TP.HCM cần làm gì để không đi vào 'vết xe đổ' của Bắc Giang, Bắc Ninh?
Sau 20 ngày giãn cách xã hội, số ca nhiễm tại TP.HCM vẫn liên tục tăng, đứng thứ 3 cả nước, chỉ sau Bắc Giang và Bắc Ninh.
Hai tâm dịch mới của TP.HCM là quận Bình Tân (784.000 dân - đông dân nhất TP.HCM) và huyện Hóc Môn (542.000 dân)*. Tổng dân số của hai quận huyện này là hơn 1,3 triệu người, tương đương với Bắc Ninh và gần bằng Bắc Giang.
Mối lo ngại càng lớn hơn khi dịch đã len lỏi vào trong khu công nghiệp tại quận Bình Tân và một số khu vực khác. Bài toán đặt ra cho TP.HCM là làm sao để không đi vào "vết xe đổ" của Bắc Giang và Bắc Ninh.
Trao đổi với Zing, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đưa ra những đánh giá về các giải pháp chống dịch của thành phố gần một tháng qua và phương hướng chống dịch thời gian tới, đặc biệt khi TP.HCM tiêm chủng vaccine diện rộng.
Bài học từ Bắc Giang, Bắc Ninh
- Sau 20 ngày giãn cách, dù ổ dịch nhóm truyền giáo tại Gò Vấp đã được kiểm soát nhưng số ca nhiễm cộng đồng chưa rõ nguồn lây lại ngày càng tăng. Ông đánh giá thế nào về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của TP.HCM thời gian qua?
- Ca nhiễm cộng đồng tăng lên có 2 lý do. Thứ nhất, do xét nghiệm nhiều nên phát hiện các trường hợp đã nhiễm từ trước nhưng đến thời kỳ này mới phát hiện được. Thời gian ủ bệnh là 14 ngày nên trong thời gian 14 ngày giãn cách, có thể có một số ca nhiễm chưa phát hiện ra.
Việc phong tỏa hay áp dụng Chỉ thị 16 không thể cào bằng các vùng với nhau
PGS.TS Trần Đắc Phu
Thứ hai, cũng phải đặt vấn đề ngược lại, liệu thời gian giãn cách xã hội vừa qua đã hiệu quả chưa?
Theo tôi, chúng ta phải áp dụng các biện pháp mạnh hơn nữa.
Đầu tiên, ngành y tế phải truy vết rất nhanh, bắt kịp với tốc độ lây nhiễm của chủng Delta từ Ấn Độ. Tiếp đó là xét nghiệm diện rộng theo chỉ định dịch tễ chứ không xét nghiệm tràn lan tất cả người dân trong thành phố. Việc xét nghiệm tràn lan gây tốn kém và ảnh hưởng đến sức lực của ngành y tế, lại không hiệu quả.
Đối với các ổ dịch lây lan rộng, có nhiều ổ và nhiều chuỗi lây nhiễm thì việc giãn cách xã hội để phục vụ phòng chống dịch là đúng. Tuy vậy, chúng ta phải giãn cách dựa trên đánh giá nguy cơ, nghĩa là chỗ nào nguy cơ cao thì tiến hành giãn cách theo Chỉ thị 16 hoặc phong tỏa. Nhưng lưu ý là phải làm rất chặt, rất nghiêm.
Bài học vừa qua cho thấy một số nơi ở Bắc Ninh, Bắc Giang giãn cách theo Chỉ thị 16 nhưng thời gian đầu vẫn có sự lây lan do thực hiện chưa nghiêm. Sau đó, lực lượng chức năng phải làm mạnh hơn thì mới hạn chế được sự lây lan.
Còn vùng nào không có nguy cơ cao, ví dụ địa bàn quận, huyện không có ca bệnh tại chỗ mà chỉ có ca bệnh xâm nhập, thì ta nới lỏng cho người dân làm ăn kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội để không gây những ảnh hưởng không đáng có, tốn sức lực dàn trải.
Theo tôi, phong tỏa, giãn cách theo Chỉ thị 16 càng hẹp, càng nghiêm thì càng tốt. Còn làm rộng mà không quản được bên trong thì không mang lại hiệu quả. Và việc phong tỏa hay áp dụng Chỉ thị 16 phải dựa trên đánh giá nguy cơ, không thể cào bằng các vùng với nhau.
- Xin ông làm rõ hơn bài học trong cách ly xã hội của Bắc Ninh và Bắc Giang mà TP.HCM cần rút kinh nghiệm?
- Bắc Ninh, Bắc Giang thời gian qua giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nhưng một số nơi làm không chặt, thời gian đầu vẫn còn tình trạng tụ tập đông người, chưa đáp ứng yêu cầu người nào ở nhà người đó.
Giai đoạn sau, các tỉnh thắt chặt, thực hiện “cửa đóng then cài”, siết chặt theo Chỉ thị 16 thì tình hình mới cải thiện.
