Khoảng 17h chiều ngày 20/7, bà Nguyễn Thị Dương (77 tuổi, trú Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm) sang chơi nhà cháu ngoại là chị Đinh Thị Ngân (28 tuổi, phố Phú Viên, phường Bồ Đề).

Trong lúc nói chuyện với cháu gái, bà Dương bị chó của gia đình Ngân nuôi lao ra cắn xé tới tấp. Bất ngờ bị chó tấn công, bà Dương ngã ra đường, không thể chống cự lại.

Chị Ngân vội lao vào giải cứu bà ngoại, 1 tay giữ chặt mõm con chó, tay còn lại kéo nạn nhân ra xa nhưng không thành.

Bà Dương được giải cứu nhờ nhóm thanh niên sống cạnh đó dùng gậy đuổi đánh con chó hung dữ. Bà Dương nhập viện cấp cứu tại bệnh viện Việt Đức với vết thương nặng ở phần tay trái và đùi phải.

Giống chó tấn công bà Dương là Malinois, nặng khoảng 20kg, gốc châu Âu, thường được nuôi để đi săn. Giống chó này thường được các đơn vị huấn luyện làm chó nghiệp vụ, phục vụ các nhiệm vụ an ninh như truy tìm tội phạm, phát hiện chất nổ.

Dạo qua một vòng các đường phố, công viên, khuôn viên chung cư… trên địa bàn Hà Nội, tình trạng chó thả rông không đeo rọ mõm vẫn còn khá phổ biến. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phân loại, đánh giá mức độ nguy hiểm của từng loại chó để có những quy định phù hợp. Loại chó nào là chó cảnh, được xuất hiện tại nơi công cộng, loại chó nào là chó dữ, cần các điều kiện nuôi dưỡng đặc biệt, cần bảo hộ khi xuất hiện tại nơi công cộng… là những quy định cần làm rõ, và có chế tài xử lý các vi phạm.

Bà Dương với nhiều vết thương nặng sau khi bị chó tấn công - Ảnh: Cắt từ clip

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, trước giờ Hà Nội vẫn chỉ đạo và có văn bản yêu cầu các quận huyện tăng cường tổ chức triển khai quản lý chó nuôi như: phòng chống bệnh dại; quản lý chặt chẽ chó nuôi trên địa bàn; xử lý các vi phạm đối với chủ chó thả rông, cắn người; tổ chức bắt giữ và tiêu hủy theo quy định pháp luật...

Tuy nhiên, ông Sơn thừa nhận phần lớn các quận, huyện hiện nay chỉ làm tốt ở khâu tiêm phòng, còn tình trạng chó thả rông ngoài đường, không đeo rọ mõm, không đảm bảo an toàn cho người xung quanh vẫn diễn ra phổ biến.

Theo thống kê, mỗi năm, cả nước xảy ra từ 400.000 - 500.000 trường hợp bị chó cắn phải điều trị dự phòng gây lo lắng hoang mang, rất tốn kém và mất thời gian. Trong đó, có từ 80 - 100 trường hợp tử vong do lây các bệnh từ chó, mèo.

Những tai nạn thương tâm trên là một hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng phớt lờ, bất chấp các quy định về vệ sinh dịch tễ và an toàn của các chủ nuôi. Tuy nhiên, những cái chết, sự lo lắng khôn nguôi đó dường như chưa đủ để cộng đồng nhận thức rõ đang có biết bao mối nguy đe dọa sự an toàn cuộc sống từ đông đảo số chó nuôi thả, không rọ mõm, thậm chí không tiêm phòng bệnh dại.