Thực hư lý do hàng loạt người bị hoại tử xương hàm
Thông tin liên quan các trường hợp mắc bệnh lý viêm tủy xương sau khi mắc Covid-19 gây ra nhiều sự lo lắng trong cộng đồng. Tại Việt Nam, số người từng mắc Covid-19 không nhỏ.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đều khẳng định không thể liên kết 2 vấn đề này với nhau.
Không khẳng định do Covid-19
Trao đổi với Zing, tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết trong thời gian qua, cơ sở y tế này tiếp nhận 11 trường hợp có các triệu chứng của viêm tủy xương.
“Trước đây, căn bệnh này khá hiếm gặp. Tuy nhiên, sau dịch Covid-19, chúng tôi nhận thấy số lượng bệnh nhân viêm tủy xương xuất hiện nhiều hơn”, bác sĩ Hùng thông tin.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng khẳng định điều này hoàn toàn không khẳng định người bệnh mắc viêm tủy xương là do mắc Covid-19. Chúng chỉ có thể là yếu tố nguy cơ nhiễm bệnh.
Tại Hà Nội, PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, cho hay cơ sở y tế này chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh lý trên.
Ông thông tin thêm: “Hàng năm, số lượng bệnh nhân viêm tủy xương cũng rất hiếm, chỉ lác đác một vài ca”.
Tương tự, PGS.TS Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, cho biết chưa ghi nhận các ca bệnh viêm tủy xương trong thời gian gần đây.
Là bệnh viện chuyên khoa về răng hàm mặt tuyến cuối, vị lãnh đạo thông tin ở khu vực miền Bắc nói chung cũng chưa ghi nhận các trường hợp mắc bệnh này trong thời gian gần đây.
Theo ông, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương hiện chỉ xuất hiện một số ca có viêm nhiễm, áp xe ở các hình thức khác. Ở những trường hợp này, tình trạng viêm cũng có thể lan xuống tận trung thất, gây tắc thở, phù nề...
Liên quan bệnh viêm tủy xương, PGS Bính thừa nhận mỗi năm, cơ sở y tế này chỉ tiếp nhận vài trường hợp. Đa phần đều được cấp cứu thành công.
Giả thiết về nguyên nhân
Chia sẻ với phóng viên về sự gia tăng số lượng bệnh nhân viêm tủy xương tại TP.HCM thời gian qua, TS Lê Quốc Hùng nhấn mạnh: “Chúng ta cần hiểu rõ vấn đề. Covid-19 là bệnh gây ra do cơ thể nhiễm virus. Với một số người có bệnh nền khi mắc Covid-19, SARS-CoV-2 có thể khiến tình trạng rối loạn miễn dịch gia tăng, từ đó làm bệnh nặng hơn”.
Trong khi đó, thế giới cũng ghi nhận những người khỏi Covid-19, dù từng diễn biến nặng hay nhẹ, vẫn có thể xảy ra tình trạng rối loạn miễn dịch. Lúc này, khả năng chúng ta bị nhiễm các loại virus, vi trùng sẽ dễ dàng hơn.
Vị chuyên gia phân tích: “Điều này giống như khi chúng ta khỏe mạnh, hệ miễn dịch hoạt động tốt, chúng ta có thể đi đường gặp mưa vẫn không sao. Tuy nhiên, khi cơ thể đang ốm, mệt mỏi, việc phải đi dưới trời mưa sẽ làm tăng khả năng cơ thể bị cảm lạnh”.
Tương tự, người từng mắc Covid-19 cũng vậy. Sau khi khỏi Covid-19, cơ thể bị tổn thương, sức khỏe suy giảm. Điều này có thể khiến chúng ta dễ mắc bệnh hơn.
“Do đó, vấn đề bệnh lý viêm tủy xương không liên quan trực tiếp đến Covid-19. Thay vào đó, nguyên nhân có thể đến từ việc cơ thể bệnh nhân sau khi nhiễm nCoV bị yếu đi, dễ mắc các bệnh khác hơn”, ông Hùng nhận định.
Đồng quan điểm, PGS Trần Cao Bính cho rằng việc số lượng bệnh nhân bị hoại tử xương hàm tại TP.HCM thời gian tăng lên là điều dễ hiểu. Nguyên nhân là Covid-19 khiến cơ thể người bệnh suy giảm miễn dịch. Về mặt chuyên môn, căn bệnh này cũng không xa lạ.
