Liên quan đến vụ UBND TP Cần Thơ vừa quyết định xử phạt hành chính 90 triệu đồng người dân vì đổi 100 USD tại tiệm vàng Thảo Lực, trả lời báo chí bên hành lang QH sáng nay, Thống đống Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo kiểm tra hồ sơ của vụ việc.

Thống đốc đã chỉ đạo Giám đốc NHNN Việt Nam cơ quan phía Nam tiếp cận, kiểm tra hồ sơ của vụ việc, sau đó tư vấn cho UBND TP Cần Thơ có hướng xử lý phù hợp.

Nói về nghị định 96/2014 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, nghị định này đang nằm trong kế hoạch sửa đổi trong năm nay. Trong đó, việc phân loại mức vi phạm cũng là một cách khi sửa nghị định này.

Trước thắc mắc về việc ký quyết định khám xét hành chính nhà ở của ông Lê Hồng Lực, chủ tiệm vàng đổi 100 USD cho anh thợ điện, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) cho biết, đây là việc làm đúng thẩm quyền.

"Lúc công an trình qua là khám xét hành chính, tức khám xét nơi ở của ông Lực nên việc tôi ký lệnh là đúng thẩm quyền. Vào năm 2017, tôi cũng đã ký quyết định khám xét hành chính đối với chỗ ở của ông Lực" ông Dương Tấn Hiển, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều chia sẻ trên Báo Người Lao Động.

Ông Dương Tấn Hiển. Ảnh: Cổng thông tin điện tử TP Cần Thơ

Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Trường Thành (Đoàn luật sư TP Cần Thơ) trả lời báo Tuổi trẻ, theo điều 129 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, thẩm quyền khám xét nơi cất giấu phương tiện, tang vật là chỗ ở thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, nhưng ở đây địa điểm tiệm vàng Thảo Lực vừa là chỗ ở vừa là trụ sở của doanh nghiệp (Công ty TNHH MTV Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực do ông Lê Hồng Lực làm giám đốc), nên trong trường hợp này việc ban hành lệnh khám xét của chủ tịch UBND quận Ninh Kiều phải ghi rõ khám xét "chỗ ở và trụ sở của doanh nghiệp", chứ không chỉ ghi khám xét "chỗ ở" mà thôi.

Điều này rất quan trọng bởi Luật xử lý vi phạm hành chính cũng quy định rõ chủ tịch UBND quận chỉ có thẩm quyền ban hành lệnh khám xét chỗ ở của công dân, không quy định chủ tịch UBND cấp quận được ban hành lệnh khám xét trụ sở doanh nghiệp.

Cũng nói về sự việc, Luật sư Lê Quang Vũ, Giám đốc Công ty Luật Công Bình (TP HCM) nói trên Báo Người Lao Động, căn cứ vào Điều 127, Điều 128 và Điều 129 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều ra quyết định khám xét hành chính nhà ở ông Lực là đúng quy định. Còn khám xét theo trình tự hình sự thì phải do người đứng đầu cơ quan điều tra, TAND, VKSND các cấp… phê chuẩn.

"Nếu lực lượng quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế khi bắt quả tang tiệm vàng đổi 100 USD cho khách mà không có giấy phép thì lực lượng này có quyền khám xét doanh nghiệp mà không cần xin lệnh khám xét do Chủ tịch UBND quận ký. Nhưng tiệm vàng cũng là nơi ở của ông Lực, nên theo quy định phải có lệnh khám xét do chủ tịch UBND quận ký", luật sư Vũ nói thêm.

Trong khi đó, bình luận về việc chủ tịch UBND quận Ninh Kiều ra quyết định khám xét nhà ở của ông Lê Hồng Lực trong trường hợp trên, trả lời báo Tuổi Trẻ, luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng đó là việc làm lạm quyền, áp dụng sai quy định pháp luật.

