TP.HCM: Bệnh tay chân miệng tiến sát "đỉnh dịch"
9h sáng, có mặt tại Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, chúng tôi chứng kiến cường độ làm việc cật lực của các bác sĩ. Họ liên tục khám bệnh, khai thác bệnh sử các bệnh nhi mới nhập viện, kiểm tra bệnh cũ và làm hồ sơ giấy tờ nhập viện, xuất viện. Cùng đó, là những gương mặt mệt mỏi, lo lắng vì con sốt, quấy khóc của các phụ huynh.
Được biết, để đáp ứng điều trị cho các ca bệnh tay chân miệng gia tăng, các y bác sĩ ở đây đã phải tăng ca và huy động thêm người làm. Các bác sĩ đánh giá, bệnh tay chân miệng đang tiến sát đỉnh dịch và bệnh viện cũng đã chuẩn bị các phương án dự phòng để tránh quá tải.
Ngày 15/7, Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 đang điều trị cho hơn 140 ca, trong đó, có 8 ca nặng cần theo dõi sát.
Tại Khoa Hồi sức tích cực, mỗi ngày số ca nặng tăng liên tục. Trong ngày 14/7, tại khoa có 11 ca nặng, trong đó có 8 ca thở máy, thì sau đó 1 ngày, tăng lên 14 bé bị nặng, trong đó 11 ca phải thở máy. Đây là con số cao nhất kể từ đầu năm nay.
BS.CK II Dư Tấn Quy - Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh cho hay, hiện các y bác sĩ phải tăng ca mới đáp ứng lượng bệnh đang có. Trước đây, mỗi đêm trực chỉ có 2 bác sĩ và 5 điều dưỡng, tuy nhiên hiện nay phải tăng lên 4 bác sĩ và 6 điều dưỡng. Chưa kể, khoa còn có 16 bác sĩ tăng cường (đây là những bác sĩ thực hành ở các khoa khác nhưng ưu tiên dồn về tại khoa) phải làm việc ngày đêm.
Trước thực tế đáng báo động, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã mở rộng thêm một lầu (tầng 5) để Khoa Nhiễm - Thần kinh nhận thêm trẻ mắc bệnh. Theo đó, công suất tối đa có thể lên đến 300 giường, chưa kể khu vực các khoa hồi sức. Tạm thời tầng mới sẽ tiếp nhận trẻ tay chân miệng điều trị dịch vụ.
Bác sĩ Dư Tấn Quy lưu ý, điều quan trọng nhất là kịp thời phát hiện dấu hiệu biến chứng của trẻ khi mắc tay chân miệng. Trẻ có thể đột ngột chuyển nặng, suy hô hấp, nguy kịch chỉ trong vài giờ. Do đó, khi nghi ngờ trẻ bị tay chân miệng, phụ huynh nên cho con đi khám ở cơ sở y tế gần nhất để xác định bệnh, theo dõi sát tình hình.
Cũng theo bác sĩ Quy, một trong những cách phát hiện sớm trẻ mắc tay chân miệng là trong lớp học của con có ghi nhận trẻ mắc tay chân miệng hay không. Khi thấy trẻ có biểu hiện sốt, trên người có vài nốt chấm phát ban thì phải đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu trẻ mắc tay chân miệng ở mức độ nhẹ thì nên cách ly, điều trị tại nhà. Phụ huynh cần chú ý đến những dấu hiệu chuyển nặng để đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.
Các dấu hiệu nặng cần nhập viện ngay để cấp cứu kịp thời đó là trẻ sốt cao không hạ (sốt trên 39 độ, sốt hơn hai ngày); trẻ ngủ giật mình chới với, đi đứng loạng choạng, yếu chi; nôn ói nhiều; lừ đừ, lơ mơ; thở nhanh, thở bất thường; tay chân lạnh, vã mồ hôi, da nổi bông tím. Trẻ nhỏ thường quấy khóc, giật mình, không thể rời xa mẹ, chỉ cần rời ra một tí là hốt hoảng lên...
Tuy nhiên, theo bác sĩ Quy, mặc dù không được chủ quan, nhưng các bậc phụ huynh cũng không nên lo lắng quá mức, không vượt đường xa từ tỉnh lên TP.HCM khám bệnh làm ảnh hưởng trẻ. Trẻ nên khám và điều trị ở cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc tốt nhất. Bởi lẽ, việc đổ xô đến TP.HCM dẫn đến gây quá tải tuyến trên và có thể khiến trẻ chuyển nặng trên đường di chuyển.
"Hiện nay, các bệnh viện tuyến tỉnh, thuốc điều trị tay chân miệng đã được cung cấp đầy đủ, các y bác sĩ cũng có kinh nghiệm và được đào tạo xử trí bài bản. Việc đưa đón trẻ đi ô tô đường dài lên TP.HCM rất nguy hiểm cho trẻ bởi có thể quá trình di chuyển trên đường, trẻ sốt cao co giật, phụ huynh không biết hạ sốt, lên đến đây trẻ nặng luôn và hạ đường huyết", bác sĩ Quy khuyến cáo.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính từ ngày 3 đến 9/7/2023 (tuần 27), số ca mắc, nhập viện do tay chân miệng đang tăng nhanh tại TP.HCM.
Từ đầu năm đến tuần 27, TP.HCM ghi nhận các quận huyện có số mắc tay chân miệng trên 100.000 dân cao bao gồm quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, quận Tân Phú, quận 6, quận 8.
Riêng trong tuần gần nhất, tuần 27, cả thành phố ghi nhận 1.614 ca, tăng gần 2,5 lần so với trung bình 4 tuần trước là 716 ca.
Nam giới bụng to, nhìn cho sang hay chỉ toàn tác hại?
Nam giới bụng to không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình của phái mạnh mà còn là “thủ phạm” của...
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.