Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khi chỉ số tia UV từ mức 11 trở lên thì có nguy cơ làm bỏng da nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời khoảng 10 phút mà không được bảo vệ.

Bức xạ tia UV và các bức xạ khác có trong ánh sáng mặt trời rất nguy hại, có thể gây nên một số bệnh về da như sạm da, lão hóa da, bỏng nắng, ung thư da… và các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể, thoái hóa hoàng điểm...

Bảng đo chỉ số tia cực tím (UV) tại TP.HCM của Weather Online - Ảnh chụp màn hình

Trước tình trạng này, BS Lê Đức Thọ - chuyên khoa da liễu - khuyến cáo người dân cần hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp dưới mặt trời trong thời gian từ 11h -15h.

Nếu buộc ra ngoài, cần bảo vệ da bằng cách thoa kem chống nắng, mang kính râm, đội mũ rộng vành, mặc quần áo dài tay che kín toàn thân...

Riêng trẻ em cần được chú ý bảo vệ phòng chống tác hại của tia UV hơn người trưởng thành để hạn chế tích lũy lâu dài của các nguy cơ phơi nhiễm UV trong mùa nắng.

Người dân hạn chế đi ra ngoài đường khi không cần thiết - Ảnh: X.M.

Để phòng tránh mắc bệnh mùa nắng nóng, BS.CKII Lương Hoàng Liêm - trưởng phòng kế hoạch Bệnh viện quận Thủ Đức - khuyến cáo người dân cần bổ sung nước cho cơ thể và nên chia ra uống đều đặn, tránh uống nước dồn dập khi thấy khát.

Đồng thời cần chú ý đến các phương pháp giải nhiệt hằng ngày như dùng quạt gió, điều hòa vì nếu lạm dụng hoặc sử dụng vượt mức độ khuyến cáo có thể gây viêm họng, nhiễm lạnh...