Dự kiến năm 2023 có 19 ngày nghỉ lễ, Tết

Dự kiến năm 2023 có 19 ngày nghỉ lễ, Tết

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa trình Chính phủ đề xuất phương án nghỉ Tết Âm lịch và Quốc khánh 2/9 năm 2023, trên cơ sở tổng hợp góp ý từ các cơ quan, bộ ngành.

Theo đó, dịp Tết Quý Mão dự kiến nghỉ 7 ngày, kéo dài từ 29 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão (20- 26/1/2023). Lịch nghỉ gồm ba ngày trước Tết, hai ngày sau và hai ngày nghỉ hàng tuần.

Dịp Quốc khánh dự kiến nghỉ 4 ngày, từ 1 - 4/9/2023. Các bộ ngành thống nhất chọn nghỉ trước Quốc khánh 2/9 bởi nếu nghỉ sau sẽ trùng với ngày khai giảng.

3 kỳ nghỉ còn lại sẽ được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động 2019.

Cụ thể, dịp Tết Dương lịch nghỉ ba ngày (31/12/2022-2/1/2023). Do ngày 1/1/2023 rơi vào Chủ nhật, công chức, người lao động sẽ được nghỉ bù vào thứ hai của tuần kế tiếp.

Như vậy, nếu làm việc theo chế độ nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật, lịch nghỉ Tết Dương lịch 2023 sẽ kéo dài từ 31/12/2022 đến hết ngày 2/1/2023, tức nghỉ 3 ngày.

Trường hợp làm việc theo chế độ nghỉ 1 ngày/tuần là ngày Chủ nhật, lịch nghỉ Tết Dương lịch 2023 của người lao động từ 1/1/2023 đến hết ngày 2/1/2023, tức kéo dài 2 ngày.

Tương tự, Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch) và Ngày thống nhất 30/4 - Quốc tế lao động 1/5 liền kề nhau, rơi vào cuối tuần nên công chức, người lao động sẽ được nghỉ bù vào ngày làm việc của tuần kế tiếp. Kỳ nghỉ sẽ kéo dài 5 ngày, từ 29/4 đến hết 3/5, hoặc 4 ngày trong trường hợp làm việc theo chế độ nghỉ 1 ngày/tuần.

Lịch nghỉ trên áp dụng cho công chức, viên chức, song Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khuyến khích doanh nghiệp áp dụng cho người lao động và báo trước ít nhất 30 ngày.

Người lao động nếu làm thêm giờ, làm việc ban đêm vào kỳ nghỉ lễ, Tết hưởng lương ít nhất bằng 300%. Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài 11 ngày nghỉ trên còn được nghỉ thêm một ngày Tết cổ truyền và một ngày Quốc khánh của nước họ.

Làm gì để sống sót trong "thảm họa" giẫm đạp như ở Itaewon?

Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn

Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, một đám đông gọi là nguy hiểm khi có bất kì dấu hiệu nào sau đây, nên cần phải tránh xa hoặc thoát ra ngay lập tức nếu không muốn bị mất mạng. Đó là không có sự tổ chức; nhiều hơn 4 người trên 1 m2; cảm thấy có những người khác ép vào mình.

Khi bước vào một đám đông, điều quan trọng là phải quan sát lối thoát, đánh giá sự an toàn. Trường hợp đang ở trong đám đông nguy hiểm, thì cần phải nắm được một số nguyên tắc căn bản, để bảo vệ bản thân mình an toàn. Đó là không di chuyển ngược chiều đám đông bởi rất dễ bị xô ngã xuống đất, khi đó sẽ bị giẫm đạp và có thể bị chấn thương nguy hiểm.

Ngoài ra, luôn giữ cho đôi chân của mình thật vững. Thấy đám đông nguy hiểm, thì dù có bị tuột giày dép, cũng không được nhấc một chân lên hoặc cúi xuống để buộc dây, vì làm như vậy sẽ bị xô ngã. Khi đám đông tiến về phía mình thì phải tránh xa. Nhưng không được chạy, vì chạy dễ bị vấp ngã.

Theo bác sĩ Phúc, việc di chuyển trong đám đông nguy hiểm cần giảm lực tác động. Cụ thể, có trên 2 người di chuyển ngược hướng áp sát mình, thì ngay lập tức xoay ngang người, đưa tay phía trước ép ngang ngực vuông góc, căn chỉnh khuỷu tay hướng phía trước. Làm như vậy sẽ giúp giảm diện tích tiếp xúc cơ thể, khuỷu tay giữ khoảng cách giữa mọi người và phân tán tác động của dòng người sang hai bên, chống lại lực đẩy của đám đông, bảo vệ khoang ngực, giảm áp lực, giảm căng thẳng bề mặt cơ thể, tránh bị xô ngã một cách hiệu quả.

Một trong những điều cần làm khi ở trong đám đông nguy hiểm, theo bác sĩ Phúc, đó là tạo khung xương khi bị xô ngã mà không đứng dậy được. Các nghiên cứu cho thấy những trường hợp tử vong rất hiếm khi bị gãy xương sườn và xương khác.

Điều này có nghĩa rằng cơ thể con người có khung xương khá chắc, khi bị ngã cần biết cách bảo vệ bản thân khi bị đám đông giẫm đạp.

