Như Báo Giao thông đưa tin, khoảng 4h sáng ngày 14/2, tại nút giao đường ven viển 129 - ĐT619 (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) xảy ra vụ TNGT thảm khốc giữa xe khách và xe đầu kéo khiến 10 người chết, 11 người bị thương.

Hiện trường vụ TNGT 10 người chết ở Quảng Nam rạng sáng 14/2

Theo tìm hiểu của PV, dự án đường Võ Chí Công (đường ven biển 129 Quảng Nam) từ dốc Diên Hồng đến nút giao ĐT620 (xã Tam Quang, huyện Núi Thành) dài 26,5km được khởi công cuối năm 2018, do Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông Quảng Nam làm chủ đầu tư.


Đoạn này thông xe kỹ thuật vào tháng 10/2020, nhưng một số hạng mục chưa hoàn thiện nên chưa bàn giao cho Sở GTVT quản lý. Dù vậy, UBND tỉnh Quảng Nam vẫn cho phép phương tiện lưu thông trên tuyến.

Theo đó, ngày 12/1/2023, công văn số 229/UBND-KTN của UBND tỉnh Quảng Nam do ông Nguyễn Hồng Quang - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký nêu rõ việc tổ chức giao thông trên đường ven biển ĐT603B và ĐT619 (đường Võ Chí Công).

Cụ thể, giải pháp tổ chức giao thông trên tuyến hiện nay nhằm tập trung ưu tiên cho phát triển du lịch và dân sinh.

Trong đó, dọc tuyến đường ven biển này cấm xe kéo sơ-mi-rơ-moóc, xe sơ-mi-rơ-moóc và xe tải 5 tấn trở lên lưu thông (trừ những xe phục vụ thi công các công trình dọc tuyến và các dự án 2 bên tuyến mà không có lối đi khác).

Ngoài danh mục nêu trên, các phương tiện khác lưu thông bình thường.

Đến ngày 3/2/2023, ông Nguyễn Hồng Quang tiếp tục ký văn bản cho phép phương tiện có tải trọng trên 5 tấn vận chuyển xăng, dầu, gas lưu thông trên tuyến ĐT603B và ĐT619 (đường Võ Chí Công) để cung ứng xăng, dầu, gas phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong khu vực.

Đường Võ Chí Công chưa được bàn giao cho cơ quan chức năng quản lý, phương tiện 2 chiều chạy chung trên 1 phần đường, tiềm ẩn nguy cơ TNGT

Ghi nhận của PV, nhiều vị trí trên tuyến còn thi công dang dở, hệ thống biển báo chắp vá nhiều nơi. Dù trên tuyến được lắp một số biển cấm xe tải, xe khách nhưng vẫn có nhiều phương tiện cố ý vi phạm.

Hậu quả là rạng sáng 14/2 đã xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng nêu trên. Cơ quan chức năng xác định xe khách gặp nạn đã đi vào đường cấm, chạy quá tốc độ.

Còn nhớ, cuối năm 2019, khi đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn – Túy Loan (nối tỉnh Thừa Thiên Huế và TP.Đà Nẵng) đang thi công dang dở, chưa được bàn giao thì hàng loạt xe tải, xe khách chạy vào tuyến để “né” trạm thu phí, tránh CSGT.

Thời điểm đó, chủ đầu tư dự án đã phải dùng chướng ngại vật để chặn đường, cử lực lượng chốt trực ngăn xe chạy vào tuyến La Sơn - Túy Loan do đường chưa có đầy đủ hệ thống ATGT cũng như lực lượng chức năng làm nhiệm vụ lo ngại xảy ra TNGT.

Trở lại câu chuyện đường ven biển Võ Chí Công, từ địa phận huyện Thăng Bình về hướng Nam vẫn còn nhiều đoạn dang dở.

Nhiều xe khách đi vào đường cấm trên tuyến Võ Chí Công, Quảng Nam

Theo thiết kế, tuyến đường được phân chia thành 2 chiều xe chạy với dải phân cách giữa. Nhưng hiện nay nhiều đoạn mới thi công xong 1 bên. Mỗi ngày hàng trăm lượt ô tô, xe tải (2 chiều) chạy chung một bên đường.

Cũng do chạy chung một phần đường, trên tuyến chưa có hệ thống camera giám sát cũng như lực lượng CSGT làm nhiệm vụ nên việc xe chạy lấn làn, vượt ẩu, vi phạm tốc độ diễn ra phổ biến.

Về góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Sương (Công ty Luật FDVN, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) phân tích, theo Điều 51 Thông tư 50/2015/TT-BGTVT thì chủ đầu tư có trách nhiệm bảo đảm giao thông, ATGT đến khi công trình được nghiệm thu, bàn giao cho đơn vị quản lý tuyến đường.

Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam cho hay, hệ thống ATGT trên tuyến đường Võ Chí Công đảm bảo, việc tổ chức thông xe đã được UBND tỉnh thống nhất chủ trương tại Công văn 701/UBND-KTN ngày 28/1/2022.

Ngày 22/2, PV Báo Giao thông liên hệ với ông Nguyễn Hồng Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị phỏng vấn về các vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh trong tuần qua (ngày 14/2 và 21/2).

Tuy nhiên, ông Quang không tiếp nhận phỏng vấn và cho biết, thứ 2 tuần tới sẽ có cuộc họp chung giữa Ủy ban ATGT Quốc gia và Cục CSGT tại Quảng Nam.