Thực phẩm trong  “danh sách đen” của bà bầu

Chị Na (Q.12, TPHCM) tâm sự, bình thường chị rất thích ăn đu đủ xanh và đó cũng là món ăn được cả gia đình thưởng xuyên ăn vào mùa hè vì tính mát. Tuy nhiên, từ ngày chị có bầu, đu đủ lại nằm trong danh sách cấm vì theo mẹ chồng chị, đu đủ xanh kích thích co bóp tử cung sớm đẩy thai nhi ra ngoài, tăng nguy cơ gây sảy thai

Bên cạnh đó, chị cũng được mẹ chồng dặn phải kiêng khem cả rau ngót. Chị cho biết, theo kinh nghiệm dân gian mọi người truyền nhau, rau ngót có tác dụng làm sạch ruột, chỉ nên ăn rau ngót sau khi nạo thai, sảy thai, sau khi sinh. Dù rất thích ăn rau ngót nhưng vì đang mang thai ở tháng thứ ba nên chị cũng đành xếp vào danh sách "rau cấm".

Không chỉ riêng chị Na mà nhiều bà bầu khác cũng “sợ” đu đủ xanh và rau ngót dù chưa rõ thực hư ra sao. Chị Hoa hiện ngụ tại Bình Thạnh, TPHCM chia sẻ, lần đầu mang thai chưa có nhiều kinh nghiệm nên ai mách thực phẩm nào nên tránh, chị tuyệt đối không ăn. Ngoài đu đủ xanh, rau ngót thì dứa cũng là một trong những thực phẩm mà chị khuyên bầu nên hạn chế ăn trong những tháng đầu của thai kỳ.

Rau ngót luôn nằm trong "danh sách đen" của bà bầu trong những tháng đầu thai kỳ. Ảnh internet.

Hạn chế ăn hay cần đoạn tuyệt?

Trong cuộc trao đổi với Alobacsi, BSCK I Cao Hồng Chi – GĐ Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản và Sức khỏe cộng đồng (Hội Kế hoạch Hóa gia đình Việt Nam), chia sẻ về việc ăn rau ngót dễ bị sảy thai không phải là không có cơ sở. Nhưng câu chuyện này chưa được mọi người hiểu đúng. Khi mang bầu, người phụ nữ vẫn hoàn toàn có thể ăn được rau ngót. Tuy nhiên, không nên ăn trong thời gian 3 tháng đầu thai kỳ, các bà bầu nên hạn chế ăn loại rau này.

Tất nhiên là không cần thiết phải kiêng tuyệt đối, nhưng với điều kiện chỉ ăn 2 - 3 bữa/tuần và tuyệt đối không ăn rau ngót sống hoặc uống sinh tốt rau ngót. Ngoài ra, những người được bác sĩ chẩn đoán dễ bị sảy thai (dọa sảy) thì không nên ăn loại rau này.

Nếu như đu đủ chín được coi là an toàn và bổ dưỡng tốt cho thai phụ thì đu đủ xanh lại có thể làm tăng nguy cơ co thắt tử cung. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trong một trái đu đủ xanh có chứa rất nhiều chất gây nguy hiểm cho thai nhi như papain, prostaglandin và oxytocin. Trong đó, chất papain có thể khiến tế bào phôi thai bị phá hủy, còn prostaglandin và oxytocin có tác dụng kích thích co bóp tử cung sớm đẩy thai nhi ra ngoài, điều này sẽ gây sảy thai nếu như thai nhi chưa đủ tháng.

Đu đủ xanh có chứa rất nhiều chất gây nguy hiểm cho thai nhi. Ảnh internet.

Dứa cũng nằm trong "danh sách thực phẩm cấm" vào những tháng đầu của thai kỳ của nhiều bà bầu. Tuy nhiên, theo bác sĩ sản khoa Laurie Gregg - bệnh viện Memorial Sutter, Mỹ, đến nay chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rằng ăn dứa sẽ dẫn đến sảy thai. Mặc dù trong loại trái cây này có chứa bromelain, một chất gây co bóp tử cung. Hàm lượng bromelain trong một quả dứa rất nhỏ và phải ăn ít nhất 7 quả dứa một ngày thì mới có hiện tượng co thắt tử cung.

Dù vậy, một số mẹ bầu đã từng có tiền sử sinh non, sảy thai nên cân nhắc ăn dứa vì trong dứa vẫn chứa chất nhỏ gây co bóp tử cung. Khi đun nấu dứa lên thì chất bromelain sẽ bị mất đi nên bạn có thể ăn bình thường. Bên cạnh đó, trong tháng cuối thai kỳ bà bầu có thể ăn nhiều dứa để làm mềm tử cung, giúp việc sinh nở dễ dàng hơn.