Theo thông tin từ Vietnam+ (VietnamPlus), theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng 21/7, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 2 năm 2024.

Lúc 7 giờ ngày 21/7, vị trí tâm bão số 2 ở vào khoảng 16,4 độ Vĩ Bắc; 111,4 độ Kinh Đông, trên vùng biển Hoàng Sa.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74 km/giờ), giật cấp 10, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 10-15 km/giờ.

Khoảng 7 giờ ngày 22/7, vị trí tâm bão số 2 ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển trên đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74 km/giờ), giật cấp 10, di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ 10-15 km/giờ.

Hướng đi của cơn bão số 2, sáng 21/7 - Ảnh: TTXVN

Khoảng 7 giờ ngày 23/7, vị trí tâm bão số 2 ở vào khoảng 15,0 độ Vĩ Bắc; 108,0-113,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm Hoàng Sa), vùng biển phía Đông khu vực Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74 km/giờ), giật cấp 10, di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ 10 km/giờ đi vào vịnh Bắc Bộ và suy yếu dần.

Trên biển, vùng biển phía Tây khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển Hoàng Sa), vùng biển phía Đông khu vực Quảng Trị-Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh. Sóng biển cao 2-4m, vùng gần tâm bão 3-5m.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông tin hiện mực nước trên các sông suối vùng thượng lưu hệ thống sông Đồng Nai ở mức khá cao, có nguy cơ gây ngập lụt các khu vực trũng thấp ven sông suối, ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp tại các sông suối, bãi sông, bờ suối.

Do đó, người dân cần đề phòng khả năng mưa lớn kết hợp với lũ gây ngập lụt, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng thấp tại địa bàn các huyện Tân Phú, Định Quán thuộc tỉnh Đồng Nai và các địa bàn lân cận. Độ rủi ro thiên tai do lũ cấp 2.

Hiện trường vụ sạt lở đất khiến 2 người thương vong ở Lâm Đồng vào chiều 20/7 - Ảnh: Báo Tiền Phong

Theo thông tin từ báo Tiền Phong, đêm nay, khu vực phía Tây Bắc Bộ mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, một số nơi trên 60mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp, đô thị. Trong mưa dông khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Trước tình hình trên, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh, thành phố ở Tây Nguyên và Nam Bộ theo dõi diễn biến và cảnh báo thiên tai, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận tiếp tục quản lý chặt phương tiện ra khơi, bằng mọi biện pháp yêu cầu tàu thuyền thoát hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Từ 16h hôm qua, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu thủy điện Tuyên Quang đóng 1 cửa xả đáy. Tuy nhiên, thủy điện Hòa Bình vẫn đang xả lũ, do đó các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình cần tăng cường công tác tuần tra canh gác, đảm bảo an toàn đê điều.

Các tỉnh Hoà Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên cần triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hạ du.