Nhiều trường hợp ngộ độc và một người tử vong sau khi ăn hamburger của McDonald's Ảnh: McDonald's.

Một tháng trước, Clarissa DeBock đổ bệnh vì đau bụng, tiêu chảy và buồn nôn - nhưng đó không phải là chứng đau dạ dày thông thường.

5 ngày trước đó, cô ăn trưa tại cửa hàng McDonald's tại North Platte, Nebraska. Món bánh mì Quarter Pounder mà cô ăn ngày hôm đó không có gì khác lạ về hình dáng và mùi vị.

Nhưng các triệu chứng về đường tiêu hóa đã khiến DeBock phải nhập viện cấp cứu vào ngày 25/9 và cô ấy có kết quả xét nghiệm dương tính với chủng E. coli có tên là O157:H7 - loại có liên quan đến đợt bùng phát mà Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã phát cảnh báo 22/10.

Lo ngại đổ dồn về chiếc hamburger Quarter Pounder

Cuộc điều tra của CDC về đợt bùng phát vi khuẩn E. coli liên quan đến Quarter Pounder cho đến nay xác định được 75 người trên 13 tiểu bang từ ngày 27/9 đến ngày 11/10. 22 người đã phải nhập viện và 2 người có tình trạng nghiêm trọng do vi khuẩn, có thể dẫn đến suy thận.

Tất cả 42 người được phỏng vấn trong quá trình điều tra về đợt bùng phát dịch bệnh đều cho biết đã ăn tại McDonald's trước khi phát bệnh và hầu hết đều đề cập đến việc ăn một chiếc hamburger Quarter Pounder.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ cho biết hành tây thái lát hoặc miếng thịt bò trên bánh mì kẹp thịt Quarter Pounder có thể là nguồn gây ô nhiễm. FDA cho biết hành tây thái hạt lựu và các loại thịt bò viên khác được sử dụng tại McDonald's không liên quan đến đợt bùng phát này.

Hai nạn nhân đã đâm đơn kiện

Theo NBC, DeBock, 33 tuổi, nhân viên lễ tân tại một trung tâm phẫu thuật, cho rằng căn bệnh của cô là do bữa ăn của McDonald's.

"Điều đó thật đáng sợ chỉ vì bạn tin tưởng họ là nơi cung cấp đồ ăn nhanh và bạn đặt niềm tin vào việc họ cung cấp thực phẩm an toàn", cô nói.

Clarissa DeBock là người thứ hai kiện McDonald's khi cho rằng bị ngộ độc do ăn bánh mì kẹp thịt Quarter Pounder tại cửa hàng này. Ảnh: NBC.

DeBock gần như đã bình phục và rất biết ơn vì con trai cô, Kai, không bị bệnh. Cậu bé gần 2 tuổi và DeBock cho biết cô thường chia sẻ đồ ăn của mình với con nhưng nhưng bữa trưa hôm đó thì không.

DeBock cho biết cô rất lo lắng khi gọi đồ ăn từ bất kỳ nhà hàng nào kể từ khi bị bệnh, đặc biệt là với con trai.

DeBock đã kiện McDonald’s vào ngày 24/10, yêu cầu bồi thường vì mất tiền lương, hóa đơn y tế cũng như những đau khổ về thể chất và tinh thần. Đây là vụ kiện thứ hai liên quan đến đợt bùng phát. Trước đó, một người đàn ông Colorado đã đâm đơn kiện cửa hàng thức ăn nhanh này vào 23/10.

Các nguyên đơn trong hai vụ kiện đều được đại diện bởi Ron Simon, đối tác quản lý của Ron Simon & Associates, một công ty luật về an toàn thực phẩm.

Simon cho biết ông đại diện cho tổng cộng 15 người - nam và nữ từ 20 đến 60 tuổi - những người cho rằng bệnh của họ là do đợt bùng phát này, mặc dù ông ấy vẫn chưa đệ đơn kiện thay mặt cho những người khác.

Ông cho biết một khách hàng đã bị nhiễm trùng huyết và phải nằm viện hơn một tuần. "Khi bạn đến một nhà hàng, bạn tin tưởng rằng nhà hàng đó đã làm mọi thứ họ có thể làm để đảm bảo an toàn cho bạn, nhưng trong trường hợp này, McDonald’s đã vi phạm niềm tin đó. Tôi nghĩ rằng sẽ mất nhiều thời gian trước khi họ lấy lại được niềm tin", Simon cho biết.

E. coli có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe của nạn nhân như viêm đường ruột, tiêu chảy ra máu, nhiễm trùng, suy thận... Ảnh: Freepik.

Động thái từ McDonald's

Một phát ngôn viên của McDonald’s ngày 23/10 cho biết một trong những nhà cung cấp của họ, Taylor Farms, đã cung cấp hành tây thái lát cho các địa điểm liên quan đến vụ dịch. Taylor Farms đã bắt đầu thu hồi 4 sản phẩm hành sống do "có khả năng bị nhiễm khuẩn E. coli".

Công ty dịch vụ thực phẩm Sysco cho biết họ đã liên lạc với khách hàng về việc thu hồi hành và tiếp tục theo dõi tình hình. Người phát ngôn của Taylor Farms cho biết họ không tìm thấy dấu vết của vi khuẩn E. coli trong những lần kiểm tra hành sống hoặc hành thành phẩm.

Tuyên bố của công ty này cho biết: "Trước đây, chúng tôi chưa bao giờ thấy vi khuẩn E. coli O157:H7 liên quan đến hành tây. Chúng tôi tiếp tục hợp tác chặt chẽ với FDA và CDC trong cuộc điều tra đang diễn ra này. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là sức khỏe và sự lành mạnh của khách hàng và người tiêu dùng cũng như sự an toàn và chất lượng của sản phẩm".

Một số chuỗi thức ăn nhanh lớn khác đã loại bỏ hành tươi khỏi thực đơn tại nhiều cửa hàng.

Nếu hành sống thực sự là thủ phạm đằng sau đợt bùng phát vi khuẩn E. coli, đây sẽ là lần đầu tiên chúng được biết là bị nhiễm chủng đặc biệt này. Các đợt bùng phát trước đây có liên quan đến rau xanh, rau mầm, thịt bò và pho mát làm từ sữa chưa tiệt trùng.

Joe Erlinger, chủ tịch của McDonald's Mỹ, nói với chương trình "TODAY" của NBC hôm 23/10 rằng công ty muốn lấy lại niềm tin của mọi người, đồng thời cho biết việc ăn uống tại các nhà hàng McDonald's vẫn an toàn.

Darin Detwiler, Giáo sư về chính sách quản lý thực phẩm tại Đại học Northeastern, cho biết các nhà hàng và chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh phải chịu trách nhiệm về những gì họ phục vụ cho khách hàng, ngay cả khi tình trạng ngộ độc không xảy ra tại chỗ.

Theo Giáo sư Detwiler, nếu hành tây có chứa vi khuẩn E. coli, sự ô nhiễm có thể được xác định bằng cách kiểm tra đầy đủ trên hành trình từ trang trại đến nhà hàng.

"McDonald's họ không bao giờ có thể nói rằng họ không có trách nhiệm gì, bởi vì lẽ ra họ phải kiểm tra trước khi nó được nhượng quyền thương mại. Đó là tên của họ trên sản phẩm. Nó đi qua nhà bếp của họ", ông Detwiler nhấn mạnh.