Thực hư cô dâu thuê Rolls Royce để "khoe mẽ" với gia đình chồng: Vụ lừa thế kỷ hay chỉ là chuyện câu view trên mạng xã hội?
Những ngày qua trên mạng xã hội xuất hiện bài đăng của người phụ nữ tên L tố cáo em trai bị lừa đảo bằng nhiều thủ đoạn, chiêu trò tinh vi của một cô gái tên là V.A (27 tuổi, quê Bắc Giang). Chị này tố cáo, năm 2018, V.A đã tiếp cận gia đình với vẻ ngoài giàu sang, hào nhoáng để hẹn hò, qua lại với em chồng mình. Cô gái này nhiều lần chủ động tặng quà cho gia đình bạn trai, thể hiện sự hiểu biết về những tài sản xa xỉ, đắt tiền. Đổi lại V.A thường xuyên vay tiền của gia đình chị mỗi lần từ vài trăm triệu đến nhiều tỷ đồng.
Chị L còn cho biết, đám cưới giữa V.A với em chồng chị rất xa xỉ, diễn ra tại khách sạn 5 sao ở Hà Nội, mời vài trăm khách và của hồi môn là chiếc Rolls Royce hàng chục tỷ đồng. Trong bài đăng trên mạng, chị L giải thích, đây hoàn toàn là chiêu trò lừa đảo của V.A khi em dâu đã thuê biệt thự, căn hộ hạng sang, thuê xế hộp sang trọng ở để "làm màu". Thậm chí, V.A còn thuê người đóng giả bố giàu sang, thuê người tham dự tiệc đám cưới, thuê người đóng giả nhân viên công chứng để giao dịch bất động sản... Tổng số tiền bị V.A lừa của gia đình khoảng 17 tỷ đồng. Người viết nhấn mạnh sẽ không tố cáo V.A vì cô gái 27 tuổi nói mình đang có thai.
Sau khi câu chuyện này được đăng tải trên mạng xã hội, dù chưa rõ thực hư nhưng đã có lượng quan tâm, chia sẻ chóng mặt. Dư luận xôn xao, nếu câu chuyện lừa đảo này là có thật thì cô gái tên V.A quả là một "chuyên gia lừa siêu cấp".
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp nhận định, đây chỉ là thông tin một chiều chưa được kiểm chứng, chưa được cơ quan chức năng xác minh nên chưa thể rõ thực hư đến đâu. Do vậy, nếu các nạn nhân không tố cáo thì không có căn cứ để các cơ quan chức năng vào cuộc.
Thông thường, "lừa đảo" là khái niệm sử dụng phổ biến trong đời sống xã hội, trong các quan hệ dân sự, kinh tế hoặc trong tình cảm người ta không hài lòng với nhau. Tuy nhiên, "lừa đảo" dưới góc độ pháp lý thì đó là hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Hành vi "lừa đảo" khác với hành vi "lừa dối".
Trong quan hệ dân sự, hành vi lừa dối sẽ làm cho giao dịch vô hiệu nhưng không có yếu tố chiếm đoạt mà có thể chỉ là gây thiệt hại. Còn hành vi lừa đảo là đưa ra thủ đoạn gian dối khiến người khác trao tài sản rồi chiếm đoạt tài sản. Nếu hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ 2.000.000 đồng trở lên thì người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 (BLHS 2015). Hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền từ 500.000.000 đồng trở lên thì khung hình phạt có thể tới 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một trong các tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu tài sản được quy định trong Bộ luật hình sự. Người thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người đã đưa ra thủ đoạn gian dối làm cho nạn nhân tin tưởng rồi trao tài sản cho họ. Sau đó, khi có được tài sản thì người này chiếm đoạt số tài sản của nạn nhân.
