Các hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến ở Việt Nam
Thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong 6 tháng đầu năm 2023, số vụ lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đã tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022.

Cục An toàn thông tin vừa đưa ra các hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến hiện nay và một số lưu ý với người dùng để tránh trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo như sau:

Thông báo "sai dữ liệu dân cư" để lừa đảo, đánh cắp dữ liệu cá nhân
Các đối tượng liên tục gọi điện, giả danh nhân viên, cán bộ làm việc tại UBND phường, quận, thông báo với nạn nhân rằng dữ liệu cá nhân bị sai, đề nghị ra UBND để chỉnh sửa; yêu cầu cung cấp thông tin chứng minh nhân dân, thúc giục đi làm căn cước công dân... Thủ đoạn của các đối tượng nhằm chiếm đoạt thông tin cá nhân của người dùng để phục vụ vào mục đích xấu.

Người dùng điện thoại nên chú ý các cuộc gọi, tin nhắn từ số máy lạ, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng.

Lừa đảo kích hoạt, tích hợp sổ đỏ và ứng dụng VneID
Lợi dụng việc chưa nắm bắt đầy đủ các thông tin liên quan đến việc cài đặt ứng dụng VNeID của người dân, thời gian qua, các đối tượng lừa đảo đã liên tục gọi điện, sau đó gửi đường link qua các trang mạng xã hội yêu cầu người dân truy cập và cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo có giao diện giống với ứng dụng VNeID thật.

Cho vay tiền online, giải ngân nhanh chóng
Cụ thể, các đối tượng lừa đảo lợi dụng tình hình kinh tế khó khăn, đánh vào tâm lý cần tiền gấp của người dân để đẩy mạnh hình thức vay tiền online, giải ngân nhanh chóng với thủ tục đơn giản như: sử dụng thông tin mạo danh các công ty có thật tại Việt Nam, tạo lập website, ứng dụng, chạy quảng cáo thông qua các nền tảng mạng xã hội để chào mời cho vay tín chấp với lãi suất đặc biệt thấp.

Điều này khiến cho nhiều nạn nhân sập bẫy, vừa bị mất thông tin cá nhân, vừa bị mất tiền, gây ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị mạo danh.

Biên lai chuyển khoản giả trên mạng xã hội
Trong các nhóm, đối tượng sử dụng tài khoản ảo để đăng bài quảng cáo về dịch vụ làm giả biên lai chuyển tiền của hàng loạt các ngân hàng khác nhau, công khai số điện thoại ghim trên bài đăng để liên hệ làm việc qua các nền tảng Zalo hay Telegram; đăng tải những sản phẩm hoàn thiện để lấy uy tín cho bản thân…

Thủ đoạn yêu cầu mua hàng tích điểm để nhận phần thưởng
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ; cần nâng cao cảnh giác với những cuộc gọi từ người lạ, cảnh giác với những thông tin mà đối tượng lạ cung cấp.

Giả mạo ngân hàng yêu cầu đóng phí xác nhận số dư tài khoản
Người dùng bị dẫn dụ ký một biên bản cam kết mạo danh, trong đó ghi ngân hàng sẽ hoàn tất thủ tục và hoàn trả toàn bộ số tiền đang bị treo sau khi khách hàng nộp đủ số tiền tương đương 1% số tiền đang bị treo trên hệ thống. Nạn nhân có thể không biết vì sao tài khoản của mình được chuyển số tiền lớn nhưng vì lòng tham nên vẫn bị mắc lừa.

Lừa đảo bằng cách mời chào mở thẻ tín dụng online
Các đối tượng thường liên hệ khách hàng mời mở thẻ tín dụng online, mời nâng hạn mức thẻ tín dụng, mời rút tiền từ thẻ tín dụng, mời hỗ trợ đóng phí bảo hiểm thẻ tín dụng hoặc hoàn phí tham gia bảo hiểm.

Đối tượng sẽ mời kết bạn qua mạng xã hội để trao đổi trực tiếp, gửi và hối thúc khách hàng nhấn vào đường link giả mạo hoặc QR Code, yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân trên trang web giả mạo mà đối tượng lập ra.

Các hình thức lừa đảo trên không gian mạng ngày càng đa dạng và tinh vi.

Phát hiện số số điện thoại có dấu hiệu lừa đảo, cuộc gọi rác, nên làm gì?
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, kể từ ngày 1/3/2023, đầu số 156 sẽ được sử dụng chung để tiếp nhận các yêu cầu tra cứu thông tin tên miền và phản ánh cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo...

Bộ Thông tin và Truyền thông giao Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Cục Viễn thông, các doanh nghiệp viễn thông tiếp nhận và xử lý yêu cầu tra cứu thông tin tên miền bằng phương thức nhắn tin qua đầu số 156; thống nhất cách thức kết nối, trao đổi thông tin giữa hệ thống của doanh nghiệp và hệ thống của VNNIC; quy trình tiếp nhận, lưu trữ, chuyển tiếp, xử lý yêu cầu tra cứu thông tin tên miền bằng phương thức nhắn tin qua đầu số 156.

Đại diện Cục Viễn thông cũng đưa ra lời khuyên khi nhận được cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần bình tĩnh, thực hiện phản ánh tới đầu số 156 thông qua hai cách: Gửi tin nhắn hoặc gọi điện thoại tới đầu số 156 như sau:

Cách 1: Khách hàng gửi tin nhắn (miễn phí) tới đầu số 156, đối với tin nhắn rác, soạn tin theo cú pháp: S (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).

Đối với cuộc gọi có dấu hiệu gọi rác, khách hàng soạn tin theo cú pháp: V (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).

Đối với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, khách hàng soạn tin theo cú pháp: LD (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).

Đầu số 156 sẽ được sử dụng chung để tiếp nhận các yêu cầu tra cứu thông tin tên miền và phản ánh cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo...

Cách 2: Khách hàng gọi tới đầu số 156 (miễn phí) để cung cấp thông tin (về số điện thoại vừa thực hiện cuộc gọi có dấu hiệu thực hiện cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo; trích dẫn một số nội dung có liên quan...). Nội dung phản ánh theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng của các nhà mạng.

Từ đó, sẽ yêu cầu xác thực lại thông tin thuê bao, xử lý vi phạm nếu thông tin thuê bao không đúng quy định theo Điểm e, Khoản 7 Điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP (tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều, tiếp theo tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều nếu không thực hiện và tiếp theo là thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông).

Như vậy, khi nhận cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dùng có thể gọi tới đầu số 156 hoặc người dân cũng có thể gửi tin nhắn phản ánh cuộc gọi lừa đảo thông qua đầu số 156 để nhà mạng sẽ có biện pháp sàng lọc, xác minh, thông báo tới cơ quan quản lý nhà nước của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để có biện pháp xử lý kịp thời

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) khuyến cáo người dân cần cảnh giác, đề phòng các cuộc gọi từ số lạ, "dọa" khóa thuê bao.

Khi nhận được các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần lưu lại bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi) và phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý. Bên cạnh đó, người dân cần cung cấp bằng chứng tới cơ quan công an gần nhất để đề nghị xử lý vi phạm theo pháp luật.

Cơ quan công an khuyến cáo người dân tuyệt đối không làm theo bất kỳ yêu cầu nào của các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo như đã nói ở trên.