Cụ thể, ngay sau khi ngã không thể đứng dậy được, cần nhanh chóng thu mình lại giống như thai nhi trong bụng mẹ, xoay người nằm nghiêng, hai tay ôm lấy đầu, đùi gấp vào bụng ngực, hai cẳng chân áp sát vào đùi. Lưu ý, khuỷu tay và đầu gối chạm nhau, tạo thành một tam giác để có không khí thở, đồng thời tam giác cơ thể cũng tạo nên sự vững chắc bảo vệ nội tạng. Nếu ở sát tường là tốt nhất, nhưng trong tình huống đó thì thay vì nằm nghiêng hãy quỳ phủ phục sẽ an toàn hơn vì có nhiều hơn các tam giác khung xương bảo vệ bản thân. Trường hợp không quỳ được thì giữ tư thế nằm nghiêng nhưng quay mặt vào tường.

Tổ chức lễ viếng cô gái Việt thiệt mạng ở Itaewon

Người dân Hàn Quốc đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa giẫm đạp ở Itaewon

Sáng 31/10, lễ viếng công dân Việt Nam thiệt mạng trong thảm họa giẫm đạp tại Itaewon, trung tâm thủ đô Seoul của Hàn Quốc, được tổ chức tại nhà tang lễ Bệnh viện Bucheon thuộc Đại học Soonchunhyang. Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin đã gửi vòng hoa đến viếng.

Theo TTXVN , thay mặt Đại sứ quán Việt Nam, Tham tán Công sứ Nguyễn Việt Anh đã tới viếng và chia buồn với gia quyến nạn nhân. Theo nguyện vọng của gia đình nạn nhân, thi hài của cô gái sinh năm 2001 sẽ được đưa về Việt Nam để an táng tại quê nhà.

Hà Nội yêu cầu thông báo sớm mức thưởng Tết 2023

Chương trình hỗ trợ xe đưa công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Hà Nội về quê đón Tết 2022. Ảnh: PV

Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 với phương châm "tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết".

Nội dung hoạt động chăm lo Tết 2023 gồm 10 nội dung, trong đó có tổ chức thăm hỏi, tặng quà đối với đoàn viên, người lao động, quan tâm đặc biệt tới trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ốm đau dài ngày hoặc bị mắc bệnh hiểm nghèo, thiếu, mất việc làm, bị thiên tai, bão lũ; chăm lo về chế độ phúc lợi, tiền lương, tiền thưởng dịp Tết .

"Công đoàn chủ động tham gia với các cơ quan chức năng nắm chắc tình hình, kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể về chế độ tiền lương, thưởng trong dịp Tết. Kịp thời có giải giải pháp đảm bảo quyền lợi của người lao động ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, nợ lương, không có khả năng trả thưởng, chủ bỏ trốn hoặc giải thể, phá sản", kế hoạch nêu.

Người đàn ông cản đường vì cho rằng còi xe cấp cứu làm ồn

Người đàn ông chửi bới và yêu cầu tài xế tắt còi hú. Ảnh: A.C.

Ngày 31/10, một đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh một người đàn ông chạy xe máy lạng lách trước xe cứu thương, không cho phương tiện này vượt qua.

Khi tài xế dừng phương tiện, ông này tiếp cận đập cửa, chửi bới vì để xe cứu thương hú còi.

Qua xác minh, vụ việc xảy ra tại tuyến đường ở xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, Bình Dương.

Anh N.C.C. (tài xế xe cứu thương) cho biết trưa 12/10, có một bệnh nhân ở xã An Linh (huyện Phú Giáo) cần đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương nên anh đã lái xe, bật còi hú đi đón.

Khi đến khu vực xã Vĩnh Hòa, anh bị một người đàn ông đi xe máy cản đường, yêu cầu tắt còi.

"Do cần đến nhanh để chở bệnh nhân đi cấp cứu, tôi bật còi ưu tiên để qua các ngã 3, ngã 4 cảnh báo các phương tiện khác. Sau khi đập xe, chửi bới, người đàn ông mới rời đi", tài xế C. cho biết.

Đại diện Công an huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương cho biết đã nắm được vụ việc người đàn ông cản trở xe cứu thương và đang cho lực lượng xác minh, làm rõ.

Cứu con khỉ quý hiếm bị điện giật bất tỉnh ở TP.HCM

Ngày 30/10, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận một cá thể khỉ đuôi dài bị điện giật bất tỉnh được người dân bàn giao.

Ảnh minh họa: Internet

Khoảng 15h ngày 29/10, ông Nguyễn Thanh Tuấn (40 tuổi, ngụ xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) đang ở trong nhà thì nghe tiếng nổ.

Ra kiểm tra, ông Tuấn phát hiện một con khỉ bị điện giật bất tỉnh nằm trên trụ điện. Ông Tuấn cùng một số người dùng cây đưa con khỉ xuống đất. Một lúc sau, con vật tỉnh lại.

Ông Tuấn đã nhờ công an địa phương trình báo lực lượng kiểm lâm và bàn giao, đưa về Trạm cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi.

Một cán bộ Chi cục Kiểm lâm TP.HCM cho biết đây là cá thể khỉ đực đuôi dài, nặng khoảng 10 kg, có tên khoa học là Macaca fascicularis. Con vật thuộc nhóm IIB trong danh mục động vật rừng nguy cấp quý hiếm. "Hiện con khỉ đã tỉnh lại, sức khỏe ổn định và ăn được", vị này nói.