Còn bản chất của việc chuyển giao tài sản từ người này cho người khác, từ chủ thể này cho chủ thể khác là giao dịch dân sự. Việc chuyển giao tài sản phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, tỉnh táo, minh mẫn thì giao dịch đó mới có hiệu lực pháp luật. Nếu gian dối, lén lút, đe dọa để chuyển giao tài sản, chiếm đoạt tài sản của người khác thì đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, nạn nhân bị chiếm đoạt tài sản thông qua các giao dịch dân sự, kinh tế phải trình báo sự việc với cơ quan chức năng; đưa ra các tài liệu chứng cứ và phối hợp với các cơ quan chức năng để chứng minh mình là nạn nhân của vụ việc lừa đảo thì mới có căn cứ để xử lý. Còn trường hợp không trình báo thì không có căn cứ để cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết.
Thông tin của sự việc nêu trên thì người bị tố cáo và người tố cáo có mối quan hệ chị chồng em dâu. Trong đời sống xã hội thì việc mâu thuẫn giữa chị chồng em dâu là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Những thông tin người chị chồng đưa lên mạng xã hội chưa được cô em dâu xác thực, cơ quan chức năng cũng chưa vào cuộc xác minh nên chưa thể kết luận được sự việc này là đúng hay không đúng.
Trong nội dung đăng tải lên mạng xã hội, người đưa ra thông tin cũng cho rằng gia đình mình không tố cáo, đã bỏ qua và không đề nghị cơ quan chức năng xem xét, việc đưa thông tin lên chỉ là có tính chất cảnh báo. Do đó, cơ quan chức năng sẽ không vào cuộc để xác minh đối với vụ việc này.
"Về phía cô gái bị đăng thông tin hình ảnh lên mạng xã hội, nếu thấy việc này không đúng quy định thì có thể đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xem, xét xử lý người đã đưa tin sai sự thật. Còn vấn đề đưa ra những thông tin có tính chất quan điểm, chưa rõ ràng, thiếu chứng cứ và chỉ là thông tin một chiều, không có khiếu nại, tố cáo thì cơ quan chức năng cũng sẽ không vào cuộc xác minh để xử lý", Ts.Ls Cường phân tích.
Luật sư cũng cho rằng, trong quan hệ tình cảm thì việc đưa ra những thông tin không đúng sự thật để "lừa gạt tình cảm" là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra trong đời sống xã hội. Đây thuộc về đạo đức xã hội và liên quan đến kĩ năng sống, kinh nghiệm sống của mỗi người. Thực tế, để tiếp cận một người mà mình yêu thích thì nhiều người sẵn sàng bất chấp việc đưa ra những thông tin sai sự thật, một vẻ ngoài hào nhoáng để chiếm được niềm tin, tình cảm của đối phương. Những hành vi đó được gọi là hành vi "lừa tình". Người bị lừa tình thường là người trẻ tuổi, nhẹ dạ, cả tin, thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng sống.
Về nguyên tắc là trong quan hệ tình cảm và trong các quan hệ dân sự thì các bên có trách nhiệm phải tìm hiểu thông tin về nhau. Đặc biệt là khi kết hôn thì hai bên luôn khẳng định đã tìm hiểu chín muồi, có tình cảm với nhau và sẵn sàng đi đến hôn nhân. Chuyện một cô gái trẻ tuổi mà xây dựng cho mình một lý lịch hoành tráng như vậy để che giấu thân phận, lừa dối cả gia đình nhà chồng giàu có, quyền quý là câu chuyện "xưa nay hiếm".
Trong chuyện tình cảm, đặc biệt là những chàng trai gia đình có điều kiện, cha mẹ là người có hiểu biết thì việc tìm hiểu con dâu, không dễ dàng chóng vánh như vậy. Ngay giữa thủ đô mà bị cô gái "nhà quê" lừa dối một gia đình giàu có, danh giá bằng cả màn kịch lớn là rất khó hiểu, thông tin này chưa được kiểm chứng và rất khó tin.
"Thực hư vụ việc này như thế nào thì cần có đơn trình báo tố giác tội phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ thì mới có kết luận chính thức. Còn nếu thông tin chỉ dừng lại ở đây mà không có thêm đơn thư tố giác, yêu cầu xử lý thì vụ việc chỉ là dư luận xã hội mà không có hồi kết", Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...