Từ khoảng 10 ngày nay, nhiều đơn vị kinh doanh hải sản, nhà hàng ở Hà Nội và TP.HCM tuyên bố hỗ trợ người nuôi tôm hùm trong bối cảnh tôm không thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trước đó, dưa hấu, thanh long là những mặt hàng được nhiều người dân và mạnh thường quân giải cứu. Trong đó, giá dưa hấu dao động quanh mức 5.000-7.000 đồng/kg, còn thanh long được bán với giá khoảng 10.000 đồng/kg. Mỗi ngày, người tiêu dùng dành thời gian xếp hàng chờ mua, hoặc nhận nông sản phát miễn phí trên các tuyến phố, siêu thị.

Tuy nhiên, câu chuyện giải cứu tôm hùm lại hoàn toàn khác.

Không dễ "giải cứu"

Thực tế, tôm hùm là mặt hàng thuộc phân khúc cao cấp. Ở thời điểm thị trường ổn định, giá tôm hùm xanh khoảng 1,2-1,5 triệu đồng/kg tùy kích cỡ, tôm hùm baby khoảng 1-1,2 triệu đồng/kg. Trong khi đó, tôm hùm Alaska khi về Việt Nam dao động quanh mức 0,5-1 triệu đồng.

Hiện nay, mức giá bán lẻ dưới hình thức hỗ trợ ngư dân được các cửa hàng hải sản đưa ra là khoảng 700.000-750.000 đồng/kg. Đối với một số hệ thống lớn với chi phí vận hành cao, giá bán khoảng 750.000-1,1 triệu đồng/kg. Trong khi đó, tôm hùm đã qua chế biến ở các nhà hàng được ưu đãi còn khoảng 1,2 triệu đồng/kg.

Hệ thống siêu thị đang có mức giá bán lẻ thấp nhất cũng đang ở mức 630.000 đồng/kg với tôm hùm tươi sống và 495.000 đồng/kg với tôm hùm xanh baby đông lạnh.

Mức giá "giải cứu" này vẫn khá cao so với thu nhập và chi tiêu thường nhật của nhiều người dân.

"Tôi chưa bao giờ được ăn tôm hùm, bây giờ biết giá giảm hơn một nửa cũng muốn mua về thử cho biết, nhưng đến lúc hỏi ra thì để đầy đủ cho gia đình 3 người cũng cần hơn 1 triệu bạc, còn cao quá", anh Lê Nhật (28 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ.

Chia sẻ với Zing.vn, ông Đoàn Minh Phú - Tổng giám đốc hệ thống nhà hàng Thế giới hản sản, cho biết giải cứu dưa hấu, thanh long đã khó, giải cứu tôm hùm còn khó hơn.

"Thực khách có thể sẵn sàng bỏ ra 5.000 đồng để mua 1 kg dưa hấu, nhưng với giá tôm hùm mà chúng tôi bán ra thị trường hiện nay là 210.000 đồng/con thì e rằng nhiều người vẫn còn đắn đo, suy nghĩ, dù đây đã là mức giá rẻ nhất từ trước đến nay", ông nhận định.

Muốn hỗ trợ lâu dài, phải đảm bảo lợi nhuận

Hệ thống của ông Phú đang làm việc với 5 đối tác cung cấp tôm hùm xanh ở Khánh Hòa. Chỉ trong một tuần đầu tiên, toàn hệ thống gồm bán buôn, bán lẻ và nhà hàng của ông đã tiêu thụ hơn 10 tấn tôm hùm xanh.


Tôm hùm dù giảm hơn nửa giá vẫn là mặt hàng cao cấp, kén người tiêu dùng. Ảnh: NVCC.


Trong khi đó, ở chuỗi cửa hàng Đảo Hải Sản và Lobster Bay tại TP.HCM, từ ngày 6-17/2 đã thu mua và tiêu thụ được gần 1,7 tấn tôm hùm baby từ 2 nhà cung cấp và 2 ngư dân ở Bình Hưng (thuộc xã Cam Bình, Cam Ranh, Khánh Hòa).

"Tôm hùm chỉ là một nhánh nhỏ, không phải mặt hàng chủ lực ở hệ thống của tôi, nhưng đợt giảm giá để hỗ trợ ngư dân này, mặt hàng tôm hùm bán tốt hơn, chiếm 10% doanh thu toàn chuỗi", ông Phillip Nguyễn Kỳ, Chủ chuỗi cửa hàng Đảo Hải Sản và Lobster Bay, nói với Zing.vn.

