Ca bệnh tử vong do liên cầu lợn mới nhất là người đàn ông 50 tuổi ở quận Thanh Xuân. Trường hợp này bị sốt 40 độ C, mệt mỏi, đau nhức cả hai khớp chân. Dù đã uống thuốc hạ sốt tại nhà nhưng tình trạng bệnh vẫn nặng lên, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thông báo ngày 8/9.

Bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội điều trị. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, toan chuyển hóa nặng. Các bác sĩ cho biết diễn biến bệnh nhân rất nhanh, tử vong chỉ sau vài giờ vào viện. Kết quả xét nghiệm cấy máu của bệnh nhân dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus suis).

Trường hợp tử vong trước đó là người đàn ông 48 tuổi, ở huyện Ba Vì, bị sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn. Người đàn ông này được xác định nhiễm liên cầu khuẩn do trong quá trình giết mổ lợn không sử dụng biện pháp bảo hộ.

Bệnh nhân sốt cao, rét run, mệt mỏi, đau cơ, đau mỏi người, nôn sau 2 ngày giết mổ lợn. Một ngày sau, các ban xuất huyết xuất hiện tại vùng đầu và trên cơ thể, anh được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn. Được chuyển đến Bệnh viện Quân y 105 để điều trị nhưng tình trạng bệnh nặng lên, tử vong.

Theo CDC Hà Nội, cùng kỳ năm 2022, thành phố chỉ ghi nhận 1 ca bệnh liên cầu lợn. Hầu hết ca bệnh liên cầu lợn năm 2023 đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các đồ ăn từ thịt lợn chưa nấu chín… Một số trường hợp do tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi giết mổ, chế biến thực phẩm.

Các cơ sở y tế khác tại Hà Nội như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108... cũng ghi nhận một số ca bệnh liên cầu lợn được chuyển từ các địa phương khác đến.

Hồi tháng 8, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận ít nhất 2 trường hợp liên cầu lợn, đến viện khi khi cơ thể đã nổi nhiều ban xuất huyết, da tím đen hoại tử toàn thân. Có trường hợp các triệu chứng bệnh xuất hiện sau 1 tuần mổ, ăn thịt lợn ốm gia đình nuôi; trường hợp khác mắc bệnh sau khi ăn lòng lợn cùng gia đình.

Trước đó, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng điều trị một bệnh nhân 45 tuổi nguy kịch do nhiễm liên cầu lợn sau khi ăn thịt lợn, tiết canh. Lại có trường hợp đột ngột bị điếc sau 2 ngày ăn lòng lợn, tiết canh. 

Các bác sĩ cho biết người dân một số nơi có thói quen ăn tiết canh vì cho rằng món ăn này "vừa mát vừa bổ", thậm chí thường ăn vào dịp đầu tháng, đầu năm vì cho rằng "đỏ cho may mắn". Ngoài ra, những món ăn tái, sống cũng được ưa thích, trong khi tiết canh hay những món này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nhiễm liên cầu lợn, nhiều ca đến viện khi đã nổi nhiều ban xuất huyết, da tím đen toàn thân. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong với nhóm bệnh này rất cao.