Hiểu sai về thực dưỡng

Trao đổi với PV Phụ nữ Sức khỏe, TS. Phạm Thị Việt Hương khẳng định thực dưỡng chưa bao giờ là phương pháp điều trị ung thư như lời đồn đại.

TS. Việt Hương lý giải chế độ thực dưỡng (tiếng Anh: macrobiotic) là một chế độ ăn kiêng, đôi khi ăn chay hoặc thuần chay một cách cố định dựa trên các ý tưởng về các loại thực phẩm được rút ra từ Thiền tông.

Chế độ ăn uống này cố gắng cân bằng các yếu tố âm dương. Nguyên tắc chính của chế độ thực dưỡng là giảm các sản phẩm từ động vật.

Cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một bằng chứng lâm sàng nào có giá trị nghiên cao cho thấy chế độ thực dưỡng hữu ích cho người ung thư. Ảnh: Thu Hà

Bản thân TS. Việt Hương cũng dành một vài ngày trong tháng để thực hiện ăn uống theo chế độ thực dưỡng thanh đạm để nhẹ bụng, thanh lọc cơ thể. Với người khỏe mạnh, nếu được thực hiện đúng thì việc thực dưỡng rất tốt cho sức khỏe.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại vẫn không có một bằng chứng lâm sàng nào có giá trị nghiên cứu cao cho thấy chế độ thực dưỡng là hữu ích cho người mắc bệnh ung thư hoặc các bệnh khác, thậm chí nó còn gây hại cho sức khỏe.

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ và Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh đều khuyên bệnh nhân ung thư không nên áp dụng chế độ thực dưỡng này.

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo, người mắc bệnh ung thư không nên dựa vào chương trình ăn kiêng như một phương pháp điều trị duy nhất hoặc chính. Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh tuyên bố: "Không có bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng chế độ thực dưỡng có thể điều trị hoặc chữa khỏi bệnh ung thư hoặc bất kỳ bệnh nào khác".

Theo TS. Việt Hương, chính những người bán thực phẩm chức năng, bán đồ thực dưỡng đã lợi dụng việc người bệnh ung thư thiếu hiểu biết, thổi phồng, làm sai lệch về thực dưỡng. Trong khi bản chất chế độ thực dưỡng lại không như vậy.

“Người bệnh, người nhà bệnh nhân thường hoang mang vào thời điểm nhận kết quả ung thư chứ không thể hoang mang đến mấy năm trời điều trị. Bác sĩ khản cổ tư vấn miễn phí mà người bệnh vẫn bỏ bệnh viện đi theo thực dưỡng là do thiếu hiểu biết, tự đẩy mình vào tình thế nguy hiểm”, TS. Việt Hương bày tỏ.

Nhiều hệ lụy đau lòng

Nhiều năm gắn bó với bệnh nhân ung thư, TS. Việt Hương không ít lần mất ngủ trước những bi kịch đau lòng chỉ vì người bệnh tin vào “thánh chữa ung thư”.

Trẻ ung thư có thể bị thiếu hụt dinh dưỡng do chế độ thực dưỡng. Phụ nữ mang thai nếu áp dụng thực dưỡng sẽ gây hậu quả không đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển bình thường của thai nhi.

Tin vào chế độ thực dưỡng, không ít bệnh nhân ung thư đã phải trả giá. Ảnh: Thu Hà

“Chế độ ăn kiêng thực dưỡng nghiêm ngặt, trong đó không ăn sản phẩm từ động vật có thể dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng. Nguy hiểm có thể tồi tệ hơn đối với những người mắc bệnh ung thư – người đang phải đối mặt với việc sụt cân không mong muốn và thường có nhu cầu dinh dưỡng và calo tăng lên.

Từ bỏ bệnh viện hoặc trì hoãn sự chăm sóc của y tế, dựa vào thực dưỡng để điều trị sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, bỏ qua thời điểm vàng để cứu mạng bệnh nhân ung thư”, TS. Việt Hương cảnh báo.

PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện nghiên cứu phòng chống ung thư khẳng định người dân không nên dễ dàng cả tin, tốn kém tiền bạc, thời gian, đánh mất cơ hội điều trị chính thống vì lựa chọn các phương pháp không chính thống, chưa có cơ sở khoa học.

“Người dân cũng như những người bệnh ung thư cần tìm hiểu và tham khảo các thông tin, tài liệu chính thống về phòng chống căn bệnh này từ các bác sĩ chuyên khoa và cơ sở y tế, hiệp hội ung thư uy tín.

Đặc biệt, bệnh nhân ung thư cần hỏi bác sĩ chẩn đoán, điều trị của mình thật nhiều để hiểu rõ về bệnh, các phương pháp điều trị, khả năng đáp ứng và tiên lượng kết quả. Bởi điều trị ung thư rất phức tạp, đòi hỏi chuyên môn sâu, kết hợp đa chuyên khoa mới có có thể có hiệu quả”, PGS. Thuấn cho biết.

Hiện nay, có thể chia các phương pháp điều trị ung thư thành 4 nhóm chính. Các phương pháp này đã được thử nghiệm, có chứng minh rõ ràng và đã được các trung tâm ung thư trên toàn thế giới áp dụng.

Điều trị phẫu thuật: Chỉ định cho giai đoạn khối u khu trú. Phẫu thuật là phương pháp hiệu quả nhất để điều trị triệt để ung thư giai đoạn sớm.

Điều trị xạ trị: Là sử dụng tia bức xạ ion hóa để tiêu diệt tế bào ung thư.

WHO xếp xạ trị là một trong các phương pháp quan trọng nhất để điều trị và kiểm soát ung thư. 50-70% bệnh nhân ung thư có chỉ định xạ trị.

Chỉ định xạ trị tùy theo loại ung thư, giai đoạn bệnh, type mô bệnh học...

Xạ trị có thể tiến hành điều trị đơn thuần hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác như phẫu thuật, hóa chất.

Điều trị hoá chất: Là sử dụng các thuốc gây độc tế bào nhằm tiêu diệt tế bào ung thư. So với hiệu quả đem lại, các tác dụng phụ do hoá trị là có thể chấp nhận và kiểm soát được.

Hoá trị chỉ định chủ yếu cho ung thư giai đoạn di căn. Hóa trị còn có vai trò bổ trợ cho ung thư giai đoạn khu trú sau phẫu thuật, dự phòng nguy  cao tái phát di căn.

Điều trị nhắm đích (Targeted therapy): Liệu pháp nhắm trúng đích điều trị ung thư bằng cách sử dụng các thuốc làm hạn chế sự tăng trưởng và lan tràn của bệnh ung thư.

Liệu pháp này thường được áp dụng trên những bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn, tiến triển và di căn xa mà các phương pháp điều trị tại chỗ như phẫu thuật, xạ trị không thể thực hiện được.

Cơ chế hoạt động của hầu hết liệu pháp nhắm trúng đích là can thiệp vào các protein đặc hiệu của tế bào ung thư.Hầu hết bệnh nhân ung thư cần sinh thiết khối u, làm xét nghiệm hóa mô miễn dịch hay sinh học phân tử để kiểm tra sự phù hợp của thuốc liệu pháp nhắm đích hay không.