Chuỗi cửa hàng của ông cũng hợp tác với các chuỗi siêu thị Aeon, Lotte, VinMart để đẩy mạnh tiêu thụ nội địa cho mặt hàng này. Trong khi đó, Vinmart tham gia chương trình giải cứu tôm hùm từ ngày 16/2, với cả sản phẩm đông lạnh và tươi sống (trong đó giai đoạn đầu chỉ ở miền Nam, từ 20/2 mới đưa ra Bắc). Doanh nghiệp công bố chính sách trợ giá tôm hùm, "bán hàng không lợi nhuận", để cùng hỗ trợ người dân. Sau 2 ngày, Vinmart cho biết đã bán 750 kg tôm hùm.

Tuy nhiên, theo ông Phillip Nguyễn Kỳ, muốn hỗ trợ ngư dân về lâu dài vẫn cần đảm bảo lợi nhuận.

"Tôi không đặt lợi nhuận là mục tiêu cao nhất nhưng không thể để lỗ, ít nhất giá bán ra phải đủ bù chi phí vận hành của một hệ thống chuyên nghiệp", ông nêu quan điểm. Thực tế, trong 12 ngày thực hiện chương trình hỗ trợ ngư dân, hệ thống thu về 1,335 tỷ đồng, với biên lợi nhuận giảm một nửa, còn 10-15%", ông cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Kỳ, nhờ chương trình giải cứu tôm hùm này, chuỗi cửa hàng được biết đến nhiều hơn, doanh số các mặt hàng khác cũng tăng theo. Nhờ đó, ông có động lực để tiếp tục thu mua và sẵn sàng thu mua ở giá cao.

Trong khi đó, đại diện Vinmart cho biết việc bán hàng không lợi nhuận diễn ra trong đợt hỗ trợ giải cứu. Ngày thường, hệ thống này vẫn là một kênh phân phối sản phẩm tôm hùm, nhưng sản lượng bán ra không nhiều, bởi giá thành của sản phẩm này cao.

Đừng để nông dân bị ép giá

Tham gia "giải cứu" tôm hùm, lãnh đạo các chuỗi này đều chia sẻ mong muốn muốn chiến dịch vừa giúp ngư dân sớm lấy lại vốn, vừa giúp người tiêu dùng có cơ hội thưởng thức món hải sản thơm ngon, chất lượng do người Việt làm ra.

Các đơn vị cho biết ưu tiên thu mua trực tiếp từ ghe của ngư dân để họ sớm lấy lại vốn. Ảnh: NVCC.

Là một người con đất Bình Hưng, ông Phillip Nguyễn Kỳ coi việc giải cứu này là một cách để giúp đỡ người thân và bà con quê hương.

"Cách đây 10 ngày khi chiến dịch giải cứu bắt đầu, tôi và một số đơn vị thu mua 600.000-700.000 đồng/kg tôm. Đến nay, nhiều nơi ép giá ngư dân chỉ còn khoảng 300.000-500.000 đồng/kg", ông chia sẻ.

Ông cho biết giống tôm hùm có giá 30.000 đồng/con, cộng thêm chi phí thức ăn, công chăm sóc thì giá trị tôm thường lên đến 120.000 đồng/con, chưa tính chi phí hao hụt. Do đó, với mức giá trước đây, ngư dân đạt biên lợi nhuận khoảng 20-30%. Tuy nhiên, ở vụ tôm lần này, thời tiết không ủng hộ nên tỷ lệ hao hụt lên đến gần 50%. Tình hình trở nên khó khăn hơn vì ngư dân không thể xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường tiêu thụ 70-80% sản lượng tôm hùm Việt Nam, trong khi giống tôm hùm này có nuôi thêm thời gian nữa cũng không tăng trọng lượng.

Trong khi đó, người nuôi tôm thường dùng lợi nhuận để tiếp tục mở rộng diện tích nuôi trồng. Khi không bán được, họ không có tiền mặt hay tài sản nào khác để bù lỗ hoặc quay vòng vốn sản xuất vụ sau.

Ông Đoàn Minh Phú cho biết sẽ tiếp tục chương trình cho đến khi giá tôm hùm xanh trở lại bình ổn và ngư dân nuôi tôm có lãi. Thời gian dự kiến trong vòng 2 tháng.

Về dài hạn, theo ông Đoàn Minh Phú, người dân cần tìm hiểu thông tin thị trường trước khi quyết định trồng cây gì, nuôi con gì với sản lượng bao nhiêu, tránh trường hợp "thấy người ăn khoai vác mai đi đào".

Đồng thời, ông cũng mong muốn các cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu hỗ trợ bà con trong chiến lược thu mua, chế biến, đa dạng thị trường cho sản phẩm nuôi trồng.