Ảnh minh họa
 
Theo đó, bệnh nhân 161 là cụ bà 88 tuổi, quê Hưng Yên. Bệnh nhân mắc COVID-19 sau thời gian điều trị xuất huyết não tại khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai (BN 161)

Bệnh nhân được chuyển từ khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai sang khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2) hôm 25/3, với chẩn đoán chảy máu não thất, phát hiện tăng huyết áp 2 tuần, chụp CT phổi có tổn thương phổi trái.

3 ngày sau khi nhập viện, tới ngày 28/3, bệnh nhân có xu hướng tổn thương phổi tăng hơn. Tới ngày 2/4, nữ bệnh nhân này phải thở ô xy, sau đó mở nội khí quản và chuyển lên khoa Hồi sức tích cực. Sau đó bệnh nhân được chỉ định thở máy.

Đến nay, bệnh nhân COVID-19 nhiều tuổi nhất Việt Nam này đã trải qua khoảng 30 ngày phải thở máy, điều trị hồi sức tích cực. Ngoài bệnh nền là xuất huyết não, liệt cứng nửa người trái, bệnh nhân còn phát hiện bị tăng huyết áp.

Hiện bệnh nhân còn thở máy qua ống mở khí quản, thông khí 2 bên rõ, phổi tiến triển tốt, ngày qua, bác sĩ tiếp tục cho bệnh nhân tập tự thở qua máy; Tim mạch bình thường, huyết áp bình thường; Gọi hỏi bệnh nhân có giao tiếp chậm.

Dù không có biểu hiện xuất huyết nhưng chỉ điểm đông máu của bệnh nhân còn cao hơn mức bình thường, chỉ điểm nhiễm trùng tăng nhẹ nhưng có giảm hơn so với ngày hôm trước.

Trong cuộc Hội chẩn quốc gia đối với các bệnh nhân nặng mới đây nhất, các chuyên gia hàng đầu về Hồi sức tích cực, cấp cứu, truyền nhiễm... đánh giá bệnh nhân tiên lượng nặng, thống nhất với điều trị hiện tại. Đồng thời, các chuyên gia đề nghị cấy virus nếu kết quả âm tính có thể chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Bạch Mai để điều trị tiếp phục hồi tai biến mạch máu não.

Cập nhật đến chiều ngày 1/5, kết quả xét nghiệm của bệnh nhân 161 đã âm tính với virus SARS-CoV-2.