Nhận định về tình hình dịch bệnh tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM sáng 7/6, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết ổ dịch ở điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng tại Gò Vấp đã lây lan âm thầm kể từ ngày 16/5 nhưng đến ngày 26/5 mới phát hiện ca chỉ điểm.

Từ 27/5 đến 29/5, ngành y tế đẩy mạnh truy vết thì chuỗi lây nhiễm này đã tồn tại hơn 15 ngày và lây lan rất nhanh. 40/55 hội viên của nhóm truyền giáo này đã mắc bệnh. Chủng Ấn Độ lây lan rất nhanh, chỉ 3-5 ngày/chu kỳ. Đến nay, dịch đã có mặt tại 21/22 địa phương của TP.HCM, trừ huyện Cần Giờ.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh thông báo số ca bệnh đã giảm dần. Ảnh: HMC.

Theo ông Bỉnh, công tác điều tra dịch tễ, khoanh vùng dập dịch gặp nhiều khó khăn do nhiều trường hợp khai báo mập mờ. Thời gian đầu, dịch bùng phát mạnh, những ngày đầu cao điểm ghi nhận 70 ca nhiễm.

Trong 6 ngày qua, số ca nhiễm giảm dần. Ngày 29-30/5 có 70 ca, ngày 1/6 có 43 ca mắc. Đến ngày 2/6, số ca mắc giảm xuống còn 38 và đến ngày 3/6 là 26. Ngày 4/6, tổng số ca được ghi nhận là 26. Từ đó đến nay, số ca mỗi ngày khoảng 20-25 ca.

Giám đốc Sở Y tế nhận định đến nay, dịch tại TP.HCM vẫn chưa đạt đỉnh và tiên lượng nếu đạt đỉnh thì phải 2-3 tuần sau dịch bệnh mới giảm hẳn. Sắp tới, mỗi ngày có thể phát hiện thêm 40 ca nhưng chủ yếu phát hiện trong khu cách ly, phong tỏa sau khi xét nghiệm lần 2, 3 nên khả năng không còn trường hợp tiếp xúc rộng trong cộng đồng.

Tuy nhiên, ông Bỉnh cho rằng với mật độ lưu thông rất lớn, dịch vẫn đang lây lan trong cộng đồng tại một số tỉnh, thành. Vì vậy, ông nhấn mạnh vận động người dân tăng cường khai báo y tế là rất cần thiết. Vừa qua, TP.HCM đã phối hợp với các tỉnh, thành phía Nam để truy vết F1 nên nhiều ca nhiễm được phát hiện kịp thời, thường chỉ lây ra một chuỗi chu kỳ.

"Trong thời gian tới, dịch lây nhiễm trong cộng đồng tại các tỉnh phía Nam sẽ giảm tối thiểu", Giám đốc Nguyễn Tấn Bỉnh đánh giá.

Đến nay, dịch bệnh tại TP.HCM đã được khoanh vùng, khống chế ban đầu nhưng vẫn có trường hợp F1 của các "ổ dịch" khai báo chậm. Một số người có hành vi tránh cách ly tập trung và tự cách ly tại nhà. Đến khi có triệu chứng bệnh mới đến bệnh viện khám bệnh và khi khai báo cũng không nói từng đi qua nơi có dịch.

Về các giải pháp chống dịch, Sở Y tế sẽ tổ chức các đội hỗ trợ giúp Trung tâm Y tế quận, huyện truy vết F1. Qua đó, ngành y tế đẩy mạnh nắm bắt thông tin để quản lý các chuỗi lây nhiễm tốt hơn, tận dụng một tuần tới để truy vết các F1.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM họp vào thứ 2 và thứ 6 hàng tuần. Ảnh: HMC.

Dự báo về tình hình những ngày tới, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết ngành y tế sẽ tận dụng cơ hội giãn cách theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 trong tuần tới để truy vết tất cả các ổ dịch. "Sau khi có bức tranh tổng thể sẽ có biện pháp phù hợp để giảm mức độ giãn cách", ông Bỉnh nói.

Cuối cùng, Giám đốc Sở Y tế cho rằng sự phối hợp với các tỉnh, thành khác để hạn chế sự lây nhiễm trong cộng đồng.

"Hiện, sự phối hợp này phải thật tốt để đảm bảo thời gian cách ly. Tuy nhiên, những ca trong cộng đồng sẽ vẫn còn nếu dịch bệnh chưa được khống chế. Luôn luôn tinh thần là cảnh giác trong thời gian tới", ông Bỉnh nhấn mạnh.

Tính từ 18h ngày 5/6 đến 8h ngày 6/6, TP.HCM ghi nhận 31 trường hợp nhiễm mới. Trong đó, 31 trường hợp này có 28 người là các tiếp xúc đã được cách ly từ trước liên quan đến nhóm truyền giáo Phục hưng. 3 bệnh nhân còn lại là các trường hợp được phát hiện khi đi khám sàng lọc tại bệnh viện gồm 2 người tại Gò Vấp, 1 cư trú tại Bình Tân.

31 trường hợp nhiễm trong 24h qua được phân bố như sau: TP Thủ Đức (6), quận 12 (5), Gò Vấp (13), Tân Phú (1), Tân Bình (1), Bình Tân (3), Bình Chánh (2).

Từ 0h ngày 31/5, quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) thực hiện Chỉ thị 16; đồng thời, TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và nâng cao một số biện pháp.