TP.HCM cần rất chú ý để không lây lan trong khu công nghiệp
PGS.TS Trần Đắc Phu
Ngoài ra, ổ dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang còn phức tạp do có sự lây lan ra khu công nghiệp và phải thực hiện thêm biện pháp khác. Ví dụ, có chỗ phải di dời người lây nhiễm đi, có chỗ phải giãn cách người không lây nhiễm để cho mật độ dân số giảm.
Theo tôi, TP.HCM cần rất chú ý để không lây lan trong khu công nghiệp và cần giám sát khu vực này. Bởi dịch lây lan trong khu công nghiệp thì không chỉ là vấn đề của riêng TP.HCM mà còn của các tỉnh phía Nam như Long An, Đồng Nai, Bình Dương…
Nhiều trường hợp công nhân, người lao động làm việc ở TP.HCM nhưng cư trú tại Đồng Nai, Long An, Bình Dương… và ngược lại. Do đó, các tỉnh cần phối hợp với nhau để giải quyết tốt vấn đề phát sinh. Nếu làm không đúng sẽ dẫn đến “ngăn sông cấm chợ”.
"Cửa đóng then cài" thì giãn cách mới đạt hiệu quả
- Thời gian qua, TP.HCM đã áp dụng Chỉ thị 16 hoặc phong tỏa tại một số địa phương trong khu vực dựa trên đánh giá nguy cơ. Theo ông, các khu vực phong tỏa hay áp dụng chỉ thị này nên được quản lý thế nào để đảm bảo phòng chống dịch?
Khó dự báo đỉnh dịch ở TP.HCM
PGS.TS Trần Đắc Phu
- Nếu đã áp dụng theo Chỉ thị 16 thì không cho người ra và không cho người vào. Trong đó, địa phương chỉ duy trì một số dịch vụ thiết yếu và cho phép sản xuất trong điều kiện đảm bảo phòng, chống dịch, dựa trên xác định nguy cơ. Điều quan trọng nhất là phải làm rất chặt và rất nghiêm.
Riêng với những tuyến đường huyết mạch thông qua địa bàn phong tỏa để vào trung tâm thành phố hoặc các tỉnh lân cận thì không nên cấm. Tuy nhiên, cần kiểm tra người qua lại và yêu cầu không được dừng, đỗ trong khu vực cách ly xã hội. Phương tiện di chuyển thì virus không thể bay theo được, nhưng nếu dừng lại thì rất nguy hiểm.
Việc kiểm soát người ra, vào quận là để đảm bảo không mang nguồn lây nhiễm từ trong ra cũng như hạn chế nguy cơ người từ ngoài vào bị lây nhiễm. Đặc biệt, việc ngăn chặn dịch từ trong ra là rất quan trọng.
- Với tình hình hiện tại, theo ông, có thể dự báo đỉnh dịch tại TP.HCM không?
- Đỉnh dịch phụ thuộc vào cách chống dịch. Nếu dịch lây lan theo hướng tự nhiên hoặc khi tiêm phủ vaccine ở mức độ nào thì có thể dự báo.
Còn hiện tại, TP.HCM có đa ổ dịch, đa chuỗi lây nhiễm và đặc biệt phụ thuộc vào công tác phòng, chống dịch nên khó dự báo đỉnh dịch.
Khi dịch đa ổ nhiễm và lây lan rộng thì yếu tố 5K rất quan trọng để tự cắt đứt các chuỗi lây nhiễm. Nhà nhà “cửa đóng then cài”, “nhà cách nhà”, “người cách người” trong vùng phong tỏa, giãn cách theo Chỉ thị 16 để chống dịch thì mới đạt được hiệu quả.
- TP.HCM đang tiến hành chiến dịch tiêm chủng vaccine diện rộng. Theo ông, thành phố có cần thay đổi biện pháp phòng, chống dịch sau khi đã tiêm vaccine cho một nhóm nhỏ người dân?
- Việc tiêm vaccine để đảm bảo phòng bệnh bền vững và lâu dài. Tiêm vaccine không giải quyết được ngay dịch bệnh bởi sau khi tiêm, một thời gian sau vaccine mới có tác dụng. Bên cạnh đó, hiện nay, chúng ta chưa thể hiểu được hết hiệu quả của việc ngăn cản sự lây nhiễm với virus của vaccine như thế nào.
Tiêm vaccine không giải quyết được ngay dịch bệnh. Một thời gian sau vaccine mới có tác dụng
PGS.TS Trần Đắc Phu
Với vaccine AstraZeneca, theo nhà sản xuất báo cáo thì đạt hiệu quả 79%. Nhưng có nước báo cáo hiệu quả của vaccine này chỉ hơn 60%. Do đó, sau khi tiêm vẫn có người nhiễm virus.
Dù chưa biết hết việc ngăn cản sự lây nhiễm đối với virus của vaccine nhưng chúng ta biết chắn chắn rằng vaccine giúp giảm triệu chứng nặng và nguy cơ tử vong đối với những người nhiễm SARS-CoV-2. Do đó, dựa theo hiệu quả của vaccine và đảm bảo tiếp tục thực hiện các biện pháp 5K thì TP.HCM mới có thể tạm thời yên tâm khi trở về trạng thái bình thường mới.
(*) Số liệu điều tra dân số năm 2019 của UBND TP.HCM.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...