Cụ thể, quyết định khám xét nhà ở căn cứ vào khoản 2, điều 129 Luật xử lý vi phạm hành chính cho phép chủ tịch UBND cấp huyện (quận Ninh Kiều) được phép khám xét nhà ở. Tuy nhiên, nhà ở đó phải là nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trong khi tang vật, phương tiện vi phạm trong vụ việc này chỉ là tờ tiền 100 USD và 2.260.000 đồng (được đổi).

Nơi xảy ra vi phạm, chứa tang vật (được bắt quả tang) là địa điểm kinh doanh chứ không phải toàn bộ căn nhà riêng. Thêm nữa, vi phạm ở đây là kinh doanh ngoại tệ mà cơ quan công an lại thu giữ cả kim cương và đá nhân tạo.

Luật sư Phát cho rằng kết quả xử phạt sau đó đã minh chứng cho việc khám xét, tạm giữ (kim cương, đá nhân tạo) của cơ quan chức năng cũng không đúng. Cụ thể, TP Cần Thơ đã phạt tiền (là hình phạt chính) cho cả người đổi đôla và chủ tiệm vàng, đồng thời hình phạt phụ là tịch thu tang vật vi phạm gồm 100 USD và 2.260.000 đồng.

"Rõ ràng, địa điểm diễn ra hành vi vi phạm và tang vật vi phạm là cụ thể, gói gọn như vậy nhưng cơ quan chức năng tổ chức khám nhà ở, tạm giữ vàng là lạm quyền. Thiệt hại của chủ tiệm vàng trong vụ việc này ai sẽ chịu? Kịch bản vụ việc khám xét tại Cần Thơ tương tự như vụ xảy ra ở tiệm vàng Hoàng Mai, quận Bình Thạnh (TP.HCM) trước đây..." - luật sư Phát nêu.

Về việc khám xét nhà trong trường hợp xử lý vi phạm hành chính, luật sư Phát cho hay chỉ khi có căn cứ rõ ràng nhà ở là nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm mới được khám xét chứ không thể tùy tiện. Ngoài ra, khám nhà theo thủ tục hình sự thì quyết định khám xét phải được viện kiểm sát phê chuẩn trước khi khám.

Trước đó, Ông Dương Tấn Hiển, chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, đã hai lần ký quyết định khám xét tiệm vàng Thảo Lực gồm: quyết định "khám nơi giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở" ngày 5/5/2017 và quyết định "khám nơi giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở" ngày 24/1/2018.

Bên cạnh đó, ngày 25/10, trao đổi với báo chí về việc 20 viên kim cương và 19.910 viên đá nhân tạo bị UBND TP Cần Thơ xử lý đấu giá sung công quỹ, chủ tiệm vàng Thảo Lực (quận Ninh Kiều) cho biết đang cân nhắc việc khởi kiện quyết định này.

Theo đó, quyết định tịch thu 2.260.000 đồng của ông Nguyễn Cà Rê (nhân viên điện lực) và 100 USD của tiệm vàng mua của ông Rê chuyển vào kho bạc. Số kim cương và đá nhân tạo trị giá hơn 548 triệu đồng trên cũng sẽ được chuyển vào Kho bạc Nhà nước TP Cần Thơ để xử lý.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, nói trên Báo Pháp Luật TP.HCM, Nghị định 96/2014 của Chính phủ (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng) được bổ sung, sửa đổi từ Nghị định 2002, đó là gia tăng hình thức xử phạt đối với người mua bán vàng và ngoại tệ trái phép. Từ khi Nghị định 96 có hiệu lực thì đã thiết lập được trật tự kỷ cương trên thị trường vàng với thị trường ngoại hối. Cũng nhờ nghị định này mà sức ép về tỉ giá trên thị trường tự do cũng đã giảm mạnh.

Theo đó, việc xử phạt với hành vi của ông Rê và tiệm vàng là cần thiết nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần sửa đổi quy định này theo hướng phải định lượng giá trị ngoại tệ vi phạm để xử phạt.