“Tình trạng này càng dễ xảy ra khi các bệnh nhân mắc Covid-19 diễn biến nặng và phải điều trị bằng corticoid. Việc này khiến hệ miễn dịch của họ kém hơn sau khi khỏi bệnh. Covid-19 cũng chỉ là yếu tố góp phần”, ông lý giải.
Liên quan vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung, khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, thừa nhận thời gian qua chưa gặp trường hợp nào có các biểu hiện tương tự.
Tuy nhiên, qua theo dõi các thông tin liên quan, bác sĩ Nhung nhận định nguyên nhân có thể không đến từ Covid-19.
“Tôi nghĩ các bệnh nhân có thể đã có bệnh lý về vùng hàm mặt từ trước. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát tại TP.HCM trong thời gian rất dài, các hoạt động khám, chữa bệnh không được diễn ra như bình thường khiến tình trạng bệnh không được xử lý sớm. Điều này có thể khiến bệnh nhân bị đau và phải nhập viện trong một biến chuyển khác”, bác sĩ Nhung nêu giả thuyết.
Theo vị chuyên gia này, trên thực tế cũng có rất nhiều tình trạng bệnh “mù mờ” như vậy.
Bác sĩ Nhung nêu ví dụ một trường hợp mới đây, người này đơn thuần bị sâu răng và đi nhổ tại một phòng khám tư. Tuy nhiên, sau khi nhổ, vết rách không liền lại.
Ban đầu, bệnh nhân này chỉ nghĩ do phòng khám kia làm không tốt. Tuy nhiên, khi tới Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương khám, kết quả trên phim chụp X-quang cho thấy nguyên nhân không đến từ việc nhổ răng.
“Thay vào đó, xương bị tiêu, tình trạng tủy nham nhở đã tồn tại từ trước đó. Kết quả sinh thiết tế bào sau đó cho thấy bệnh nhân có tế bào ung thư. Tế bào này thậm chí không phải từ xương mà từ phần mềm và ăn mòn, lan vào xương”, bác sĩ Nhung kể lại.
Do đó, vị chuyên gia nhấn mạnh vấn đề cần đặt ra là nguồn gốc của bệnh. Với các bệnh nhân viêm tủy xương ở TP.HCM, Covid-19 có thể không phải nguyên nhân khi SARS-CoV-2 chủ yếu ảnh hưởng tới hệ hô hấp.
Một giả thuyết khác được bác sĩ Nhung đặt ra là thực tế có một số loại thuốc, hóa chất chứa chất gây viêm tủy xương. Lúc này, cần xác định bệnh nhân đã được điều trị Covid-19 bằng thuốc gì.
“Trong quá trình thăm khám, chúng tôi cũng tiếp nhận một số trường hợp đang điều trị bệnh lý khác, các bệnh mạn tính, viêm nhiễm nhưng có sử dụng một số loại thuốc gây biến đổi tế bào xương hàm mặt, gây viêm và hoại tử xương”, vị chuyên gia chia sẻ.
Do đó, về chuyên môn, bác sĩ Nhung cho rằng tình trạng viêm tủy xương ở các bệnh nhân tại TP.HCM không đến từ Covid-19. Thay vào đó, chúng ta cần xem kỹ lại lượng thuốc họ đã được điều trị là gì.
Bác sĩ này nói thêm: “Với các ca viêm tủy xương, chúng tôi thường gặp một số bệnh nhi nhỏ tuổi, mắc bệnh này bẩm sinh, làm tiêu dần xương. Nhưng với người lớn, bao giờ cũng có nguyên nhân nào đó, thường do sử dụng hóa chất hoặc thuốc nhất định trong một khoảng thời gian dài. Lượng hóa chất này rất mạnh, gây viêm nhiễm, thay đổi tế bào xương...”.
Trước thông tin về việc các bệnh viện tại TP.HCM tiếp nhận hàng loạt ca bệnh cốt tủy viêm hoại tử nặng xương vùng sọ mặt - viêm xoang trên bệnh nhân từng mắc Covid-19, PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, mới đây đã yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn báo cáo tình hình tiếp nhận, điều trị các ca bệnh này.
Sở Y tế TP.HCM dự kiến tổ chức một buổi hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia để tìm hiểu nguyên nhân ở những ca bệnh hoại tử xương hàm trên trong thời gian qua.
Hiện bệnh chưa có khuyến cáo chính thức của Bộ Y tế và phác đồ điều trị. Cách điều trị hiện tại là phẫu thuật lấy hết xương viêm, hoại tử, sử dụng thuốc kháng sinh, kháng nấm.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....