Chia sẻ trên Cộng đồng thẩm mỹ dao kéo, chị Nguyễn Th. (Thủ Đức, TP.HCM) cho biết chị đã tốn cả gần 100 triệu để nâng ngực nhưng kết quả là phải đi tới hàng chục nơi để sửa chữa. Sau sinh, bà mẹ trẻ luôn tự ti vì thân hình “mình mỏng, ngực thưa” của mình. Chị Th. đã quyết định đi nâng ngực để có vòng một đầy đặn, có thể thoải mái mặc những bộ đồ đẹp.

Bác sĩ tư vấn chị Th. nên chọn túi nhám và chi phí để nâng ngực tốn hơn 80 triệu đồng, cộng thêm chi phí thu nhỏ nhũ hoa, tổng cộng mất gần 100 triệu đồng. 

Một tháng sau phẫu thuật, Th. mặc áo định hình. Khi bỏ áo định hình ngực khá đẹp nhưng cứ dần dần hai túi ngực lại cách xa nhau. Ước mong có một khe ngực đẹp của Th. mãi không thành hiện thực. Ngực càng ngày càng “chạy” ra phía nách. Th. còn phải mặc áo kín mít để che đi khuyết điểm.

Cô nghĩ có thể do cơ địa của mình như vậy. Đại dịch Covid-19 xảy ra, Th cũng không dám đi khám ở đâu mà chung sống với vòng một lỗi. Chồng và mẹ của cô liên tục chì chiết về việc chữa “lợn lành thành lợn què”.

Đến cuối năm 2021, Th mới bắt đầu đi khám. Đến đâu bác sĩ cũng lắc đầu không sửa được vì Th. bị biến chứng bao xơ, khoang ngực bị bóc tách nên hai bên ngực “chạy”sang hai bên. Đến cả 10 bác sĩ đều lắc đầu phải tháo túi ngực và đặt lại. Lần 1 tốn cả trăm triệu đồng, lần hai cô cũng phải sửa chữa mất gần 100 triệu tiếp. 

Ảnh minh hoạ. 

Cũng giống với Th., Nguyễn Trà M. (23 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng “khóc hết nước mắt” khi bỏ ra 80 triệu đồng nâng ngực mà nâng xong nhìn như không. M. cho biết không hiểu sao sau nâng ngực nhìn như không nâng. Nhiều người cho rằng do size ngực chọn nhỏ, người thì cho rằng do xương ức của M. Mỗi lần đứng trước gương, cô gái trẻ lại buồn cho vòng 1 của mình.
 
Phó giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ Đỗ Quang Hùng – Tổng thư ký Hội Thẩm mỹ TP.HCM, nguyên trưởng khoa Tạo hình Thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết nâng ngực hiện nay khá phố biến. Nhu cầu nâng ngực mấy năm trở lại đây đều tăng lên không chỉ với người trẻ mà ngay cả nhiều người trung niên cũng đi nâng ngực.

So với các biện pháp thẩm mỹ khác, nâng ngực an toàn, ít gây tai biến tử vong nhất. Tuy nhiên, nâng ngực có thể gặp những sự cố như hai bên không đều, lệch, quầng núm vú không đúng vị trí trung tâm… gây ra mất thẩm mỹ.
 
BS Hùng cho biết hầu như ngày nào ông và các đồng nghiệp cũng thực hiện ca phẫu thuật nâng ngực. Tất cả họ đều khát khao "cải tạo" thành công bộ ngực nhỏ, chênh lệch kích thước, hay chảy xệ...  Không chỉ phẫu thuật nâng ngực mà bác sĩ cũng xử lý những ca biến chứng sau phẫu thuật nâng ngực tại các cơ sở thẩm mỹ chui, chưa có giấy phép hoạt động, bác sĩ thiếu kinh nghiệm.

Thậm chí, có những khách hàng nâng ngực nhưng lại được tư vấn tiêm chất làm đầy, bơm mỡ nhân tạo, tiêm silicon. Các phương pháp này đều nguy hiểm, dễ gây biến chứng.
 
Với nâng ngực đặt túi, BS Hùng cho biết, có thể thực hiện qua ba đường: hố nách, quầng vú, nếp vú. Trong đó, phẫu thuật nâng ngực qua đường hố nách mới cần đến nội soi. Tuy nhiên, trong phẫu thuật nâng ngực, dù có nội soi hay không, kích thước của vết mổ phải từ 2,5cm trở lên mới đảm bảo việc cho túi đặt vào ngực và các mô không bị bầm. Vết sẹo lớn hay nhỏ là tùy thuộc vào thể tích của túi đặt và sự khéo léo của bác sĩ chứ không phải do kỹ thuật nội soi quyết định.
 
Khi nâng ngực, khách hàng cũng có thể đối diện với các biến chứng như những cơn co thắt khi cơ thể phản ứng dị vật là túi nâng ngực. Các phản ứng này có thể xảy ra từ vài tuần sau nâng hoặc vài năm với tỷ lệ từ 5-10%. 

Vấn đề 'núi đôi' đi lạc cũng không phải hiếm do túi ngực bị chạy khỏi khu vực ấn định khiến núm vú lệch, đau nhức, nhiễm trùng. Có người bị túi vỡ, nhăn da vùng ngực, vú không cân xứng.
 
Bác sĩ Hùng cho biết để hạn chế biến chứng, chị em có nhu cầu làm đẹp cần tìm hiểu thật kỹ. Tốt nhất, chị em nên chọn các cơ sở được cấp phép, bác sĩ uy tín để hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng, giúp vòng một được đẹp như họ mong muốn.