Hôm nay không phải là mùa treo buồn bã lên sào phơi?

Hôm nay không phải là ngày mưa ngược tràn mi mắt?

 

Hôm nay là ngày con thấy hồi ức năm ấy ẩn hiện trong làn khói nhang tỏa lên cay xè. Là ngày mà quá khứ qua ngang cuộc đời con, có màu đen trắng kịch cỡm huyễn thương kiếp người. 13 năm, từng ấy ngày con rụt rè hình dung ra cảnh được dụi đầu vào ngực Mẹ, vòng tay ôm thật chặt và cứ thế đánh một giấc ngon bỏ sau những rối rắm đời thường. Mẹ ơi, cảnh tượng ấy là do con dựng lên... con thấy đó là một cảnh tượng hạnh phúc nhất, ấm áp nhất cứ cồn cào đủ để hoai hoải suốt không gian trong lòng con.

Rời phố về nhà, con thành một đứa trẻ con ngủ vùi trong từng thứ cũ kỹ mốc thếch, mơi mới của năm tháng. Tiếng gà gáy tinh mơ vang khắp, tiếng ụm bò ong óng đằng sau nhà, tiếng chó sủa ăng ẳng trước sân... tất cả âm thanh quê mùa thân thuộc đã vun vén dùm con một buổi sáng nằm nghe rất đỗi yên bình.

Vừa thọt chân vào đôi dép bước ra hiên, tiếng chú Hai hàng xóm làm con giật mình: “Bây về nhà giỗ Mẹ hả?”. Con chưa kịp trả lời, chú đã tiếp luôn câu sau: “Cho bây mấy trái bắp vườn, nấu ăn đi út”. Nghe đâu, chiều qua nhậu với anh rể, chú hứa ngày mai hái bắp đem cho vì biết con sẽ về nhà. Chú chậc lưỡi, ngó con một hồi rồi ghẹo: “Út càng lớn càng đẹp gái nghen, chừng nào bây có chồng?”. Con cười xòa tếu táo: “Sắp rồi chú, mà chưa biết ngày hà... con kiếm ai biết nhậu rượu đế như chú Hai luôn”.

Chú cười tịt mắt và dí tay vào bàn tay con như cách thể hiện yêu thương đối với cô con gái nhỏ. “Mà nó nhậu ít hơn chú thôi nghen, nhậu như chú... thím hai bỏ chạy mất dép rồi đó”, giọng chú chẹn lại.

Chuyện của chú thím cũng một thời huyên náo Mẹ nhỉ? Hồi đó, chú vác dao rượt thím ngoài đồng, đánh đập và đuổi thím ra khỏi nhà... Một chiều muộn, thím bỏ đi thật, bỏ chú với nỗi day dứt đáng thương nào đó. Mùa thay nhiều đợt lá, con thêm nhiều xuân xanh nhưng chú vẫn ngày ngày giấu mình trong hơi men, lê la rồi càm ràm la hét đủ chuyện... người ta có nghe cả lời xin lỗi muộn màng của chú, về thím - người đàn bà từng bị chú hành hạ năm xưa. Con người có những hằn vết quá khứ không dễ nguôi ngoai, nhưng cũng có những chuyện, những người lướt qua nhau mờ nhạt như sương khói, phải không Mẹ?

Ngày giỗ mẹ như thường lệ con lại ngồi viết những dòng thư

Về nhà, con cảm nhận được lối quê mộc mạc của đồng ruộng và tình người ấp ôm dịu hiền như lòng Mẹ. Chùm nắng sớm rọi hồng hào qua song cửa, mùi khói bếp phảng phất hong lên lối về quãng xưa nhiều thương nhớ... có chảo cơm rang thơm mùi tỏi, có giọng Mẹ gắt gỏng khi con làm đổ thau bột vừa xay, có gương mặt Mẹ buồn rầu khi con nhịn đói suốt hai ngày vì giận.

Mẹ à, ngày tháng năm ấy con đã làm khổ Mẹ nhiều đúng không? Giá như con được một lần ôm hôn gương mặt sạm nắng của Mẹ, một lần nói rằng: Con yêu Mẹ. Và, một lần cho con quỳ gối nói thêm hai từ: Xin lỗi. Nhưng, Mẹ ơi, hôm nay khi con trưởng thành, con tự hiểu hai từ “giá như” là hai từ mãi mãi không bao giờ xảy ra...

Thời gian khuếch tán nỗi đau xưa thành nét xước hằn trên cửa kính hiện tại, lòng con chốc hoen lạnh rồi len dày những cảm thức thân thương chảy tràn trong huyết quản. Thầy dạy con rằng: “Sự tiếp nối đẹp đẽ của Ba Mẹ nơi mình là biểu hiện cụ thể nhất cho lòng Hiếu”. Con đang đặt bàn tay của mình lên ngực trái để lắng nghe sự sống bên trong con, máu huyết đang lưu chuyển trong cơ thể con, hơi thở và nụ cười của con đều do Ba Mẹ ban tặng... là báu vật thiêng liêng nhất trong cuộc đời mà con chưa bao giờ mất đi. Con sẽ trân quý những người con thương bằng tất cả bình an trong trái tim, để không một vết trầy trụa nào dấy lên mối quan hệ giữa con và họ. Mẹ à, con không muốn trả giá cho tháng ngày phía trước là nỗi day dứt đến ngột ngạt mà chú Hai đã trải qua.

Nếu Mẹ là bầu trời, con xin là mây... mãi một niềm thương kính, tự do và thảnh thơi đến cùng trời!

Nếu Mẹ thoát hình trong hàng vạn tế bào nơi cơ thể con, con xin tiếp nối Mẹ, biểu hiện thật xinh đẹp, thanh lương và thuần khiết giữa cuộc đời!