Tiết lộ nội dung công văn khẩn của Đồng Tháp sau vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông sâu 35m
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, vẫn còn một số chủ đầu tư và nhà thầu chưa quan tâm đúng mức, còn sự chủ quan trong công tác quản lý, giám sát an toàn lao động và vệ sinh môi trường khu vực thi công. Việc tổ chức kiểm tra, đánh giá các điều kiện an toàn, ổn định của công trình chưa chặt chẽ, đồng bộ dẫn đến thiếu an toàn trong thi công.
Để tăng cường công tác an toàn lao động, UBND Tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị là chủ đầu tư công trình xây dựng, các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng công trình và các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thi công xây dựng trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các quy định về an toàn lao động.
Đồng thời, chủ động tự kiểm tra, kịp thời phát hiện, khắc phục ngay những tồn tại, thiếu sót tại cơ quan, đơn vị mình.
Đối với chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình xây dựng, UBND tỉnh yêu cầu phải thực hiện đầy đủ các trách nhiệm về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình theo quy định.
Chủ sở hữu công trình xây dựng cần rà soát công tác tổ chức thi công. Từ đó, kịp thời chấn chỉnh và chỉ đạo các nhà thầu (tư vấn giám sát, thiết kế, thi công xây dựng) thực hiện đầy đủ các trách nhiệm về công tác đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.
UBND tỉnh giao Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị khẩn trương yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu tổng rà soát, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, quy trình từ khâu thiết kế, thi công và giám sát thi công công trình; bảo đảm các điều kiện an toàn, vệ sinh lao động, hạn chế thấp nhất các yếu tố gây nguy hiểm đến tính mạng, gây hại đến sức khỏe người lao động và nhân dân.
Đối với các nhà thầu thi công xây dựng, phải thực hiện đầy đủ các trách nhiệm về quản lý an toàn trong thi công xây dựng công trình theo quy định.
Trong đó, tổ chức lập kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động trước khi thi công xây dựng công trình; tổ chức lập biện pháp thi công riêng, chi tiết đối với các công việc đặc thù, có nguy cơ mất an toàn lao động cao được quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia an toàn trong xây dựng.
Chỉ đưa các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động vào sử dụng tại công trường sau khi đã được kiểm định đảm bảo an toàn. Dừng thi công xây dựng khi phát hiện nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động và có biện pháp khắc phục để đảm bảo an toàn trước khi tiếp tục thi công...
Trước đó, trưa ngày 31/12/2022, em Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) cùng ba người bạn vào công trình cầu Rọc Sen (nằm trên đường tỉnh 857, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp). Không may, Nam rơi xuống trụ bê tông rỗng bên trong có đường kính 25cm. Trụ bê tông này đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m.
Ngay sau khi nhận tin báo, lực lượng chức năng của địa phương đã có mặt cùng phối hợp cứu hộ.
Đến tối ngày 4/1, ông Đoàn Tấn Bửu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thông tin, sau khi trao đổi với cơ quan pháp y và gia đình, đơn vị cứu nạn kết luận bé Thái Lý Hạo Nam đã tử vong.
Trong 6 ngày qua, lực lượng cứu hộ đã triển khai nhiều phương án nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa được bé Hạo Nam lên.
Trao đổi với báo chí, ông Đoàn Tấn Bửu cho biết, các chuyên gia vẫn tiếp tục khảo sát, bàn thảo để thống nhất phương án cứu hộ tối ưu nhằm kéo ống cọc bê tông có bé Thái Lý Hạo Nam lên.
Đặc biệt, trong chiều ngày 5/1, một đoàn chuyên gia Nhật Bản đã trực tiếp đến hiện trường, thảo luận ý kiến cùng lực lượng công binh Quân khu 9.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp, đoàn chuyên gia Nhật Bản đưa ra phương án khả thi, tuy nhiên ở hiện trường chưa đủ thiết bị và điều kiện với yêu cầu đoàn đưa ra. Đội cứu hộ đang thi công trong điều kiện tầng đất sâu, có tính chất đặc dính. Dù trải qua nhiều lần khoan guồng xoắn và bơm thủy lực vào đất, nhưng công tác cứu hộ vẫn chưa đạt yêu cầu.
"Đội phải thay đổi phương án bằng việc thảo luận thêm với các chuyên gia được mời đến hiện trường. Do đó, công tác cứu hộ cũng chậm trễ so với dự kiến", Zing dẫn lời ông Bửu.
Công trình cầu Rọc Sen - nơi xảy ra vụ việc thuộc gói thầu số 14 thi công cầu, nền, mặt đường và cống thoát nước do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư.
Nhà thầu thi công là Liên danh Công ty Cổ phần Công trình cầu phà TP. HCM - Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Vận tải Xây dựng giao thông T&T. Viện Khoa học Công nghệ Giao thông Vận tải làm đơn vị giám sát.
Tại thời điểm xảy ra sự cố, công trường ngừng làm việc và nhân công đang nghỉ trưa. Trước thời điểm đó, công trình vẫn hoạt động thi công bình thường theo đúng hồ sơ thiết kế và biện pháp thi công được duyệt.
WAFT - Giáo dục tận gốc là giáo dục nhận thức
Ngày 23/11/2024 WAFT đã được ra đời với 2 thương hiệu WATF Human Capital và WATF Media. Triết lý giáo...
Bé gái sơ sinh bị bỏ trong túi bóng đặt trước cửa bệnh viện ở Hà Nội, tím tái toàn...
Trẻ bị bỏ vào túi bóng đặt tại cửa khoa cấp cứu của bệnh viện trong tình trạng tím tái...
Dự báo thời tiết hôm nay 24/11: Miền Bắc đón không khí lạnh mạnh, miền Trung mưa liên tiếp
Dự báo thời tiết hôm nay ngày 24/11/2024 chi tiết các khu vực trên cả nước như sau.
Xuất hiện chuỗi bão và áp thấp nhiệt đới dồn dập, Biển Đông nguy cơ “bão chồng bão” cuối tháng...
Áp thấp gần Biển Đông đầu tiên có khả năng hình thành ở khu vực dự báo TCAD của PAGASA. Áp...