Theo thông tin từ VTC News, nữ bệnh nhân N.T.H. (25 tuổi, Hà Nội) cho biết, cô hốt hoảng khi bác sĩ tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương, chẩn đoán H. nhiễm sán dây bò và chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc điều trị sán dây trưởng thành, kết quả sau khi uống thuốc xổ đã thu lại con sán dây dài 6m. H. cho biết cô không có thói quen ăn thịt sống, thịt tái. Tuy nhiên, H. hay ăn phở bò tái và lẩu bò.

Sán dây bò dài 6m lấy ra từ cơ thể nữ bệnh nhân H. 25 tuổi - Ảnh: VTC News

Một trường hợp khác là bệnh nhân nam, T.M.T. (40 tuổi, Hải Phòng) đến khám do xuất hiện các triệu chứng đau bụng âm ỉ vùng quanh rốn kèm theo cảm giác khó chịu ở vùng hậu môn. Nam bệnh nhân cho biết, anh có thói quen hay ăn thịt tái vì có cảm giác thịt ngọt, ngon và bổ dưỡng hơn. Không riêng thịt bò mà thịt lợn khi luộc, anh T. thích ăn khi thịt còn giữ lại màu hồng bên trong.

Bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân các xét nghiệm và hướng dẫn lấy mẫu bệnh phẩm đốt sán. Kết quả, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm sán dây trưởng thành.

Dẫn tin từ báo Giáo dục & Thời đại, những người nhiễm sán dây bò là do thói quen ăn thịt bò có nhiễm nang sán chưa được nấu chín. Tương tự, người nhiễm sán dây lợn là do thói quen ăn thịt lợn chưa được nấu chín.

Chuyên gia phân tích, việc người dân ăn lẩu bò hoặc phở bò, nước lẩu không đủ sôi, thịt chưa chín kỹ cũng sẽ là nguyên nhân dẫn tới sán vào cơ thể. Các món bò tái cuốn lá cải, bò tái chanh… đều không tiêu diệt được sán bởi nước chanh sẽ không giúp diệt ấu trùng sán bên trong thịt.

Chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo, bệnh sán dây là một bệnh rất dễ mắc phải, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động do thói quen ăn uống. Đồng thời, để lại cảm giác ghê sợ, nặng nề, phiền toái khi mắc bệnh. Để phòng bệnh người dân không ăn thịt bò, trâu, lợn sống hoặc tái, không ăn thịt đã nhiễm sán và nên tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần.