là phụ nữ mang thai, trẻ em bị béo phì.

Một thai phụ mắc sốt xuất huyết được chăm sóc tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

Nhóm các cơ sở y tế cần được quan tâm trong công tác phát hiện, xử trí là các phòng khám chuyên khoa, đa khoa tư nhân. Nguyên nhân ngành y tế đưa ra cảnh báo này là đa phần người có biểu hiện sốt xuất huyết thường chủ quan, đến phòng khám tư nhân để khám và truyền dịch, đến khi tình trạng chuyển nặng mới nhập viện.

Hai trong 10 trường hợp tử vong tại TP.HCM là thai phụ cũng chung tình trạng tương tự. Khi nhập viện, họ đều được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng, tổn thương đa cơ quan, nhiễm trùng huyết.

Về trường hợp số ca tử vong, tại cuộc làm việc với Bộ Y tế trước đó, tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhận định sau thời gian tập trung đối phó với Covid-19, ngành y tế trải qua nhiều biến động, nhất là có sự luân chuyển nhân sự khiến người có kinh nghiệm về sốt xuất huyết bị thiếu hụt hoặc nhiều bác sĩ cũng quên bài điều trị bệnh này.

Ngoài ra, việc thiếu hụt thuốc điều trị cũng là khó khăn lớn khiến công tác điều trị không đạt được hiệu quả cao như phác đồ hướng dẫn của Bộ Y tế.